Chia sẻ

Đặt tên xã, phường mới: Hà Nội sẽ giữ các tên gọi đặc thù như Ba Đình, Hoàn Kiếm...

Sự kiện: Thời sự
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh đã thông tin về nguyên tắc đặt tên xã, phường sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, trong đó ưu tiên giữ lại các tên gọi đặc thù như Ba Đình, Hoàn Kiếm...

Chiều 3-4, TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I-2025.

Nguyên tắc đặt tên xã, phường mới

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh báo cáo với hội nghị về việc triển khai thực hiện Kết luận 127 và 128, trong đó nêu rõ về nguyên tắc xác định trung tâm hành chính, sắp xếp đặt tên xã phường trên địa bàn TP Hà Nội.

Ông Trần Đình Cảnh cho biết căn cứ chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP, Sở Nội vụ đã khẩn trương xây dựng dự thảo Phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn TP.

Nguyên tắc sắp xếp ĐVHC trên địa bàn TP Hà Nội bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Việc sắp xếp phải tuân thủ Hiến pháp, trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Việc sắp xếp phải bảo đảm chính quyền cấp cơ sở mới phải gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất...

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh báo cáo tại hội nghị.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh báo cáo tại hội nghị.

Theo ông Cảnh, ngoài thực hiện nguyên tắc của Trung ương, TP có bổ sung một số nguyên tắc riêng đối với đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, TP sẽ chọn 5 vùng động lực, 5 trục phát triển để đảm bảo lâu dài, đồng thời tính đến xu thế quy hoạch định hướng phát triển với hai đô thị trực thuộc Thủ đô (đô thị phía Bắc và đô thị phía Tây), định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp, dư địa để phát triển của từng vùng, từng địa phương.

Quá trình sắp xếp ĐVHC phải đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu (vùng văn hoá Thăng Long, vùng văn hoá xứ Đoài, vùng văn hoá Kinh Bắc, vùng văn hoá Sơn Nam Thượng…).

Ngoài ra, việc sắp xếp cũng phải đảm bảo được chức năng của từng địa phương, như ĐVHC cơ sở Ba Đình là trung tâm chính trị hành chính quốc gia của cả nước, ĐVHC cơ sở Hoàn Kiếm phải bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của 36 phố phường cổ của kinh thành Thăng Long xưa…

Cũng theo ông Cảnh, tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên theo số thứ tự hoặc theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin. Ví dụ, xã Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2….

TP Hà Nội cũng định hướng lựa chọn một ĐVHC tiêu biểu để đặt tên, các ĐVHC liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác tránh sự trùng lặp. Cụ thể, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ có đơn vị đặt tên là Hoàn Kiếm. Với quận Đống Đa có thể một đơn vị đặt tên là Đống Đa, một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Về nguyên tắc đặt trụ sở ĐVHC, TP Hà Nội định hướng cơ sở mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển, dễ dàng kết nối với các ĐVHC khác trong TP, kết nối giữa trụ sở của ĐVHC và cộng đồng dân cư trong ĐVHC đó.

Ngoài ra, trung tâm hành chính của ĐVHC cơ sở mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của ĐVHC mới, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Thay đổi hình ảnh về Hà Nội trong mắt nhà đầu tư

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ thông qua việc sắp xếp các sở, ngành vừa qua cho thấy tiến độ giải quyết công việc, thái độ thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức có cải thiện rõ rệt, trách nhiệm hơn, quyết liệt hơn.

“Thay vì nhiều đầu mối như trước kia, nay chỉ còn khoảng ba đầu mối chính từ các sở ngành trong triển khai các dự án trên địa bàn thành phố, rất nhanh và gọn nhẹ” - ông Thanh cho hay.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay hiện nay công việc chuyển lên UBND TP Hà Nội rất nhanh vì ở các sở, ngành đã có sự chuyển biến lớn sau sắp xếp, đòi hỏi cấp TP cũng phải thay đổi cung cách làm việc để đáp ứng với yêu cầu mới.

Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I-2025.

Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I-2025.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh thời gian tới, TP có nhiều công việc phải hoàn thành, trong đó muốn đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng từ 8% trở lên thì phải triển khai bằng được các dự án. Trong đó, khởi công cầu Tứ Liên vào dịp 19-5; thúc đẩy tiến độ dự án đường vành đai 4 và hàng loạt dự án khác trên địa bàn thành phố…

“Trong bối cảnh này, chúng ta phải cùng nhau kề vai sát cánh, vì danh dự cá nhân, vì danh dự của TP để làm. Không phải chúng ta chỉ tập trung làm từ nay đến lúc sáp nhập, chia tách, sắp xếp các ĐVHC mà sau này cũng tiếp tục là các đồng chí làm, cũng là việc của chúng ta thôi” - ông Thanh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng mong muốn thông qua hành động trong công việc các cấp sẽ thay đổi dần hình ảnh “Hà Nội không vội được đâu” trong mắt người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Về dự kiến số lượng ĐVHC cấp xã, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, cho hay theo dự kiến của Trung ương, tổng số lượng ĐVHC xã, phường sau sắp xếp giảm khoảng 50% so với tổng số lượng ĐVHC cấp xã trước sắp xếp.

Hiện nay, Hà Nội có 526 ĐVHC cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Nếu thực hiện theo tỉ lệ trên, Hà Nội sẽ giảm từ 526 phường, xã, thị trấn xuống còn 263 đơn vị cấp xã.

Nếu một cái tên vừa gợi nhắc được ký ức văn hóa, vừa mở ra kỳ vọng phát triển, được lòng dân, thì đó chính là cái tên...

Theo Trọng Phú ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thời sự

Xem Thêm