Gần 3 ngày sau rào thép gai ở trại Davis của người lính hậu cần Thanh Hóa 20 tuổi
Quãng thời gian ngắn tại trại Davis cách đây hơn 50 năm là một kỷ niệm khắc sâu trong tâm trí Đại tá Nguyễn Văn Tuấn. Đến nay, ông vẫn nhớ rõ “từng giờ từng phút” gần 3 ngày sống giữa rào thép gai ở nội đô Sài Gòn - Gia Định.
LTS: 50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới - xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”. Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. VietNamNet cũng mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân hiếm hoi còn lại trong quãng thời gian lịch sử của đất nước. |
Đại tá Nguyễn Văn Tuấn sinh ngày 10/10/1953, quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1972, khi mới 19 tuổi và chỉ còn 2 tháng nữa là hoàn thành chương trình cấp 3 (trình độ 10/10).
"Thời điểm năm 1972, phong trào đấu tranh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra rất sôi nổi và cam go, ác liệt. Chính vì thế, tôi cùng biết bao lớp người cùng thế hệ quyết định xếp bút nghiên, rời mái trường, xung phong lên đường nhập ngũ để tham gia chống Mỹ, cứu nước" - Đại tá Tuấn kể lại.
Những ngày đầu, ông Tuấn cùng đồng đội trải qua 3 tháng huấn luyện quân sự cơ bản. Đến tháng 5/1972, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện và chuẩn bị ra chiến trường, ông lại được cử đi học tại trường Trung cấp Quân nhu ở Hà Nội.
Đại tá Nguyễn Văn Tuấn từng tham gia phục vụ trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 3 Pleiku
Gần 3 ngày ngắn ngủi nhưng đầy thử thách
Hiện nay, Đại tá Nguyễn Văn Tuấn sinh sống tại quận 12, TPHCM. Trong dòng ký ức hào hùng về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có một kỷ niệm đặc biệt khắc sâu trong tâm trí ông. Đó là gần 3 ngày ngắn ngủi nhưng đầy thử thách tại trại Davis - nơi 2 đoàn đại biểu quân sự miền Bắc và miền Nam (Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đóng quân, tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao quân sự thi hành Hiệp định Paris.
Đại tá Tuấn bồi hồi kể: "Năm 1972, chiến trường miền Nam Việt Nam bước vào thời kỳ rất cam go, ác liệt, được gọi là 'mùa hè đỏ lửa'. Trong khi đó, miền Bắc cũng đối mặt với những trận càn quét, đánh phá của Mỹ.
Trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm đó (từ ngày 18-29/12/1972), Mỹ ném bom rải thảm xuống Hà Nội. Cũng trong 12 ngày đêm này, quân và dân Hà Nội đã khiến 'pháo đài máy bay B52' của Mỹ chịu thiệt hại nặng nề. Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' tạo bước ngoặt và đòn quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Ban Liên hợp quân sự 4 bên được thành lập để đảm bảo việc thực hiện Hiệp định Paris. Trại Davis là trụ sở của Ban Liên hợp quân sự 4 bên, sau là trụ sở Ban Liên hợp quân sự 2 bên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía tây nam sân bay Tân Sơn Nhất, được đặt theo tên của một quân nhân Mỹ tử trận”.
Những khu nhà trong trại Davis. Ảnh: Ban liên lạc trại Davis
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngay trong tháng 1/1973, Đại tá Tuấn - khi đó là người lính trẻ chưa tròn 20 tuổi - bất ngờ nhận nhiệm vụ đặc biệt.
Ông kể: “Sáng 15/1/1973, khi đang luyện tập đào bếp Hoàng Cầm - một nội dung trong chương trình học của Trường Trung cấp Quân nhu, tôi được lệnh về doanh trại, lên xe tập kết đến Học viện Chính trị tại Hà Đông.
Sau khi ổn định nơi ở, tôi mới biết nhiệm vụ sắp tới là đi phục vụ nấu ăn cho phái đoàn quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia Ban Liên hợp quân sự 4 bên.
Sau gần 2 tuần vừa học những nội dung cơ bản trong Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (bản ký tắt) vừa nhận quân trang, ngày 31/1/1973, chúng tôi được đoàn xe quân sự chở sang sân bay Gia Lâm để đi vào thành phố Sài Gòn bằng máy bay C130 của Mỹ. Sài Gòn là nơi đặt trụ sở Ban Liên hiệp quân sự 4 bên cấp Trung ương tại trại Davis".
Vào đến Sài Gòn, ông Tuấn phụ trách công tác ăn uống cho phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại trại Davis trong khoảng thời gian gần 3 ngày.
“Trại Davis được bao bọc bằng hàng rào thép gai. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quá lo lắng, e dè khi vào ngay trung tâm sào huyệt của chính quyền Sài Gòn. Giai đoạn đó, Hiệp định Paris quy định tất cả những phái đoàn đều được ưu tiên, miễn trừ và được đảm bảo an toàn như các đoàn khách quốc tế. Tuy nhiên, sự cảnh giác luôn được đặt lên hàng đầu" - ông Tuấn nói.
