Chia sẻ

Chiêu lừa "tặng Pi" để lấy mã khóa ví rộ trở lại

Sự kiện: Tiền điện tử
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Một số người chơi Pi phản ánh bị đánh cắp khóa ví sau khi tham gia "chương trình tặng Pi" hay "mua bán Pi giá cao" trên mạng xã hội.

"Sau khi nhập khóa ví 24 ký tự, gần 2.000 Pi khai thác trong ví của tôi đã mất sạch", ông Hoàng Hải, 60 tuổi, tham gia Pi Network từ năm 2020, nói.

Ông Hải cho biết mình chưa biết cách giao dịch Pi, nhưng lưu cụm mã khóa ví để "kiểm tra Pi mỗi khi cần" sau khi được con trai hướng dẫn. Tuần trước, ông thấy trên mạng xã hội có quảng cáo tặng Pi. Khi nhấn vào liên kết, ông làm theo hướng dẫn nhập mã khóa ví, khiến toàn bộ số Pi biến mất sau đó.

Bà Trương Hoa, 56 tuổi, lại suýt mắc bẫy mua bán Pi giá cao. Thấy trên mạng xã hội có người muốn mua Pi với giá 100 USD thay vì 2 USD mỗi đồng trên một số sàn giao dịch, bà liên hệ để bán một nửa số Pi đang có.

"Qua tin nhắn, họ gửi tôi một liên kết và hướng dẫn các bước để chuyển Pi, thậm chí đề nghị gọi video trực tiếp. Nghi ngờ lừa đảo, tôi không làm theo", bà Hoa kể.

Một quảng cáo tặng Pi trên mạng xã hội. Ảnh: Duy Phong

Một quảng cáo tặng Pi trên mạng xã hội. Ảnh: Duy Phong

Theo Duy Anh, quản trị viên nhóm Facebook về Pi Network với 160.000 thành viên, tình trạng lừa đảo để đánh cắp ví tiền Pi đã xuất hiện từ khi dự án còn trong quá trình "mainnet kín", tức người chơi chỉ có thể giao dịch nội bộ với nhau.

"Nhưng khi Pi mở mạng ngày 20/2 và có thể giao dịch ra bên ngoài, tần suất lừa đảo đang tăng mạnh. Mỗi ngày, hàng chục nội dung liên quan được chia sẻ lên nhóm, tôi chỉ duyệt các trường hợp điển hình", người này cho biết.

Theo quản trị viên này, trước đây, cách thức chung là kẻ lừa đảo đăng bài nói cần mua Pi với giá rất cao, sau đó đặt cọc số tiền nhỏ làm tin, dụ người bán chuyển hết Pi cho chúng. "Nhưng gần đây, chúng "đầu tư" hơn, chạy cả quảng cáo tặng Pi trên mạng xã hội như X, Facebook hay Google Ads nhằm tăng khả năng tiếp cận con mồi", Duy Anh nhận xét. "Để tạo cảm giác thuyết phục, chúng chạy tương tác ảo, như thể đã có nhiều người được tặng Pi".

Theo anh, kẻ lừa đảo thường nhắm đến người lớn tuổi, ít am hiểu về công nghệ và tiền số, cũng như đánh vào lòng tham của những ai muốn được tặng tiền số miễn phí.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, hình thức phổ biến để đánh cắp tài khoản online nói chung và ví tiền số nói riêng là gửi file hoặc đường link chứa phần mềm độc hại, hoặc tạo website với giao diện giống hệt trang chính thức, từ đó dụ nạn nhân nhập thông tin quan trọng. Nếu làm theo hướng dẫn, họ có thể "tự tay" cài mã độc, "dâng" tài khoản cho hacker.

"Khi xâm nhập thiết bị, mã độc sẽ tiến hành các bước để chiếm tài khoản và rút sạch tiền mà người dùng không thể làm gì", ông Thắng cho hay. "Cách tốt nhất để bảo vệ là không nghe theo chỉ dẫn từ người lạ, nghi ngờ tất cả liên kết lạ, hạn chế bấm vào link không rõ nguồn gốc".

Pi Network ra đời từ năm 2019, được quảng cáo giúp người tham gia sở hữu tiền ảo Pi miễn phí bằng cách vào ứng dụng trên điện thoại "bấm tia sét" để điểm danh mỗi ngày. Việt Nam là một trong những thị trường có nhiều người tham gia "đào Pi". Dự án gây tranh cãi khi gần sáu năm mới "mở mạng", tức cho phép người dùng di chuyển Pi sang các nền tảng các để trao đổi, giao dịch từ 20/2.

Bên cạnh những lời hứa hẹn về cơ hội làm giàu và sự đơn giản trong việc “đào” Pi, dự án này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ...

Theo Duy Phong ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Tiền điện tử

Xem Thêm