Những phi vụ của Trưởng Công an TP Phú Quốc với 'em gái nuôi'
Kiên Giang - Ở năm cuối nhiệm kỳ làm Trưởng Công an TP Phú Quốc, ông Lê Văn Mót đã hợp tác với "em gái nuôi" bán đất rừng phòng hộ, lướt sóng đất công...
Hành vi của ông Mót, 59 tuổi, và "em gái" Nguyễn Thị Hằng, 46 tuổi, được nêu trong kết luận điều tra bổ sung mà Công an tỉnh Kiên Giang vừa hoàn tất, đề nghị VKS cùng cấp truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự. Hai bị can bị cáo buộc chiếm đoạt tổng cộng gần 100 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, năm 2021 - năm cuối nhiệm kỳ Trưởng Công an TP Phú Quốc, đại tá Mót quen Hằng, từ Nam Định vào làm ăn, rồi nhận là "em gái". Bà này từng có một tiền án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị TAND Cấp cao tại Hà Nội phạt 4 năm 6 tháng tù.
Trong các cuộc gặp gỡ bạn bè, đại tá Mót luôn giới thiệu Hằng là "em gái" nên bà này cũng được nhiều người kiêng nể.
Ông Mót và bà Hằng. Ảnh: Công an Kiên Giang
Bảo kê 'em gái' làm ăn
Tháng 11/2021, người quen của ông Mót là bà Trần (ngụ TP HCM) muốn làm giấy tờ cho thửa đất 40 ha mới mua, nhờ đại tá giúp đỡ. Dù biết đất này là đất rừng đặc dụng, đất công do nhà nước quản lý, không thể làm giấy tờ, ông Mót vẫn sắp xếp cho bà Trần gặp "em gái", tích cực giới thiệu: "Hằng có thể làm giấy trích đo địa chính có xác nhận của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và sẽ trực tiếp đứng ra làm giấy tờ".
Tin tưởng Trưởng Công an TP Phú Quốc, bà Trần đã ký hai hợp đồng trị giá 190 tỷ với Hằng, theo kết luận điều tra. Hằng sau đó liên tục thúc giục bà Trần chuyển tiền dù không tiến hành bất kỳ thủ tục cấp đất nào. Phần bà Trần, trước mỗi lần chuyển tiền đều hỏi ý ông Mót, được đại tá khích lệ "cứ chuyển đi".
Nhận 15 tỷ đồng, song Hằng muốn "vòi" thêm tiền nên đưa cho bà Trần bản vẽ sơ đồ đất (thực chất không có giá trị pháp lý). Bà Trần gửi bản vẽ này cho ông Mót xem thì được trả lời "được rồi đó em". Tin lời, bà chuyển thêm 6,5 tỷ đồng cho Hằng.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy một năm, Hằng nhận gần 22 tỷ đồng của bị hại.
Ngoài số tiền trên, bà Trần khai đã trực tiếp đưa cho ông Mót tại phòng làm việc 3,5 tỷ đồng, 10.000 USD và quà; thông qua Hằng cho Mót mượn 800 triệu đồng với giao kèo "trừ vào tiền làm giấy tờ". Tuy nhiên, quá trình điều tra, cựu trưởng Công an TP Phú Quốc bác bỏ việc nhận tiền, chỉ nhận quà.
Ở phi vụ đầu tiên này, cơ quan điều tra cáo buộc Hằng là chủ mưu; Mót giúp sức, tạo lòng tin cho bị hại để "em gái" chiếm đoạt tiền.
Dụ mua đất rừng đặc dụng bằng chiêu 'kèo thơm'
Phi vụ thứ hai của anh em đại tá liên quan đến mảnh đất bà Trần muốn làm giấy tờ, vốn là rừng đặc dụng.
Tháng 1/2022, quá trình thuê đo đạc khu đất của bà Trần, Hằng phát hiện diện tích thực tế lớn hơn kê khai đến 3 ha, nên bàn với Mót bán kiếm lời. Trưởng Công an Phú Quốc đồng ý, tích cực giới thiệu với hai người bạn là Lê và Hồ rằng: "Đất rẻ", "kèo thơm", "mua sẽ lời", "đất khi có giấy tờ bán giá 3-4 tỷ đồng 1.000m2". Tin tưởng ông Mót, hai người này đồng ý chuyển 6 tỷ đồng mà chưa coi đất.