Đại tá Nguyễn Văn Tuấn nhớ về thời gian ngắn ngủi nhưng đầy ấn tượng tại trại Davis
Trong điều kiện thiếu thốn, phải đối mặt với nhiều khó khăn, người lính trẻ cùng đồng đội đã nảy ra nhiều ý tưởng, sáng kiến để đảm bảo an toàn trong việc ăn uống cho phái đoàn.
Theo lời kể của ông Tuấn, không có phương tiện, phương pháp khoa học để kiểm tra nguồn nước do phái đoàn Việt Nam Cộng hòa cung cấp, nhưng với tinh thần cảnh giác cao, phía ta đã sáng tạo một biện pháp đơn giản mà hiệu quả.
"Chúng tôi phải cắt một thùng phi để làm bếp Hoàng Cầm giúp nấu nướng nhanh hơn. Không có phương tiện hay máy móc để kiểm tra những vấn đề đáng ngờ, nên khi được cung cấp những con cá sống, chúng tôi nảy ra ý tưởng thả một con vào bể nước. Nếu cá vẫn khỏe, chúng tôi mới bắt đầu lọc nước đó để nấu ăn. Ngược lại, nếu cá chết, chúng tôi sẽ yêu cầu thay nguồn nước khác” - ông Tuấn nhớ lại.
Những phương pháp này đã được áp dụng xuyên suốt không chỉ trong quãng thời gian tại trại Davis mà còn trong cả 57 ngày ông Tuấn nhận nhiệm vụ tại khu vực 3 Pleiku - nơi sau này ông được điều chuyển về để tiếp tục triển khai xuống các tổ theo kế hoạch.
Một buổi họp báo tại trại Davis. Ảnh tư liệu
"Tôi nhớ khi mới vào trại Davis, chúng tôi không có gạo để nấu cơm mà được cung cấp những suất ăn đóng hộp dã chiến của lính Mỹ, gồm thuốc lá, kẹo sôcôla, nước trái cây, thịt hộp... Bất kỳ ai cũng phải cảnh giác, làm mọi phương pháp để kiểm chứng đồ ăn xem có an toàn để dùng không.
Sau đó, theo yêu cầu của phái đoàn Việt Nam, họ mới cấp lương thực như gạo, cá, thịt và rau để chúng tôi tự nấu ăn” - ông Tuấn nhớ chi tiết. Khẩu phần ăn hàng ngày ở trại Davis được đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt không thể thiếu rau xanh, với định lượng calo phù hợp để duy trì sức khỏe cho các thành viên phái đoàn.
"Lòng yêu nước nồng nàn cùng chúng tôi vào chiến trường"
Sau gần 3 ngày ở trại Davis, người lính trẻ được điều chuyển về khu vực 3 Pleiku (tỉnh Gia Lai) - 1 trong 7 Ban Liên hợp quân sự khu vực có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Hiệp định Paris. Sau 60 ngày, nhiệm vụ của Ban Liên hợp quân sự 4 bên kết thúc, ông Nguyễn Văn Tuấn cùng đoàn trở về Hà Nội theo quy định, tiếp tục học tập tại Trường Trung cấp Quân nhu.
“Điều đáng mừng là trong suốt 60 ngày tôi được giao thực hiện nhiệm vụ, không một ai trong phái đoàn của chúng ta gặp phải vấn đề ngộ độc từ nguồn nước hay thực phẩm" - ông tự hào chia sẻ.
Đến tháng 5/1973, ông Tuấn được điều động đi nấu cơm cho một đại đội vận tải của Cục Quân nhu chở hàng vào chiến trường miền Đông Nam Bộ.
"Tôi nấu ăn cho đại đội lái xe trên chiến trường. Ban ngày, đại đội vào rừng ẩn nấp, đêm thì đi. Lúc đó rất khó khăn và nguy hiểm, địch bắn phá liên tục nhưng nhờ có con đường Trường Sơn, quân ta được che chở và tiến nhanh vào miền Nam" - ông kể.
"Mọi người, dù trực tiếp chiến đấu hay không, đều có niềm tin và tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh để giành được thắng lợi cho Tổ quốc" - Đại tá Tuấn xúc động nhớ lại
Trước câu hỏi “Khi được phân công làm công tác hậu cần ở tuổi đôi mươi, đang 'thanh niên phơi phới' lại phải lo việc cơm nước, quần áo, thuốc men, ông có cảm thấy không vui vì không được trực tiếp cầm súng chiến đấu?”, vị đại tá khẳng định: “Bản thân tôi và đồng đội dù được phân công công việc gì cũng đều phấn khởi, hăng hái và quyết tâm làm tốt”.
“Trong thư gửi lớp cán bộ cung cấp đầu tiên (tháng 9/1951), Bác Hồ viết: ‘Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận. Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận…’.
Tại hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất (25/6/1952), Bác Hồ nói với cán bộ chiến sĩ của ngành hậu cần rằng: ‘Các chú phải làm thế nào để một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ. Đó là bổn phận của các chú…'.
