Hiện trạng dự án đường sắt gần 8.000 tỷ đồng 'ì ạch' suốt 17 năm
Sau 17 năm triển khai, dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 131 km, tổng mức đầu tư hơn 7.660 tỷ đồng mới hoàn thành 5,6 km.
Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được phê duyệt từ năm 2004, dài 131 km, nối ga Yên Viên (TP Hà Nội) với cảng Cái Lân (Quảng Ninh), tổng mức đầu tư hơn 7.660 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 4 tiểu dự án độc lập, khởi công năm 2008, dự kiến hoàn thành 2011 song đến nay vẫn chưa thể thông toàn tuyến.
Ngày 25/3, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực đã thống nhất đưa tiểu dự án 2 vào diện theo dõi vì có dấu hiệu thất thoát, lãng phí.
Cây cầu dở dang trên quốc lộ 1A, đoạn qua phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, thuộc tiểu dự án 2. Cầu có hai làn dành cho người đi bộ, ở giữa là ray chờ.
Đến nay, tiểu dự án 2 hay còn gọi là tiểu dự án Lim - Phả Lại mới triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công nền đường và một số hạng mục như cầu, cống, hầm chui.
Đoạn đường đất đắp chờ làm đường ray qua thị xã Quế Võ, hai bên là cánh đồng.
Nhiều cây cầu ở tiểu dự án 2 được xây để vượt đường dân sinh, quốc lộ 1 và vượt sông song chưa có đường kết nối điểm đầu - cuối và chưa có đường ray.
Một cây cầu khác bắc qua sông Thái Bình, chờ lắp đường ray, đường dẫn, cụt cả 2 đầu. Cầu dài hơn một km nối xã Đức Long, thị xã Quế Võ, Bắc Ninh với phường Phả Lại, TP Chí Linh, Hải Dương.
Ga Hạ Long, ở phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nằm trong tiểu dự án 1 (đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân).
Đây là tiểu dự án duy nhất đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, còn 3 tiểu dự án khác vẫn dở dang.
Sân ga Hạ Long vào sáng 28/3.
Ga Hạ Long khởi công năm 2005, đến tháng 10/2011 đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân - cầu vượt Bàn Cờ, dài 5,6 km được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, sau gần chục năm hoạt động, nhà ga mỗi ngày chỉ đón một đoàn tàu hỗn hợp khách và hàng hóa từ Yên Viên (Hà Nội) với vài chục khách, lượt về gần như không có hàng.
Từ năm 2020, ga không còn chuyến tàu nào ghé qua.
Hầm đường bộ kết nối từ phòng vé đến sân ga đóng cửa im lìm, xuống cấp theo thời gian
Theo thiết kế ban đầu, ga Hạ Long có tiêu chuẩn quốc tế với phòng chờ, nơi bán vé, nhà điều hành, khu làm việc của nhân viên. Đặc biệt, nhà ga có đường ngầm giúp hành khách sang tuyến đường ray khác mà không phải vượt đường ray; có khu bán hàng lưu niệm, phòng vui chơi cho trẻ, khu bán hàng ăn.
Đường ray đã 5 năm không có tàu chạy còn 17 toa tàu hàng hoen rỉ, mục nát.
Theo ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Hạ Long, toàn tuyến Yên Viên - Cái Lân chưa hoàn thiện và hạ tầng đường ray không đồng bộ nên tàu chạy từ Hạ Long lên Yên Viên phải đi vòng qua ga Kép (Bắc Giang) rồi theo tuyến Hà Nội - Lạng Sơn về ga Yên Viên.
Hành trình Hạ Long - Yên Viên hết khoảng 7 tiếng, nếu đi ôtô mất 3 tiếng.
Dù không có tàu đến, ông Tân vẫn đều đặn ghi nhật ký chạy tàu theo quy định, ghi "không có tàu đến".
Phía sau, anh Nguyễn Thanh Sơn, Cung trưởng Cung thông tin tín hiệu Hạ Long cũng đều đặn duy tu, bảo trì thiết bị hàng ngày. Từ chỗ có hơn chục người làm việc, hiện ga Hạ Long chỉ còn trưởng ga Nguyễn Đức Tân cùng ba nhân viên thay nhau trực, dọn dẹp.
Ga Hạ Long từ khi đi vào hoạt động chủ yếu đón tàu chợ, chở nông sản từ Hà Nội về tiêu thụ. Tiểu thương đổ đống ở sân ga để xuất hàng, bán buôn, lâu dần thành chợ.
Trước đây, dự án đường sắt này được thiết kế chủ yếu để vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa từ khu vực Vân Nam (Trung Quốc) kết nối với cảng Cái Lân (Quảng Ninh).
Tuy nhiên, quy hoạch cảng biển đã thay đổi, tập trung phát triển tại khu vực Hải Phòng nên tuyến này được quy hoạch lại để kết nối trên hành lang Đông Tây, trở thành một phần của tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tà vẹt bằng bê tông của dự án chất đống, cỏ dại um tùm
Ngoài các hạng mục thi công dở dang, dự án còn lượng lớn khối vật tư, thiết bị chưa sử dụng (ray, động cơ, tà vẹt...). Bộ Giao thông Vận tải đã bàn giao số này cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trông coi, bảo quản.
Hồi tháng 2, Bộ Giao thông Vận tải (thời điểm chưa sát nhập) đã đề xuất bổ sung 4.000 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng. Bộ cho biết đơn vị tư vấn đã hoàn thành rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư và hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh cho dự án. Kết quả cho thấy dự án cần thay đổi công năng vận chuyển.
Bản đồ dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Đồ họa: Tiến Thành
Dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long. Video: Phạm Chiểu - Lê Tân
Chính phủ cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8% thì cần khơi thông vốn đầu tư công, bằng việc...