Mô hình chính quyền đô thị ở TP.HCM, Hà Nội hiện được tổ chức ra sao?
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị; sau đó lần lượt là TP Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới.
Cấp huyện dừng hoạt động từ 1-7
Cơ quan soạn thảo cho hay Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (hiệu lực từ ngày 1-3-2025) đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện nhằm phân định rõ thẩm quyền, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Tuy nhiên, quy định về đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành đang được thiết kế theo ba cấp (gồm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Vì vậy, Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc phải sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và những vấn đề phát sinh liên quan là cấp thiết.
Qua đó, nhằm tạo lập hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH
Tại dự thảo luật, Bộ Nội vụ đề xuất HĐND, các cơ quan thuộc HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc trung ương, thị xã chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động kể từ ngày 1-7-2025 (ngày luật sửa đổi có hiệu lực thi hành), trừ một số trường hợp chuyển tiếp.
Cũng theo dự thảo luật, việc tổ chức chính quyền địa phương ở phường thuộc TP.HCM và TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2026 - 2031 được bầu ra.
Việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận (trước khi giải thể) thuộc TP.HCM, TP Đà Nẵng cho UBND TP và UBND phường thuộc TP.HCM, TP Đà Nẵng do Quốc hội quy định tại Nghị quyết về sắp xếp TP.HCM với các đơn vị hành chính cấp tỉnh có liên quan; sắp xếp TP Đà Nẵng với đơn vị hành chính cấp tỉnh có liên quan và thực hiện cho đến khi UBND TP, UBND phường thuộc TP.HCM, TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2026 - 2031 được bầu ra.
TP Thủ Đức là mô hình TP thuộc TP trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bãi bỏ nhiều nghị quyết về chính quyền đô thị
Dự luật cũng đề xuất từ ngày 1-7-2025 bãi bỏ chương II của Luật Thủ đô 2024 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; một luật sửa 4 luật về đầu tư; Luật Đầu tư công…
Bãi bỏ khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 137/2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết 169/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Đồng thời đề xuất kể từ ngày 1-5-2026, Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM hết hiệu lực thi hành.
Cùng với đó, kể từ ngày 1-5-2026, bãi bỏ khoản 2, khoản 3 Điều 9 và Điều 10 của Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Bãi bỏ Điều 7, Điều 8 Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Hiện nay, cả nước có 4 TP đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị là TP.HCM, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng và TP Hà Nội.
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội, không tổ chức HĐND quận, phường. TP Thủ Đức cũng là mô hình TP thuộc TP trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước được thực hiện theo Nghị quyết 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Nghị quyết 131, chính quyền địa phương ở TP.HCM là cấp chính quyền địa phương có HĐND TP và UBND TP. Chính quyền địa phương ở quận tại TP là UBND quận và chính quyền địa phương ở phường tại TP là UBND phường.
Mô hình này ở Đà Nẵng thực hiện theo Nghị quyết 136/2024 và cũng được tổ chức tương tự.
TP Hải Phòng cũng thực hiện mô hình chính quyền đô thị như TP.HCM, Đà Nẵng theo Nghị quyết 169/2024 của Quốc hội, đồng thời thực hiện mô hình TP Thủy Nguyên là "TP trong TP" thứ hai sau TP Thủ Đức.
Còn theo Luật Thủ đô, chính quyền đô thị tại Hà Nội không tổ chức HĐND ở cấp phường. Theo đó, chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, TP thuộc TP, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.
Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND TP, huyện, quận, thị xã, TP thuộc TP, xã, thị trấn thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô, quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cũng theo Luật Thủ đô, chính quyền địa phương ở phường tại TP là UBND phường. Đây là cơ quan hành chính nhà nước, được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
Chuyên gia cho rằng thủ phủ tỉnh thành hậu sáp nhập, ngoài phát triển nhất, còn phải là hạt nhân dẫn dắt mạng lưới đô...