Sáp nhập tỉnh thành: Chọn thủ phủ đầu tàu hay phát triển nhiều đô thị vệ tinh?
Chuyên gia cho rằng thủ phủ tỉnh thành hậu sáp nhập, ngoài phát triển nhất, còn phải là hạt nhân dẫn dắt mạng lưới đô thị đa trung tâm để thúc đẩy phát triển cân bằng.
Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị các bước để thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh thành, hướng tới giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34. Đây không chỉ là cuộc cải cách hành chính thông thường mà là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy quản lý, tối ưu hóa nguồn lực và tạo đà cho phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước sẽ có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh được giữ nguyên trạng là Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại, bao gồm 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ phải sắp xếp. Bài toán đặt ra là "thủ phủ" của tỉnh thành mới sẽ được chọn dựa trên những nguyên tắc nào và lựa chọn đó sẽ định hình tương lai của các địa phương ra sao?
Thành phố năng động, dẫn đầu về kinh tế sẽ được ưu tiên, hay địa phương giàu truyền thống, mang dấu ấn lịch sử lâu đời sẽ chiếm lợi thế? Nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng theo một số chuyên gia, việc xác định trung tâm hành chính mới không thể đơn thuần dựa vào các chỉ số cơ bản mà cần tiếp cận toàn diện, cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố then chốt như vị trí địa lý chiến lược, tiềm năng kinh tế, mức độ kết nối hạ tầng và giá trị lịch sử, văn hóa đặc thù.
Một thủ phủ cần đủ sức trở thành "trái tim" hành chính, đóng vai trò động lực kết nối vùng, khơi dậy tiềm năng phát triển và tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Chọn thủ phủ đúng sẽ là chìa khóa để tái cấu trúc hành chính, mở ra cơ hội bứt phá cho các địa phương trên hành trình phát triển bền vững.
Ông Trần Ngọc Chính. Ảnh: Võ Thạnh
Thủ phủ nên đặt ở đô thị phát triển nhất
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh thủ phủ nên đặt tại đô thị phát triển nhất trong số tỉnh sáp nhập vì đây là nơi tập trung hạ tầng hiện đại, kinh tế mạnh và dân cư đông, đảm bảo hiệu quả quản lý và kết nối vượt trội. Điều này giúp tiết kiệm chi phí xây dựng, tận dụng sẵn có nguồn lực và nhanh chóng thúc đẩy phát triển toàn khu vực, tránh lãng phí thời gian, ngân sách cho việc nâng cấp một địa phương kém phát triển hơn.
Ông lấy ví dụ tỉnh Hà Bắc trước đây (gồm Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay) có thủ phủ đặt tại Bắc Giang - nơi nền kinh tế và hạ tầng vượt trội. Nếu trong tương lai Bắc Ninh và Bắc Giang sáp nhập "thì Bắc Giang vẫn là lựa chọn hợp lý". Nguyên tắc lựa chọn trung tâm hành chính thực hiện tương tự với các thành phố lớn. Trường hợp Hải Phòng mà sáp nhập với Hải Dương, thì Hải Phòng với cảng biển lớn nhất miền Bắc và tầm nhìn hướng biển, nên là thủ phủ. Nếu TP HCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, thì TP HCM - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn nhất nước - là lựa chọn không thể thay thế.
Tuy nhiên, ông Chính cũng lưu ý phải tính toán kỹ vị trí địa lý, đặt thủ phủ ở nơi trung tâm hoặc thuận lợi nhất trong khu vực sáp nhập, đảm bảo giao thông đa dạng như đường bộ, đường sắt, hàng không. Thủ phủ phải thuận tiện cho cán bộ công chức đi lại, kết hợp giá trị lịch sử - văn hóa để vừa phát triển vừa giữ được sự kế thừa.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng đồng tình với hướng chọn đô thị phát triển nhưng bổ sung yếu tố lịch sử và kết nối. Một thủ phủ lý tưởng cần vừa là động lực tăng trưởng, vừa là nơi hội tụ bản sắc văn hóa và đảm bảo khả năng tiếp cận đồng đều cho mọi người dân. Sự kết hợp chiến lược này mới kiến tạo nên một trung tâm hành chính vừa hiện đại, vừa bền vững.
Ông cho rằng nếu Hưng Yên sáp nhập với Thái Bình, Hưng Yên là ứng viên lý tưởng đặt thủ phủ nhờ hệ thống giao thông thuận tiện kết nối các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và giá trị lịch sử lâu đời đã được ghi dấu qua câu "thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến". "Một thủ phủ không chỉ cần kinh tế mạnh mà còn phải có dư địa phát triển và tầm vóc văn hóa để dẫn dắt khu vực", ông Tùng nhấn mạnh.
TS Nguyễn Văn Đáng. Ảnh: Xuân Hoa
Định hướng tương lai phát triển bền vững
TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thì cho rằng việc chọn thủ phủ không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà phải gắn với tầm nhìn chiến lược, cân bằng giữa các tiêu chí "cứng" và "mềm" để định hình tương lai địa phương và vùng.
Ông khẳng định tinh thần chỉ đạo của đợt sáp nhập là tối ưu nguồn lực, hướng tới sự phát triển bền vững qua nhiều thế hệ. Cơ sở quan trọng nhất để chọn thủ phủ là tầm nhìn chiến lược phát triển của tỉnh mới, đặt trong mối quan hệ với vùng và quốc gia. "Chiến lược phát triển sẽ định hình các tiêu chí lựa chọn", ông lập luận.
Theo đó, các tiêu chí "cứng" như vị trí địa lý, diện tích, cơ sở hạ tầng hiện đại, không gian phát triển tương lai cần được ưu tiên để bố trí cơ quan công sở và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, các tiêu chí "mềm" cũng cần xem xét như văn hóa, dân cư, đặc điểm kinh tế xã hội để đảm bảo sự phù hợp.