Thấu hiểu được lời dạy của Bác, tôi và đồng đội luôn luôn nghĩ rằng công việc phục vụ chiến đấu cũng rất quan trọng. Vì vậy, khi được phân công nhiệm vụ, mỗi người phải cố gắng, quyết tâm hoàn thành. Và nếu hoàn thành tốt, việc gì cũng vinh dự như nhau” - ông Tuấn chia sẻ.
Sau năm 1975, ông Tuấn công tác tại Cục Quân nhu - Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng. Đến năm 1985, ông chuyển sang Tổng công ty 28 và gắn bó tại đây cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2012.
Sau 50 năm ngày đất nước thống nhất, vị cựu chiến binh ấp ủ niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ Việt Nam. Theo ông, thế hệ trẻ có những suy nghĩ và cách thể hiện lòng yêu quê hương, Tổ quốc khác so với những thế hệ trước, song luôn mang trong mình lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đồng thời, với kinh nghiệm của người từng trải qua lửa đạn, ông Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục lòng yêu nước.
“Chúng tôi thuộc thế hệ học sinh được nhà trường và gia đình nuôi dưỡng niềm tự hào về lịch sử và truyền thống dân tộc. Khi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi và đồng đội luôn có tinh thần 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai'.
Năm 2012, Đại tá Nguyễn Văn Tuấn nghỉ hưu. Cuộc sống đời thường của ông gắn liền với luống rau, vườn cây trước nhà
Lòng yêu nước nồng nàn, được vun đắp qua giáo dục, đã trở thành điều thiêng liêng với mỗi người con Việt Nam, cùng thanh niên thế hệ chúng tôi vào chiến trường. Tôi luôn cảm thấy may mắn và vinh dự được sống trong những năm tháng lịch sử ấy.
Ngày nay, việc bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ vẫn là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của mọi cấp, mọi ngành và cả hệ thống chính trị" - vị đại tá ở tuổi ngoài 70 chia sẻ.
Người chiến sĩ năm xưa giờ đã trở về với cuộc sống đời thường giản dị với luống rau, hàng cau trước nhà. Ông nói những luống rau, hàng cau bình dị đó chính là biểu tượng cho hòa bình, hạnh phúc mà biết bao người đã đổ mồ hôi, xương máu để giành lấy cho các lớp cháu con.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào ngày 27/1/1973, sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Theo điều 16, 4 bên gồm Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự 4 bên. Theo điều 17, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự 2 bên. Ban Liên hợp quân sự có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên nhằm thực hiện các điều khoản về quân sự mà Hiệp định đã quy định. Đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm: từ hội nghị Paris do Đại tá Lưu Văn Lợi phụ trách, từ Hà Nội do Thiếu tướng Lê Quang Hòa dẫn đầu. Đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam gồm: từ Paris do Đại tá Đặng Văn Thu phụ trách, đến từ Hà Nội do Đại tá Võ Đông Giang và Trung tá Nguyễn Đôn Tự (sau là Thiếu tướng) dẫn đầu, đoàn từ khu căn cứ ra do Trung tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn và về sau là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn. Theo các điều khoản của Hiệp định Paris, Chính phủ Việt Nam cộng hòa chọn trại Davis để làm nơi làm việc của phái đoàn đại biểu quân sự 4 bên cũng như nơi ở của 2 phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lý do đưa ra là thuận tiện cho việc di chuyển của các phái đoàn bằng máy bay, đồng thời cơ sở vẫn còn tiện nghi. Xung quanh trại là 13 tháp canh lúc nào cũng thấp thoáng bóng lính, suốt ngày đêm chĩa súng vào trại. Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự: "Sắp xếp cho 2 đoàn ta ở trại Davis, chính quyền Sài Gòn muốn cô lập, ngăn ta có điều kiện tiếp xúc với người dân Sài Gòn, đồng thời dễ bề kiểm soát thông tin, phá sóng, gây nhiễu điện của ta". Trong hoàn cảnh đầy cam go và thách thức ấy, bằng sự đấu tranh trực diện, quyết liệt, khôn khéo và quả cảm, các thành viên trong Ban Liên hợp quân sự đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thành trao trả tù quân sự, tù dân sự của các bên bị bắt trong chiến tranh; buộc quân đội Hoa Kỳ và quân đồng minh phải rút hết khỏi miền Nam trong thời hạn 60 ngày... Đến 9h30 ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng được treo lên đỉnh tháp nước, chỗ cao nhất của trại Davis. Sau 823 ngày đêm dũng cảm, mưu trí, kiên cường đấu tranh với kẻ thù, lực lượng Liên hợp quân sự đã đấu tranh cách mạng, thực thi Hiệp định Paris ngay giữa trung tâm đầu não của Việt Nam Cộng hòa. |
Trở lại sân bay Biên Hòa 50 năm sau chuyến bay diễu binh lịch sử, cựu phi công Nguyễn Văn Nghĩa nhớ lại khoảnh khắc dẫn...