4 sản phẩm Việt "vang bóng 1 thời", bạn biết được bao nhiêu loại?
Nhà bạn có còn đang sử dụng sản phẩm nào trong danh sách này không?
Diêm Thống Nhất, cao Sao Vàng, mì giấy Miliket, xà bông Cô Ba... là những thương hiệu từng “vang bóng một thời” ở Việt Nam.
Diêm Thống Nhất là thương hiệu hơn 60 năm được nhiều người tiêu dùng Việt ưa chuộng.
Nhà máy Diêm Thống nhất được thành lập năm 1956, là công xưởng sản xuất đầu tiên được xây dựng tại Miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Cùng với các sản phẩm giày của Thượng Đình, cao su Sao Vàng, bóng đèn phích nước của Rạng Đông, quạt điện Thống Nhất… diêm Thống Nhất là sản phẩm đặt nền móng cho nền sản xuất miền Bắc.
Trong thập niên 70-80 của thế kỷ trước, Diêm Thống Nhất từng được coi là niềm tự hào của ngành công nghiệp nhẹ, sản phẩm diêm Thống Nhất chiếm lĩnh gần như 100% thị phần tại Việt Nam.
Khi nền kinh tế mở cửa, hãng bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm tạo lửa từ nước ngoài. Hơn 10 năm qua, doanh thu công ty đều đạt trên 100 tỉ nhưng dây chuyền sản xuất cũ, giá nguyên liệu tăng khiến giá vốn công ty luôn chiếm tỉ lệ cao.
Kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp Diêm Thống Nhất dao động trong khoảng 2-3 tỉ đồng/năm.
Bước sang năm 2020, hộp diêm mang tính biểu tượng của hãng đã chính thức bị "khai tử", kết thúc vòng đời 63 năm của sản phẩm "quốc dân", vang bóng 1 thời tại Việt Nam. Trước đó, sản phẩm này được bán với giá chỉ từ 500 - 1.000 đồng/hộp.
Vào những năm 60-70 của thế kỉ trước, trên đầu giường hay tủ thuốc mỗi nhà không thể thiếu hộp cao Sao Vàng.
Thời kì đó, Cao Sao Vàng thực sự đã trở thành một thương hiệu quốc dân.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam đạt thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu sản phẩm Cao Sao Vàng sang Liên Xô. Giai đoạn này trở thành đỉnh cao của Cao Sao Vàng với sản lượng trung bình 10 - 15 triệu hộp, có khi lên tới 20 triệu hộp.
Tuy nhiên, sau khi hợp đồng với Liên Xô kết thúc, sản lượng Cao Sao Vàng lại sụt giảm đáng kể. Đồng thời, xu hướng dầu mới xuất hiện, Cao Sao Vàng mất dần thị phần.
Hiện nay, sản phẩm này lại được đánh giá cao trên chợ mạng quốc tế. Trên trang TMĐT Ebay, một hộp Cao Sao Vàng được bán với giá 50.000-70.000 đồng, đắt gấp 30 lần so với giá gốc bán ở Việt Nam.
Thương hiệu Miliket với biểu tượng hai con tôm chụm đầu trên bìa giấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong kí ức của nhiều người những năm 80 - 90.
Miliket là thương hiệu mì ăn liền của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket có trụ sở tại quận Thủ Đức, TP HCM. Sản phẩm tiền thân gọi là mì tôm Colusa, xuất hiện trên thị trường từ trước năm 1975.
Theo Khảo sát của Brands Việt Nam, Miliket từng chiếm 90% thị phần nhưng nay chỉ còn 3%, thua xa với các thương hiệu mì ăn liền đình đám khác ở hiện tại.
Hết năm 2019, tổng tài sản của Miliket là 224 tỉ đồng, trong đó có tới 51 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền cùng 124 tỉ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Nhưng xét riêng khía cạnh người tiêu dùng, mì giấy 2 con tôm - sản phẩm làm nên thương hiệu của hãng đã không còn được ưu chuộng nhiều như trước. Mì Miliket chủ yếu chỉ xuất hiện ở… các quán lẩu mà thôi.
Xà bông Cô Ba cũng là 1 thương hiệu đình đám ở Việt Nam trong thế kỷ 20. Cha đẻ của thương hiệu này là ông Trương Văn Bền.
Năm 1932, nhà máy sản xuất xà bông được phát triển trên nền tảng các xưởng dầu của ông Bền. Sau đó, thương hiệu xà bông Cô Ba đã có gần 50 năm phát triển rực rỡ.
Nhờ việc kinh doanh ăn nên làm ra, xưởng dầu của công ty Trương Văn Bền ở Chợ Lớn mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa, 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine trong giai đoạn 1940-1950.
Sau năm 1975, doanh nghiệp này trở thành Nhà máy hợp doanh Xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1995, nhà máy đổi tên thành Công ty CP Sản xuất thương mại Phương Đông.
Đây cũng là khoảng thời gian các tập đoàn đa quốc gia thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Bị cạnh tranh khốc liệt bởi các nhãn hàng khác, xà bông cô Ba gần như bị lãng quên.
Sản phẩm không bị “khai tử” nhưng “sống lay lắt”. Hiện nay, sản phẩm này chỉ còn được bán ở 1 vài siêu thị.
Đến năm 2017, hi vọng được nhen nhóm khi Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) đã chi gần 214 tỉ đồng để nắm giữ 30,88% vốn của xà bông Cô Ba.
Tuy nhiên, sau một năm về với HAR, thương hiệu này vẫn "giậm chân tại chỗ" vì không có nhiều vốn cho thị trường tiêu dùng nhanh, đồng thời rất khó để cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiệp cùng ngành.