Không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 sẽ tạo nhiều tác động
Bà Bùi Thị Thanh - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho rằng, việc Bộ Chính trị có ý kiến “không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên” sẽ tạo ra nhiều tác động, góp phần giúp tăng tỷ lệ sinh, thúc đẩy việc cân bằng tỷ lệ giới tính và hướng tới bổ sung nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong tương lai.
Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương có văn bản gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Bộ Y tế thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc sơ kết thực hiện nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới và sửa đổi các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến chính sách dân số.
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, trước mắt, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có quy định về số con, hoàn thành trong quý I/2025; đồng ý chủ trương xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035; giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo xây dựng Chương trình này và trình Quốc hội trong quý III/2025.
Đáng chú ý, Bộ Chính trị cũng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi Quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số, chủ động sửa đổi Hướng dẫn số 05 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, đồng bộ với việc sửa đổi các quy định của pháp luật (không hồi tố những trường hợp đã bị xử lý kỷ luật).
Bà Bùi Thị Thanh - Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Bùi Thị Thanh - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam - cho biết, bà “rất đồng tình” với định hướng của Bộ Chính trị về việc “không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên”.
Theo bà Thanh, hiện nay, có nhiều cặp vợ chồng trẻ là cán bộ, đảng viên, họ vừa muốn phấn đấu trong công việc, vừa muốn có đông con cái. Việc Bộ Chính trị nêu định hướng như trên giúp họ có thể nghiên cứu việc sinh thêm con mà không e ngại việc bị kỷ luật, ảnh hưởng đến công việc.
Bà Thanh cũng cho biết, hiện nay có nhiều người có tâm lý không muốn sinh con, nên việc có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về các quy định liên quan đến “công tác dân số trong tình hình mới” sẽ góp phần thúc đẩy tỷ lệ sinh tăng lên, đặc biệt quan trọng là hướng tới sự cân bằng về giới tính khi sinh.
Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc tăng tỷ lệ sinh sẽ góp phần tăng nguồn lực lao động trong tương lai, bởi nếu tỷ lệ sinh giảm, trong tương lai sẽ đa phần người già, ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng, phát triển đất nước.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ năm 1999 đến 2022, mức sinh của Việt Nam duy trì ổn định quanh mức sinh thay thế (2,1 con). Tuy nhiên, 2 năm gần đây, mức sinh giảm nhanh, từ 1,96 con/phụ nữ năm 2023 xuống 1,91 con/phụ nữ năm 2024. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử, cũng là năm thứ ba liên tiếp mức sinh của Việt Nam giảm dưới mức sinh thay thế.
Số địa phương có mức sinh dưới mức sinh thay thế đang có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2019 có 22 tỉnh, năm 2023 có 27 tỉnh và năm 2024 là 32 tỉnh. TP HCM và đa số các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (từ 1,39-1,74 con/phụ nữ).
Hiện mức sinh của Việt Nam nằm trong 5 nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Bộ Y tế dự báo dân số Việt Nam thời kỳ 2019-2069, trong trường hợp mức sinh giảm mạnh, thì sau năm 2054, dân số bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm ngày càng lớn. Giai đoạn 2054-2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%, mức giảm ở cuối thời kỳ dự báo (2064-2069) là 0,18%/năm, tương đương Việt Nam giảm bình quân 200.000 người mỗi năm.
Vấn đề “tỷ lệ sinh thấp” cũng nhiều lần được đề cập tại diễn đàn Quốc hội. Mới đây, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TPHCM) cho rằng, song song với lộ trình đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ nay đến 2030-2045, một yêu cầu nữa cần đảm bảo là phát triển bền vững đất nước, trước hết là bền vững về con người.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: QH.
Ông Nhân nêu về bài học ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, đều tăng trưởng vài chục năm ở mức 2 con số, nhưng vài chục năm sau đó đều tăng trưởng đi ngang, trì trệ. Trong quá trình đó, có hiện tượng là không đảm bảo mức sinh thay thế.
Ông Nhân cho rằng, ở Việt Nam cần thực hiện 2 lộ trình, một là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hai là giữ vững tỷ suất sinh thay thế.
Theo đó, để duy trì được mức sinh thay thế, ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề về tiền lương, thu nhập phải đảm bảo đủ sống để người dân mạnh dạn sinh con.
"Muốn một người phụ nữ sinh được 2 con thì lương của 1 người đi làm phải nuôi được bản thân và đứa con. Nói cách khác, lương 2 người đi làm phải nuôi được 4 người", ông Nhân nói và cho biết thế giới gọi đây là "lương đủ sống".
Với mức lương tối thiểu hiện nay, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chỉ đủ trang trải cho người hưởng lương, còn không thể nuôi thêm con. Đây cũng là thực trạng của không ít quốc gia trên thế giới. Từ thực tế này, ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến giảm tỷ suất sinh thay thế là người làm công ăn lương không đủ chi phí để nuôi con.
Ông Nhân đề nghị có lộ trình từ nay đến năm 2030 chuyển từ "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống tối thiểu".
Theo ông Nhân, qua khảo sát các cặp vợ chồng tại TPHCM, được biết họ phải có thu nhập từ 20-21 triệu đồng/tháng mới đủ chi tiêu cho 4 người, tương đương bình quân mỗi người phải 10,5 triệu đồng/tháng.
"Hiện nay, quy định lương tối thiểu vùng 1, trong đó có TPHCM chỉ là 4,96 triệu/tháng. Như vậy, muốn tăng "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống tối thiểu" phải tăng gấp đôi. Nếu không tăng lương, rất nhiều vợ chồng không đẻ, hoặc đẻ ít vì không đủ kinh tế để nuôi con", ông Nhân nói.
Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ động sửa đổi Hướng dẫn 05/2022 của cơ quan này theo hướng không xử lý...