TP HCM khánh thành, khởi công loạt công trình dịp 30/4
Hai dự án lớn khu vực Tân Sơn Nhất, nhiều hạng mục quan trọng ở các công trình trọng điểm khác sẽ hoàn thành, cùng 3 dự án lớn được khởi công dịp 30/4 tới.
Với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất là dự án lớn nhất chuẩn bị vận hành sau hơn hai năm thi công. Công trình gồm ba hạng mục chính: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không cùng hệ thống cầu cạn. Trong đó, nhà ga quy mô một tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên diện tích 112.500 m2.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư), cho biết dự án đang hoàn thiện các hạng mục cuối, chuẩn bị thử nghiệm quy trình vận hành, ổn định hệ thống cùng công tác phục vụ hành khách... Theo kế hoạch, ga T3 khai trương ngày 30/4 và bắt đầu khai thác các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines cùng Vietjet Air sau cao điểm đi lại dịp lễ. Những hãng còn lại như Vasco, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Pacific Airlines, vẫn hoạt động tại nhà ga T1 hiện hữu.
Công trường xây dựng ga T3, tháng 3/2025. Ảnh: Quỳnh Trần
Với công suất phục vụ 20 triệu khách mỗi năm, T3 là nhà ga nội địa lớn nhất nước. Khi đưa vào hoạt động, công trình nâng tổng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm. Dự án được khởi công cuối năm 2022, riêng gói thầu chính xây dựng ga hành khách bắt đầu từ tháng 8/2023. Công trình hoàn thành sớm hơn hai tháng so với kế hoạch ban đầu.
Kết nối với ga T3, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, do TP HCM triển khai với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng, cũng hoàn thành vào dịp 30/4 tới. Đây là tuyến đường mới, dài hơn 4 km, điểm đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại đoạn giao giữa các đường C12 - Cộng Hòa - Trường Chinh.
Công trình có tuyến chính rộng 25-48 m cho 6 làn xe, cùng hai đường nhánh kết nối, quy mô 3-4 làn. Trên tuyến có một cầu cạn xây trước ga T3 Tân Sơn Nhất và hai hầm chui ở các nút giao hai đầu. Dự án đưa vào khai thác ngoài kết nối ga T3 sẽ phá thế độc đạo lối ra vào sân bay duy nhất là đường Trường Sơn, kỳ vọng giảm ùn tắc cho khu vực.
Tại cửa ngõ phía đông, dịp 30/4 thành phố cũng dự kiến thông xe một hầm chui nối từ đường dẫn cao tốc Long Thành - Dầu Giây qua đại lộ Mai Chí Thọ. Đây là một trong những hạng mục chính thuộc dự án nút giao An Phú - nút giao lớn nhất TP HCM.
Hầm chui qua nút giao An Phú trước thời điểm đưa vào khai thác. Ảnh: Gia Minh
Hầm chui sắp thông xe dài khoảng 760 m, cho xe chạy hai chiều, giúp ôtô từ cao tốc rẽ trái vào đường Mai Chí Thọ về hầm Thủ Thiêm và ngược lại. Khi đưa vào khai thác, đường hầm sẽ góp phần giảm xung đột các hướng đi, hạn chế ùn tắc qua nút giao.
An Phú là nút giao kết nối các trục đường lớn gồm cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Những năm qua, nơi này thường xuyên ùn tắc do mật độ xe rất lớn, nhất container với 20.000 lượt mỗi ngày.
Dự án nút giao được TP HCM khởi công cuối năm 2022, tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Công trình có quy mô ba tầng, gồm hầm chui, cầu vượt, mặt đất xây đảo tròn trung tâm cùng tháp biểu tượng. Tại giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống, ngoài hầm chui kéo dài qua đây, hai cầu vượt cũng được xây dựng nhằm kết nối các tuyến này với nhau.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết dịp lễ 30/4 tới nhiều hạng mục thuộc Vành đai 3, đoạn qua nút giao cao tốc Long Thành - Dầu Giây cũng sẽ thông xe kỹ thuật. Đến tháng 6, xe có thể chạy qua đoạn này, thuận lợi kết nối tuyến cao tốc cùng cầu Nhơn Trạch vượt sông sang Đồng Nai.
Công nhân triển khai cắm cọc xác định ranh giải phóng mặt bằng làm cao tốc TP HCM - Mộc Bài, tháng 3/2025. Ảnh: Quỳnh Trần
Cùng với kế hoạch đưa vào khai thác những công trình trên, trong tháng 4 TP HCM sẽ đồng loạt khởi công nhiều gói thầu quan trọng của các công trình lớn khác trên địa bàn, như: rà phá bom mìn dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài (dài 51 km, tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng) cùng hai đoạn 1 và 2 thuộc Vành đai 2 (tổng chiều dài 6 km, tổng mức đầu tư hơn 13.800 tỷ đồng).
Đồng thời, thành phố cũng khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên của dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm ở phía Gò Vấp khi được quận giao mặt bằng. Đây là dự án cải tạo rạch, chỉnh trang đô thị có tổng vốn lớn nhất TP HCM tính đến nay, với hơn 17.200 tỷ đồng.
TP HCM - Hơn một tháng trước vận hành, ga T3 tổng đầu tư 11.000 tỷ đồng dần hoàn thiện những hạng mục cuối sau gần hai...