Chia sẻ

Vì sao không thể ‘bỏ’ hội đồng nhân dân cấp xã lúc này?

Sự kiện: Thời sự
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Về tổ chức mô hình chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định vẫn tạm thời giữ nguyên như hiện tại (bao gồm HĐND và UBND). Tới đây sẽ tiếp tục đánh giá tổng thể mô hình tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; xem xét điều chỉnh, sắp xếp. 

Chủ tịch HĐND bị miễn nhiệm, ai điều hành?

Sáng nay (15/2), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đề cập đến nhiệm vụ quyền hạn của các thành viên thường trực hội đồng nhân dân (HĐND), đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, dự thảo quy định rất rõ một số trường hợp khuyết chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, theo ông Mạnh, còn một số trường hợp chưa được quy định, cần bổ sung.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh. Ảnh: Như Ý.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh. Ảnh: Như Ý.

Cụ thể, dự thảo mới chỉ quy định trường hợp chủ tịch HĐND cấp xã bị kỷ luật, thuộc trường hợp phải miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện bị xử lý kỷ luật cũng thuộc trường hợp phải đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm. Thế nhưng, dự thảo chưa quy định việc giao cho ai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn để điều hành miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Từ phân tích trên, ông Mạnh đề nghị bổ sung trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bị xử lý kỷ luật và thuộc trường hợp phải đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm thì thường trực HĐND cùng cấp giao cho phó chủ tịch HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch HĐND cho đến khi bầu được chủ tịch HĐND mới. Trong trường hợp khuyết phó chủ tịch HĐND thì Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định người điều hành.

“Trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện, xã chuyển công tác và phải thực hiện quy trình miễn nhiệm, đồng thời bầu người mới thì thực hiện quy trình như việc miễn nhiệm, bãi nhiệm khi chủ tịch HĐND bị xử lý kỷ luật”, ông Mạnh nói.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, khi đại biểu chuyển công tác, mặc dù còn cư trú ở địa phương, cũng phải cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND.

“Bí thư, chủ tịch huyện, khi chuyển công tác lên tỉnh, nếu vẫn là đại biểu của huyện đó thì không hợp lý. Nhà ông ở đó thôi nhưng không còn công tác ở đó nữa. Mỗi lần đi họp, mời tiếp xúc cử tri không biết nói cái gì, họp HĐND có khi cũng không về. Cần phải chuyển hoặc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu với những trường hợp này”, ông Hòa đề nghị.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp sáng 15/2. Ảnh: Như Ý.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp sáng 15/2. Ảnh: Như Ý.

Để hoàn thiện nội dung này, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) đề nghị bổ sung quy định: "Đại biểu HĐND phải là người công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở đơn vị hành chính mà mình là đại biểu và cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu”.

Hiện nay không thể "bỏ" HĐND cấp xã

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với việc tiếp tục áp dụng mô hình tổ chức chính quyền địa phương như luật hiện hành, bao gồm cả HĐND và UBND. Ông Hòa khẳng định, hiện nay không thể bỏ HĐND cấp xã. Tuy nhiên, ông đề nghị, sau thời gian thực hiện mô hình chính quyền đô thị, cần nghiên cứu, đánh giá, để thực hiện chung trên toàn quốc, chứ không phải chỉ thực hiện đối với các thành phố trực thuộc trung ương.

Bên cạnh đó, đại biểu đang là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng quan tâm đến cơ cấu tổ chức của UBND, khi dự thảo quy định cấp huyện không có thành viên UBND là công an, ban chỉ huy quân sự huyện.

“Chúng ta đang thí điểm bỏ công an cấp huyện, nhưng ban chỉ huy quân sự huyện thì vẫn còn, họ làm nhiệm vụ ở địa phương rất nhiều. Vì vậy, không cơ cấu thành viên UBND cấp huyện đối với ban chỉ huy quân sự cấp huyện thì không hợp lý”, ông Hòa đề nghị bổ sung người đứng đầu ban chỉ huy quân sự cấp huyện là thành viên UBND cấp huyện.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Như Ý.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Như Ý.

Tiếp thu, giải trình sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vấn đề cốt lõi, trọng tâm của dự thảo luật là phân định, làm rõ, hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho địa phương, thực hiện tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đồng thời, xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ để tháo gỡ vướng mắc đang tồn tại trong các luật chuyên ngành. Theo bà, qua rà soát, có tới 141 luật quy định rất cụ thể thẩm quyền của HĐND và UBND. Do vậy, nếu không đưa ra cơ chế pháp lý để tháo gỡ thì rất khó khăn.

Về tổ chức mô hình chính quyền địa phương, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, vẫn tạm thời giữ nguyên như hiện tại (bao gồm HĐND và UBND). Tới đây sẽ tiếp tục đánh giá tổng thể mô hình tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Theo đó sẽ xem xét điều chỉnh, sắp xếp, nhưng tạm thời giữ nguyên mô hình hiện tại.

Với chính quyền đô thị, theo bộ trưởng, vẫn thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, các thành phố trực thuộc trung ương vẫn có thể đề xuất áp dụng theo mô hình này.

“Trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương đánh giá, nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương”, bà Trà cho hay.

Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tích cực tự phê bình và phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh chống...

Theo Luân Dũng ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thời sự

Xem Thêm