Trước là cây mọc hoang giờ thành đặc sản, dân đi hái về bán kiếm bộn tiền
Được ví von là "mai vàng" mùa nước nổi, người dân chong đèn đi hái, mỗi đêm kiếm vài trăm ngàn đồng.
Cứ mỗi mùa nước nổi, ngoài tôm cá đầy đồng, có rất nhiều sản vật khác mà đất trời ban tặng cho người dân miền Tây. Trong đó, không thể không kể tới bông điên điển - "mai vàng" mùa nước nổi.
Trước kia, điên điển là cây hoang dã, tập trung nhiều nhất ở An Giang, Đồng Tháp, Long An và TP Cần Thơ. Giờ đây, cây được nhiều hộ dân trồng theo bờ ranh đất.
Cây điên điển thuộc họ đậu thân gỗ nhỏ, dễ thích nghi với môi trường và có sức sống mãnh liệt ở vùng ngập nước theo mùa.
Bông điên điển có màu vàng tươi, là thức ăn giàu dinh dưỡng cho hương vị thơm ngon, bùi, béo rất ấn tượng.
Mỗi mùa điên điển, người dân sẽ chống xuồng trong từng bờ rạch, bờ đê hái những chùm bông vàng rực để làm rau ăn trong mỗi bữa cơm.
Thời gian gần đây, bông điên điển "lên ngôi", được ngày càng nhiều người biết tới và yêu thích. Vì thế, số lượng cây hoang dã không đủ để hái, người dân trồng thêm để tăng thu nhập.
Bông điên điển nhỏ, lại nhiều và nở rất nhanh, người mua chỉ chuộng những bông búp vừa hé nên người dân thường chong đèn đi hái ban đêm. Mỗi đêm có thể hái 5-6kg bông điên điển, cho thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày.
Bông điên điển bán ở các chợ dân sinh có giá khoảng 30.000 - 45.000 đồng/kg, ngoài ra còn được đóng hộp bán trong siêu thị với giá đắt hơn.
Bông điên điển thơm ngon, lạ miệng, lại còn đẹp mắt nên được nhiều nhà hàng, quán ăn ưa chuộng.
Từ bông điên điển có thể chế biến được rất nhiều món ngon: lẩu cá linh, xào tép đồng, gỏi ngũ sắc...