Loại rau có tên như đá quý, giá đắt hơn thịt dân Hà Nội vẫn đổ xô mua
Loại rau này mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng rất được ưa chuộng vì hương vị tươi mát và nhiều dinh dưỡng.
Rau bông tuyết hay còn được gọi là rau kim cương, rau vương giả, rất được ưa chuộng ở Trung Quốc và mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây.
Loại rau này có lá dày, trên lá và thân có nhiều hạt lấp lánh như những bông tuyết trắng còn đọng lại. Đây thực chất là một lớp tế bào có thành phần chính là muối thực vật tự nhiên, có hàm lượng natri thấp, tốt cho cơ thể, thích hợp với người trung niên, cao tuổi, người bị huyết áp cao.
Thời điểm mới xuất hiện trên thị trường Hà Nội năm 2021, rau kim cương từng có giá lên tới 150.000 đồng/kg, đắt hơn cả thịt lợn loại ngon.
Thế nhưng vẫn rất nhiều người tìm mua. Lúc khan hàng có khi phải đặt trước vài ngày mới có rau.
Do có nguồn gốc châu Phi, nơi có môi trường tự nhiên tương đối khắc nghiệt nên rau kim cương được trời phú cho sức sống mãnh liệt.
Loại cây này ưa nắng, có đặc tính chịu hạn, chịu mặn, chịu kiềm, nhiệt độ cao nhưng lại sợ rét, úng. Nhiệt độ thích hợp nhất là 5-25°C, khi nhiệt độ cao hơn 35°C hoặc thấp hơn 5°C cây sẽ khô héo, thậm chí chết.
Đặc biệt, rau bông tuyết còn có gen kháng bệnh và sâu bệnh mạnh nên trong quá trình sinh trưởng không cần phun bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, vừa giúp giảm đáng kể chi phí gieo trồng vừa an toàn cho sức khỏe người dùng.
Rau bông tuyết phổ biến ở các nhà hàng, khách sạn Trung Quốc, ít có ở chợ do không nhiều nông dân trồng loại rau này vì họ cho rằng nó rất khó trồng, chỉ được trồng với quy mô nhỏ.
Ở Việt Nam, nhiều nhà vườn đã trồng thành công rau bông tuyết nhưng số lượng cung ứng ra thị trường vẫn còn hạn chế. Dù giá cao nhưng rau bông tuyết vẫn được ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao, giàu các chất dinh dưỡng như natri, kali, axit amin, chất chống oxy hóa…, đặc biệt là chất pinitol có khả năng cải thiện chức năng gan, giảm lượng đường trong máu.
Loại rau này có vị tươi mát giòn tan trong miệng, trộn salad, ăn cùng món hầm và thịt nướng nhưng phổ biến nhất vẫn là ăn sống để giữ được nguyên vẹn hương vị và giá trị dinh dưỡng của rau.