Vợ chồng cựu chủ tịch đậu phộng Tân Tân bị bắt giam
Bình Dương - Ông Trần Quốc Tân, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Tân, cùng vợ bị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tại ngoại sang tạm giam, trước khi đưa ra xét xử.
Ngày 25/2, hành vi Không chấp hành bản án của ông Tân cùng vợ Châu Ngọc Phụng (54 tuổi, nguyên thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tân Tân - chuyên chế biến đậu phộng) được VKSND TP Dĩ AN nêu trong cáo trạng, chuyển sang tòa cùng cấp để đưa ra xét xử. Riêng ông Tân còn bị cáo buộc thêm hành vi Trốn Thuế.
Trước đó, cơ quan điều tra đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, ra lệnh bắt tạm giam vợ chồng ông Tân để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án.
Liên quan vụ án, ông Trần Quốc Tuấn (57 tuổi, em ruột ông Tân) bị truy tố với vai trò đồng phạm tội Không chấp hành bản án, hiện vẫn được tại ngoại.
Công ty Tân Tân tại phường Bình An, TP Dĩ An, gồm 3 cổ đông góp vốn. Ông Tân sở hữu 6.400.000 cổ phần, nắm 80%; bà Phụng và ông Tuấn mỗi người 10%. Thời hoàng kim, doanh nghiệp này có hơn 140 nhà phân phối, hơn 40.000 điểm bán lẻ ở hầu hết các siêu thị và trung tâm thương mại, chiếm 80% thị phần trong cả nước. Sản phẩm của Tân Tân cũng được xuất khẩu thành công đến Mỹ, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Đài Loan, Hong Kong.
Trụ sở Công ty CP Tân Tân - nơi khởi nguồn nhiều tranh chấp. Ảnh: Xuân Hoa
Theo cáo trạng, ngày 5/7/2011, ông Tân làm hợp đồng chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi, ngụ TP HCM) 3.666.666 cổ phần của cá nhân với giá 36,6 tỷ đồng (10.000 đồng/cổ phần). Công ty cũng cấp giấy chứng nhận sở hữu 45,83% cổ phần cho bà Thanh.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài sau đó bà Thanh nhiều lần yêu cầu HĐQT triệu tập Đại hội cổ đông bất thường bầu lại HĐQT, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, các báo cáo tài chính, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhưng ông Tân không thực hiện. Đến tháng 11/2015, bà Thanh gửi đơn kiện đến TAND tỉnh Bình Dương.
Gần 3 năm sau, ngày 27/9/2018, tòa ban hành bản án, buộc các thành viên HĐQT Công ty Tân Tân (vợ chồng ông Tân, ông Tuấn) phải "triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu lại HĐQT của công ty theo đúng quy định pháp luật". Ngoài ra, tòa cũng yêu cầu công ty (do ông Tân đại diện theo pháp luật) phải cho bà Thanh được xem xét, trích lục sổ, biên bản, Nghị quyết của HĐQT, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm.
Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 14/6/2019, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định thi hành án. Tuy nhiên, ông Tân và 2 thành viên còn lại (bà Phụng và ông Tuấn) "không thi hành bản án mặc dù có điều kiện để thi hành án". Đến tháng 9/2020, cơ quan này tiếp tục ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành án đối với ông Tân, Tuấn và bà Phụng nhưng họ vẫn không thi hành. Bảy tháng sau, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố ông Tân, Tuấn và bà Phụng về hành vi Không chấp hành án.
Ngày 28/5/2022, đại diện theo ủy quyền của bà Thanh tiến hành triệu tập Đại hội đồng cổ đông để bầu thành viên HĐQT mới, thì vợ chồng ông Tân và Tuấn đều không đến; đồng thời có văn bản gửi tòa án yêu cầu hủy bỏ nghị quyết đại hội. "Việc này thể hiện việc cố ý không thực hiện bản án của tòa án đã có hiệu lực luật pháp luật", cáo trạng nêu.
Cơ quan điều tra xác định, vợ chồng ông Tân và em trai có đủ điều kiện để thực hiện bản án, nhưng nếu thực hiện sẽ phải bầu lại thành viên HĐQT. Khi đó, bà Thanh chiếm giữ 45,83% cổ phần sẽ là người lãnh đạo doanh nghiệp chứ không phải ông Tân.
Cáo trạng xác định, bà Phụng được chồng cho 10% cổ phần của Công ty, trở thành thành viên Hội đồng quản trị từ năm 2007. Mặc dù bà không tham gia điều hành hoạt động của Tân Tân, nhưng với vai trò là Thành viên Hội đồng quản trị (0,23% cổ phần), bà Phụng phải có trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Bản án của TAND tỉnh Bình Dương đã có hiệu lực thi hành.