"Nếu địa phương muốn tách trung tâm chính trị - hành chính khỏi trung tâm kinh tế - thương mại hay văn hóa thì có thể chọn địa điểm theo tiêu chí riêng, linh hoạt hơn", ông nói. Chẳng hạn, nơi có mật độ dân số cao và kinh tế phát triển nhất sẽ phù hợp nếu tỉnh muốn thủ phủ là trung tâm toàn diện, nhưng nếu ưu tiên phát triển cân bằng, các tiêu chí này không cần đặt nặng.
Thay vào đó, thủ phủ nên nằm tại giao điểm các tuyến giao thông chính, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp và khách quốc tế. Lý tưởng nhất là đặt thủ phủ tại trung tâm các tuyến giao thông trên địa bàn. "Thủ phủ không chỉ là quần thể cơ quan quản lý mà còn là tổ hợp thương mại, tài chính, ngân hàng, thậm chí là nơi tập trung các tập đoàn quốc tế và đô thị hiện đại", ông gợi ý.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, nhấn mạnh thủ phủ phải tiêu biểu cho lãnh thổ mới, đóng vai trò "đầu não" và có vị thế vượt trội, không nhất thiết nằm ở trung tâm địa lý. Nguyên nhân là trong thời đại số, hạ tầng giao thông, hạ tầng số và hạ tầng tự nhiên quan trọng hơn vị trí địa lý truyền thống.
"Trung tâm địa lý không phải tiêu chuẩn duy nhất, mà cần tính đến sự thuận lợi cho liên kết vùng, kết tinh giá trị văn hóa chung của các địa phương sáp nhập, trở thành biểu tượng của bản sắc khu vực", ông Hồi đề xuất.
Đại biểu Tạ Văn Hạ. Ảnh: Sơn Hà
Đánh thức tiềm năng vùng chưa phát triển
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội, lại đề xuất đặt thủ phủ tại các khu vực còn dư địa phát triển, vừa tạo động lực mới vừa giảm áp lực cho các đô thị lớn. Thủ phủ không chỉ là trụ sở mà là trung tâm đa chức năng, đan xen chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Đặt thủ phủ ở những nơi có dư địa phát triển về hạ tầng, đường sá, mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt và lâu dài cho người dân các tỉnh sáp nhập.
"Tìm vị trí thủ phủ nên nhìn vào tiềm năng, tiềm lực sau sáp nhập, biến khu vực mới thành trung tâm đô thị lớn, trọng điểm của địa phương", ông nhấn mạnh.
Những vùng đất giá trị chưa quá cao, phù hợp giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng, theo ông là lựa chọn lý tưởng để thu hút đầu tư, nâng cao giá trị địa tô và tăng nguồn thu. Đặt ở đâu "cũng khó làm hài lòng tất cả", nhưng điều quan trọng là thủ phủ phải đáp ứng chiến lược dài hạn của địa phương, vùng và liên vùng. Nơi đông dân cư "chưa chắc đã lý tưởng", vì những khu vực này thường đã cạn dư địa phát triển hạ tầng, đất đai.
Đại biểu Tạ Văn Hạ khẳng định việc tìm vị trí thủ phủ mới là cơ hội để giãn dân, đánh thức tiềm năng các vùng chậm phát triển và tạo sự cân bằng sau sáp nhập. Đây cũng là cách giảm quá tải cho các đô thị chật chội, giúp hạ tầng phát triển đồng bộ hơn. "Thủ phủ mới không chỉ là trung tâm hành chính mà còn là động lực để địa phương tạo đà phát triển từ nguồn lực nội sinh, dẫn dắt cả khu vực đi lên", ông kết luận.
Một tỉnh nhiều đô thị vệ tinh
TS Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh học hỏi từ thế giới, Việt Nam có thể tìm hướng đi phù hợp để chọn thủ phủ, vừa đáp ứng xu thế hiện đại vừa tận dụng cơ hội tái cấu trúc.
Ông phân tích rằng ở các quốc gia Á Đông lâu đời, thủ phủ thường là trung tâm mọi hoạt động, đạt trình độ phát triển cao nhất, tạo nên bản sắc, di sản và vị thế thiêng liêng. Tuy nhiên, mô hình tập trung này gây ra nhiều vấn đề trong xã hội hiện đại. Ngược lại, các nước như Mỹ hay Australia chọn xây dựng thủ đô tại vùng đất mới, tách biệt trung tâm hành chính khỏi trung tâm kinh tế - thương mại, tránh áp lực đô thị hóa.
Ở cấp địa phương, ông nhận thấy xu hướng hiện đại là hình thành nhiều trung tâm với chức năng riêng, như đặt cơ quan chính quyền cách xa các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ. "Sự phát triển nhiều trung tâm sẽ thúc đẩy sự cân bằng giữa các khu vực trong một địa phương và giữa các địa phương trong quốc gia", ông khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng mong muốn các địa phương nghiên cứu xu hướng phát triển đô thị vệ tinh như tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) với 4 thành phố lớn, trong đó Hạ Môn là trung tâm nổi bật. Các đô thị vệ tinh có thể được quy hoạch để phát huy những lợi thế riêng của từng vùng, ví dụ về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, hoặc các ngành kinh tế đặc thù, tạo nên sự đa dạng và sức cạnh tranh cho cả hệ thống đô thị.
“Chúng ta vẫn thường nói ở cấp nọ, cấp kia có tỷ lệ 30% công chức 'sáng cắp ô đi, tối cắp về'. Nhưng có lẽ, con số này...