Trồng loại quả từng mọc hoang, giờ quý như “vàng đen”, cả làng "đổi đời"
Từ loại cây mọc hoang trên rừng, bà con mang về trồng trong vườn nhà làm thức ăn những ngày khó khăn, giờ bỗng có giá đắt đỏ, được ví như "vàng đen".
Đây là loại cây thường thấy ở các vùng trung du và miền núi phía Bắc cho quả màu đen.
Trước đây, quả của nó thường dùng để ăn chơi hoặc chế biến thành các món ăn dân dã phục vụ trong gia đình với giá trị kinh tế thấp.
Tuy nhiên, khoảng chục năm gần đây, trám đen trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích, săn lùng.
Tại thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) hầu như nhà nào cũng trồng trám đen. Cả thôn có khoảng 3.000 cây trám đen trên diện tích khoảng 40ha.
Trong đó có 16 cây đầu dòng và hơn 100 cây trám cổ thụ được đánh số để bảo tồn có thể thu hoạch được hàng tạ quả.
Cụ Nguyễn Thị Sê (83 tuổi), trú tại xóm Đá, thôn Vân Xuyên cho biết, vườn nhà cụ có cây trám do chính tay cụ trồng, năm nay cho thu hơn 1 tạ quả.
“Ngày xưa, những năm kháng chiến chống Pháp, quả trám được nấu với muối để ăn với cơm, nuôi sống nhân dân và cán bộ Trung ương Đảng về huấn luyện quân sự tại đây”, cụ Sê nói.
Những năm gần đây, làng Vân Xuyên cung cấp ra thị trường từ 50-60 tấn trám đen với giá từ 120-150 nghìn đồng/kg và từ 5.000-6.000 cây trám giống với giá từ 180-200 nghìn đồng/cây.
Ước tính mỗi năm, làng Vân Xuyên thu được trên 6 tỷ đồng từ trám đen.
Trám đen ra hoa vào tháng 2, cho thu hoạch vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch.
Khi thu hoạch, người dân thường trải bạt dưới gốc, sau đó dùng sào đập cho trám rụng xuống.
Vì là cây cổ thụ rất cao, tán rộng nên việc thu hoạch hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
Trám thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó với giá cao.
Trám đen được nhiều người lùng mua để chế biến thành các món ăn như trám om, trám ngâm mắm, xôi trám, trám kho thịt, nham trám.
Từ loại cây mọc hoang trên rừng, trám đen đã trở thành loại cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ gia đình trở nên khá giả.