Chuyện kỳ bí về chiếc hang có tượng đôi rắn trong ngôi chùa nổi tiếng ở TPHCM
Trong khuôn viên ngôi chùa ở Hóc Môn (TPHCM) có cái hang kỳ lạ nằm dưới bộ rễ của cây cổ thụ khổng lồ. Người dân địa phương cho rằng đây là nơi trú ngụ của “rắn ông, rắn bà” khi vào chùa nghe kinh.
Không gian xanh mát của chùa Đông Linh. Ảnh: Hà Nguyễn
“Chùa hang”
Dưới tán cây xanh mát, chùa Đông Linh (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM) nổi bật bởi có mặt tiền chánh điện trang trí bằng vô số mảnh sành, sứ. Khuôn viên chùa có nhiều tượng Phật kích thước lớn, uy nghi.
Theo thông tin tại chùa, Đông Linh tự được ni sư Thượng Như Hải Hiếu tạo lập. Tiền thân chùa là ngôi nhà tranh vách đất được ni sư dựng lên để tu đạo. Năm 1978, ni sư Hải Hiếu khởi công xây dựng ngôi tam bảo và đặt tên là chùa Đông Linh.
Bức tượng Phật cỡ lớn trong khuôn viên chùa và mặt tiền chánh điện được khảm sành, sứ. Ảnh: Hà Nguyễn
Dù không thuộc hàng cổ tự, chùa Đông Linh vẫn nổi tiếng gần xa bởi sở hữu cái hang kỳ lạ và tượng đôi rắn bí ẩn.
Hang nằm dưới gốc đại thụ hàng trăm tuổi, bên trong thờ 5 mẹ ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hang có 2 cửa ra vào. Một cửa được tạo thành tự nhiên từ bộ rễ của cây đại thụ. Cửa còn lại được đắp bằng bê tông cốt thép.
Bên trên cửa hang được tạo từ rễ cây có tượng rắn kích thước lớn, thân mình uốn lượn, trườn xuống mặt đất. Dưới cửa hang này có thêm tượng rắn khác đang phùng mang, đầu hướng ra phía ngoài.
Bên ngoài hang, chùa đắp xi măng cốt thép tạo hình giả sơn vươn cao theo thân cây. Trên ngọn giả sơn có một hang khác thờ Bà Chúa Xứ.
Hai cửa của cái hang kỳ lạ nằm dưới gốc cây cổ thụ trong khuôn viên chùa Đông Linh. Ảnh: Hà Nguyễn
Ông Tịnh Giác, (60 tuổi), người thường xuyên đến chùa làm công quả cho biết, vì có cái hang lạ và tượng rắn kích thước lớn nên chùa Đông Linh còn được người dân địa phương gọi là chùa hang hoặc chùa rắn.
Theo ông Giác, vị trí cái hang trước đây là một lùm cây. Phần đất dưới gốc cây trũng xuống tạo thành hố sâu. Lo sợ trẻ em khi đến chùa sẽ rơi xuống hố nên ni sư Thượng Như Hải Hiếu cho đắp xung quanh cao lên.
Sau này, gốc cây ngày càng lớn, rễ bao phủ phần bờ tường bao quanh hình thành cái hang. Sau khi hang hình thành, nơi đây xuất hiện đôi rắn kích thước lớn đến trú ngụ.
Chuyện kỳ bí
Ông Giác kể: “Tôi đến chùa làm công quả từ 20 năm trước rồi xuất gia, tu học. Khi đến chùa, tôi nghe chuyện trước đây bên cạnh gốc đại thụ còn có một cây khế ngọt. Một buổi chiều, 2 người đàn ông đi làm ruộng về khát nước nên đến hái khế ăn.
Cửa hang bằng rễ cây và tượng "rắn bà" uốn mình bên trên. Ảnh: Hà Nguyễn
Một người trèo lên cây, người còn lại ở dưới gốc. Bất ngờ, người trên cây nhìn thấy hai con rắn thân to bằng bắp chân đang bò ra khỏi hang. Ông la hét, bảo bạn của mình mau chạy đi.
Nhưng người này sau khi nhìn thấy cặp rắn lớn thì sợ đến hồn xiêu phách lạc, chỉ biết đứng chôn chân, run bần bật. Dù vậy, hai con rắn chỉ bò ngang qua trước mặt người này rồi đi vào ruộng.
Sau này, tôi nghe nói một con rắn bị bắt mất. Con còn lại ở trong hang một mình rồi ít lâu sau cũng bỏ đi. Từ đó đến nay, không ai còn thấy cặp rắn ấy về hang nữa”.
Chị Huỳnh Khả (40 tuổi), phật tử tại chùa Đông Linh khẳng định người dân địa phương ai cũng nói cái hang trong khuôn viên chùa từng là nơi trú ngụ của “rắn ông, rắn bà”.
Tượng "rắn ông" phùng mang được tạo hình bên trong hang. Ảnh: Hà Nguyễn
Cặp rắn sinh sống dưới gốc cây và thường bò ra khỏi hang, ra ruộng lúa phía trước chùa kiếm ăn vào mỗi chiều tối. Đến khuya, đôi rắn lại bò trở lại hang.
“Người dân gọi cặp rắn là rắn ông, rắn bà. Rắn ông có mang lớn, rắn bà thì không.
Người ta còn kể rằng, mỗi khi ni sư Thượng Như Hải Hiếu tụng kinh, chúng lại bò ra khỏi hang nằm nghe", chị Khả chia sẻ.
Trong hang dưới gốc cổ thụ có án thờ 5 mẹ ngũ hành. Ảnh: Hà Nguyễn
Ni sư Thích Nữ Như Hoa, Trụ trì chùa Đông Linh cho biết, tại chùa có truyền lại câu chuyện đôi rắn kích thước lớn đến trú ngụ trong hang dưới gốc cổ thụ. Chùa đắp tượng đôi rắn lớn bằng xi măng ở hang để gợi nhớ chuyện xưa.
Bà Lê Thị Hồng Nhung - Phó Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) xác nhận, chùa Đông Linh nằm trên địa bàn xã.
"Chùa còn được người dân địa phương gọi là chùa rắn hoặc chùa hang. Tuy nhiên, hiện nay chùa chưa nằm trong danh sách quản lý Nhà nước của UBND xã”, bà Nhung nói thêm.
Hải Phòng - Từ Lương Xâm từng là căn cứ quân sự, sau là đền thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền, người đánh bại quân Nam Hán...