Cơ quan điều tra cáo buộc ông Mót là chủ mưu phi vụ lừa đảo này vì thường xuyên thúc giục người mua chuyển tiền, như: "Sáng nay chuyển tiền được không em", "cố gắng trong ngày nay nha em"... Còn Hằng bị xác định là người giúp sức tích cực, đứng ra nhận tiền và dẫn đi xem đất.
Không chỉ bán khống đất rừng, ông Mót lừa thêm người mua chi phí làm giấy tờ với số tiền 5 tỷ đồng. Phần tiền này đại tá nhận trực tiếp, sau đó chuyển khoản sang tài khoản "em gái nuôi". Trong khi Hằng khai đã chuyển lại cho ông Mót 7 trong tổng số 11 tỷ đồng của phi vụ.
Đại tá Mót khi còn đương chức trưởng công an TP Phú Quốc. Ảnh: Công an Kiên Giang
Lãi đậm nhờ 'lướt sóng' đất rừng phòng hộ
Ở phi vụ thứ 3, Hằng nhận làm giấy tờ thửa đất rộng 4,5 ha cho ông Tiến với thù lao 50% diện tích đất. Phần diện tích này vốn là đất rừng phòng hộ thuộc quản lý của Vườn quốc gia Phú Quốc. Hằng và Mót biết việc đó nhưng vẫn nhận lời, theo cơ quan điều tra.
Sau một năm không thể làm giấy tờ trong khi đang mắc nợ nần, ông Tiến quyết định bán luôn cả thửa đất giá một tỷ đồng. Mót và Hằng mua để "lướt sóng".
Trưởng Công an TP Phú Quốc sau đó liên hệ ông Lê và bạn của ông này (bị hại vụ thứ 2) để gạ bán với giá gần 9 tỷ đồng cho 3,5 ha. Đại tá còn đòi thêm chi phí làm giấy tờ 11,5 tỷ đồng.
Sang tay trót lọt, ông Mót và "em gái" bỏ túi gần 20 tỷ đồng. Trong đó có 2,5 tỷ đồng nhóm ông Lê chuyển vào tài khoản của mình, ông Mót liền chuyển cho Hằng. Bà này khai đã dùng toàn bộ số tiền để chi xài cá nhân.
Đại tá cùng Hằng cũng nhận làm giấy tờ đất cho Lê và Thái (bạn của Lê) dù biết khu này là đất công, không thể làm giấy tờ. Sau khi nhận 13 tỷ đồng, cả hai không làm bất cứ thủ tục nào như đã hứa.
Cơ quan điều tra xác định, tổng cộng 4 bị hại đã chuyển cho Hằng gần 60 tỷ đồng, Mót nhận 8 tỷ đồng. Ngoài ra, Hằng còn gian dối, nhận làm giấy tờ đất và vay tiền của 6 bị hại khác, lừa tổng cộng 30 tỷ đồng.
Tiền đã đổ vào đâu?
Quá trình điều tra, bị can Hằng khai đã đưa gần 65 tỷ đồng tiền mặt và chuyển khoản cho ông Mót, song cựu đại tá không thừa nhận. Khi hai bên đối chất, ông Mót tiếp tục phủ nhận. Do vậy, cơ quan điều tra chỉ có cơ sở chứng minh Hằng chuyển cho Mót 350 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.
Số tiền lừa được, Hằng khai dùng 1,4 tỷ đồng mua đất ở Phú Quốc; 4,5 tỷ đồng mua nhà ở Hà Nội; chuyển cho con gái mua nhà ở Phú Quốc; trả cho một bị hại 1,3 tỷ đồng; nhờ người khác giữ hộ 25 tỷ (sau đó đã nhận lại và tiêu dùng cá nhân). Số tiền còn lại bà dùng mua trang sức, kinh doanh, trả nợ và trả tiền cầm đồ.
Khi bị khởi tố, Hằng chỉ còn 33 triệu đồng trong tài khoản. Cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên nhiều tài sản của Hằng và ông Mót.
* Tên các bị hại đã thay đổi
Kiên Giang - Ông Lê Văn Mót, 59 tuổi, cựu trưởng Công an TP Phú Quốc, bị cáo buộc cùng "em gái nuôi" lừa 4 người mua đất...