Còn ông Tuấn là em ruột của ông Tân, làm việc tại Công ty Tân Tân từ những ngày đầu mới thành lập với vai trò là quản lý sản xuất. Đến năm 2007, khi công ty này chuyển sang cổ phần, ông Tuấn được anh trai cho 10% (quy định Công ty Cổ phần phải có ít nhất từ 3 cổ đông trở lên) trở thành thành viên HĐQT của Công ty Tân Tân. Năm 2013, do kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp này ngừng hoạt động. Ông Tuấn cũng nghỉ việc, mọi điều hành đều do ông Tân thực hiện.
Cơ quan điều tra nhận định, mặc dù ông Tuấn không tham gia điều hành công ty từ năm 2013, nhưng với vai trò là thành viên HĐQT phải có trách nhiệm trong việc thực hiện bản án của TAND tỉnh Bình Dương đã có hiệu lực thi hành.
Ông Trần Quốc Tân (áo hồng) và Trần Quốc Tuấn (phải) tại tòa hồi tháng 9/2024. Ảnh: Quốc Thắng
Chủ tịch HĐQT Tân Tân trốn thuế như thế nào
Công ty Cổ phần Tân Tân hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ nên ngưng hoạt động từ năm 2013, đến năm 2015 ông Trần Quốc Tân đứng ra cho Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất - Trồng trọt Tân Tân (công ty con) thuê lại nhà xưởng và kho hiện có. Thời gian thuê từ tháng 7/2015 đến năm 2030, giá thuê là 100 triệu đồng mỗi tháng, thông qua nhiều hợp đồng.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 7/2015 đến 11/2022, Công ty Tân Tân đã thu tiền cho thuê nhà, xưởng và kho được 8,6 tỷ đồng nhưng không thực hiện việc xuất hóa đơn, kê khai, báo cáo thuế đối với doanh thu của doanh nghiệp.
Năm 2015, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, dẫn đến nợ đọng thuế, Công ty Cổ phần Tân Tân đã bị Cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (từ ngày 30/1/2015) của Chi cục Thuế thị xã Dĩ An (nay là thành phố Dĩ An). Sau đó, công ty này có văn bản đề nghị tháo gỡ Quyết định Cưỡng chế nêu trên, gửi Cục Thuế tỉnh Bình Dương và Tổng Cục Thuế - Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.
Chi Cục thuế thị xã Dĩ An (nay là thành phố Dĩ An) có văn bản về việc tháo gỡ Quyết định Cưỡng chế bằng cách cho Công ty Tân Tân sử dụng hóa đơn bán lẻ, nộp 30% thuế trên doanh thu bán hàng theo danh sách đề nghị của mình. Nhưng công ty này không thực hiện việc mua bán hóa đơn lẻ.
Năm 2017, Công ty Tân Tân tiếp tục có đơn xin cứu xét mua hóa đơn lẻ, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đề nghị nơi đây cung cấp danh sách khách hàng đề nghị xuất hóa đơn và nộp thông tin khách hàng, số lượng, giá trị hàng hóa sẽ bán; đồng thời, yêu cầu công ty này phải nộp 18% trên doanh thu theo quy định của Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Công ty Tân Tân vẫn không thực hiện.
Cáo trạng xác định, hành vi cho thuê nhà, xưởng và kho của Công ty Tân Tân từ tháng 7/2015 đến tháng 11/2022, chỉ thiết lập phiếu thu mà không xuất hóa đơn là hành vi bán hàng không xuất hóa đơn. Cục thuế tỉnh Bình Dương kết luận số thuế phải nộp là gần 1,5 tỷ đồng. Hành vi cho thuê nhà xưởng không xuất hóa đơn của Công ty Tân Tân là hành vi Trốn thuế. "Tuy nhiên, đến ngày 22/12/2022, công ty đã nộp đủ số thuế đến tháng 12/2022, nên cơ quan điều tra có thể xem xét là hành vi khai sai", cáo trạng nêu.
Ông Lê Hồng Phương (phải) không thể vào khuôn viên Công ty CP Tân Tân - nơi ông làm Chủ tịch kiêm Giám đốc, tháng 8/2024. Ảnh: Thừa phát lại
Riêng việc ông Lê Hồng Phương (chồng bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc mới của Công ty CP Tân Tân) tố giác vợ chồng ông Tân và Tuấn về hành vi Tham ô tài sản; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức... cơ quan điều tra đã tách khỏi vụ án này, tiếp tục làm rõ.
Hiện, sau 10 năm sở hữu 45,83% cổ phần của Tân Tân, vợ chồng ông Phương vẫn không thể tiếp quản trụ sở Công ty CP Tân Tân ở phường Bình An và tài sản của doanh nghiệp, do bị Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất - Trồng trọt Tân Tân (thuê nhà xưởng và kho) ngăn cản.
Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Tân Tân (đậu phộng Tân Tân) cùng em ruột bị truy tố về các tội không chấp hành án và Trốn...