Kì lạ loại quả "hôi", người dân lấy vỏ, bỏ ruột, chế biến thành sản phẩm bán tiền triệu
Loại quả này trước kia có giá trị rất thấp, giờ lại thành đặc sản, nhiều người ưa thích.
Quýt hôi, hay còn gọi là quýt hoi, vốn là một loại cây dại có từ lâu đời, mọc tự nhiên trên các triền đồi ở Thanh Sơn, Bá Thước, Thanh Hóa.
Trong một thời gian dài, cây quýt hoi không được chăm sóc, đất đai bạc màu; thị trường tiêu thụ cũng không được ai quan tâm, người dân chỉ mang quả ra chợ bán hay chế biến sử dụng cá nhân, cho gia đình.
Tuy nhiên, những năm gần đây, loại quả này được nhiều người ưa chuộng, chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị.
Vì thế, cứ tới mùa quýt hoi, tầm tháng 11 đến tháng 1 năm sau, thương lái đến tận vườn thu mua, người trồng bớt vất vả, thu nhập lại ổn định.
Ngoài bán cho thương lái, người dân còn hái quýt hoi về làm trà, ngâm mật ong và rượu để bán cho khách du lịch.
Theo tính toán, 1 ha quýt cho sản phẩm bình quân 6 tấn/năm, thu 90 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có một số vườn quýt sản lượng trên 10 tấn/năm, cho thu nhập 150-180 triệu đồng.
Khác với các loại cam quýt thường, quýt hoi giá trị nhất nằm ở phần vỏ. Người dân thường lột lấy vỏ, phơi khô, rang vàng rồi chế biến.
Ruột quýt hoi thường chỉ dùng để làm nước rửa bát đĩa.
Quýt hoi có công dụng trị ho rất tốt, khi ngâm với mật ong sẽ tạo thành bài thuốc giá trị cho trẻ em và người già. Rượu quýt hoi cũng có vị thơm đặc trưng nên được nhiều người yêu thích.
Một bình mật ong ngâm vỏ quýt hoi có giá bán 1-1,5 triệu đồng. Đây là sản phẩm đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương.