Loại hạt đặc sản Tây Bắc, trước rụng đầy rừng, giờ thành gia vị đắt đỏ
Loại hạt này giờ được bán với giá lên tới 350.000 đồng/kg, là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn đặc sản Tây Bắc.
Mắc khén là một trong những loại gia vị nổi tiếng, được coi là “đệ nhất gia vị Tây Bắc”.
Mắc khén thuộc họ hồi, mọc tự nhiên ở trong rừng. Cây mắc khén phân bố rộng rãi ở các tỉnh miền núi, xuất hiện nhiều ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Cây mắc khén là loại cây thân gỗ cao từ 14-18m, thân thẳng, vỏ có nhiều gai, thường sinh sống ở độ cao từ 500-1.500m so với mực nước biển.
Hoa mắc khén mọc thành chùm. Mùa hoa mắc khén từ tháng 6-7, sau đó đậu thành quả.
Mùa quả mắc khén chín từ tháng 10-11. Khi thu hoạch, người dân bẻ nguyên cả chùm rồi đem về phơi hoặc hong khô trên bếp để dùng dần.
Quả mắc khén khi non có màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu đen. Các quả mắc khén có hình tương đối tròn, có ngạnh, to cỡ hạt tiêu non.
Mắc khén có mùi thơm dịu chứ không mạnh như hạt tiêu, không cay như ớt, mà tạo ra vị tê rần rần nơi đầu lưỡi khi nếm. Ngoài để ướp gia vị, chúng còn được dùng để pha đồ chấm.
Trước đây, bà con dân tộc vào rừng hái quả mắc khén về làm muối chấm hoặc gia vị trong các món ăn truyền thống. Lúc đó, mắc khén ít khi được đưa ra mua bán. Nếu có bán giá cũng rất rẻ, chỉ 5.000-20.000 đồng/kg.
Hiện nhiều người đã tự trồng mắc khén để thu hoạch. Mắc khén hiện có giá bán không hề rẻ. Giá mắc khén khô lên tới 300.000-350.000 đồng/kg.
Mắc khén được dùng cho nhiều món khác như chiên, kho; tẩm ướp thịt sấy khô, thịt gác bếp, thịt hun khói; cho vào nước chấm chẩm chéo...