Đặt tên xã, phường mới: Không nên đánh số vì 'ta đâu thiếu chữ nghĩa'
"Tôi ủng hộ việc chọn tên xã, phường sao cho có ý nghĩa, có thể dựa vào tên cũ hoặc đặt mới chứ không nên đánh số. Ta đâu thiếu chữ nghĩa" - ông Vũ Ngọc Hoàng bày tỏ quan điểm.
Hiện tại, các tỉnh, thành đang có 2 xu hướng đặt tên cho đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã mới sau sắp xếp. Một là chọn tên của một trong số các ĐVHC trước sắp xếp để đặt cho ĐVHC mới. Hai là lấy tên của ĐVHC cấp huyện, thêm số thứ tự để đặt cho các xã, phường mới sau sắp xếp. Cũng có địa phương chọn một cái tên mới hoàn toàn.
Các phương án này đều nằm trong những gợi ý đặt tên tại Nghị quyết 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tên của ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.
Trong các phương án, việc chọn tên theo cách đánh số thứ tự được cho là sẽ thuận tiện cho việc số hóa dữ liệu, nhưng cũng bị cho là khô cứng, đơn điệu và thiếu chiều sâu văn hóa, lịch sử.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng việc đặt tên không chỉ là công việc hành chính đơn thuần, không nên dễ dãi, tùy tiện hay làm cho xong.
Không nên dễ dãi, tùy tiện
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, chọn tên một địa phương nên hiểu là công việc văn hóa - làm văn hóa, xây văn hóa - để từ đó góp phần xây dựng những giá trị văn hóa lâu bền trong tâm thức, trong ký ức, trong đời sống tinh thần, tình cảm, tạo nên sự gắn bó chia sẻ cho cộng đồng cư dân.
Vì thế, việc chọn tên không nên dễ dãi, tùy tiện, làm cho xong để lấy thành tích.
Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam
“Trong lịch sử xưa nay, nhiều tên đất, tên làng đã góp lại làm nên đất nước. Đặt tên không chỉ là công việc hành chính đơn thuần nên chỉ cần đưa ra một quy ước nào đó như đánh số thứ tự chẳng hạn, vì tôi nghe có người nói số hóa cho dễ dàng” - ông Vũ Ngọc Hoàng nói và cho rằng đó là cách hiểu về số hóa quá đơn giản.
Vì vậy, ông ủng hộ việc chọn tên sao cho có ý nghĩa, có thể dựa vào tên cũ hoặc đặt tên mới chứ không nên đánh số.
"Ta đâu thiếu chữ nghĩa! Và cũng không nên tiếc thì giờ cho công việc ấy, vì sức mạnh của văn hóa rất lâu dài, bền vững và vô tận nếu làm tốt” - ông nhấn mạnh.
Đừng ‘làm phép’ quy trình, làm cho qua chuyện
Ông Vũ Ngọc Hoàng cũng nhận định phương án lấy theo tên một địa phương trong số đơn vị nhập lại, mà tên này có nhiều giá trị lịch sử, có thể đại diện cho các đơn vị thành viên khác, được tập thể cộng đồng ấy tôn vinh lên “thì cũng tốt”.
Nhưng theo ông, phải đặc biệt chú ý đến việc để cho nhân dân thảo luận và lựa chọn chứ không phải "làm phép" về thủ tục, quy trình cho qua chuyện.
“Địa phương đừng gò ép, quy định thời gian lấy ý kiến gấp gáp quá. Phải coi đó là công việc lớn, là mục tiêu và động lực. Nếu không làm thật sự, chỉ dùng thủ thuật để lấy phiếu theo ý áp đặt thì chỉ được thủ tục nhưng mất lòng tin”.
TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Hoàng Hà
"Có nhiều cái tên mất đi trong quá trình sáp nhập tỉnh, thành, sắp xếp lại các ĐVHC, đó là điều đáng tiếc. Những cái tên ấy đã gắn với một lịch sử rất đáng tự hào, trở thành ký ức, tuổi thơ và cuộc đời, kỷ niệm của rất nhiều thế hệ, giúp cho mỗi người ‘thành người’ - như lời hát quen thuộc ‘quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người’. Tình yêu đất nước đã bắt đầu bằng tình yêu quê hương” - ông Hoàng chia sẻ.
Do đó, theo ông, chú ý đến các yếu tố văn hóa khi chọn tên là định hướng đúng đắn, nhưng đôi khi đi vào phương án cụ thể thì nhiều nơi lại không làm được như thế, thậm chí ngược lại.
“Trong câu chuyện này, nếu chúng ta không nghĩ kỹ về văn hóa thì biết đâu có ngày, một thế hệ khác phải đổi lại tên cho phù hợp hơn", nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lưu ý.
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, Quảng Nam và Hội An đã gắn với nhiều sự kiện có ý nghĩa và đặc trưng tiêu biểu của văn hóa và lịch sử, kể cả những thương hiệu đã có từ lâu và trong hiện tại. Quảng Nam là vùng đất mở về phương Nam, thể hiện một chiến lược của cha ông Đại Việt xưa, giúp nơi đây có thời kỳ vừa là phên dậu, vừa là nơi trung chuyển và làm bàn đạp để khai hoang vỡ hóa, san lấp đầm lầy, quản lý biển đảo; dùng văn hóa để mở cõi đi tiếp về phương Nam, nhân đôi nước Việt. Hội An từng là đặc khu kinh tế đầu tiên, mở thương cảng quốc tế giao thương với nhiều nước Đông - Tây, tạo nên một trung tâm kinh tế Đàng Trong để chuẩn bị hậu cần cho công cuộc mở cõi. Đến nay, Hội An vẫn là một thương hiệu du lịch nổi tiếng. Nơi đây là sự kết hợp tài tình giữa tinh hoa văn hóa phố và văn hóa làng. Văn minh và tiện nghi của phố gắn được sự mộc mạc, chân thật của làng, vừa rất phố lại vừa rất làng. Tất nhiên, Hội An vẫn phải luôn được bảo tồn, hoàn thiện và nâng cao…, không để bị rơi vào vòng xoáy xô bồ của đô thị hóa kiểu thấp cấp mà còn lan tỏa giá trị văn hóa tiêu biểu của đất Quảng trong đơn vị mới. Ông Hoàng rất tiếc nếu không dùng các tên gọi có lịch sử và thương hiệu ấy. Nhưng ông tin rằng nó không thể đơn giản biến mất mà sẽ vẫn tồn tại lâu dài trong ký ức lịch sử, văn hóa. Theo ông, còn nhiều tên gọi khác nữa cũng đáng giữ. Mà việc này không có gì trở ngại cho công cuộc đổi mới, thậm chí còn tốt hơn vì có sức mạnh tinh thần, nội sinh từ văn hóa. |
Khi sáp nhập Thái Nguyên với Bắc Kạn, nếu chọn tên mới hoặc tên ghép như "Bắc Thái" sẽ gây nhầm lẫn, khó nhận diện và có...