Chia sẻ

Chính phủ trình Quốc hội cơ chế đặc thù xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận

Sự kiện: Thời sự
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sáng 14/2, Bộ trưởng Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo tờ trình gửi Thường vụ Quốc hội cách đây 4 ngày, Chính phủ đề xuất Thủ tướng được phép giao chủ đầu tư thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc đàm phán đối tác ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác và tín dụng Nhà nước tài trợ xây nhà máy điện hạt nhân được tiến hành song song quá trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, duyệt dự án.

Sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương (dự kiến tại kỳ họp tháng 5/2025), Chính phủ được phép chọn nhà thầu và áp dụng hình thức hợp đồng "chìa khóa trao tay" cho dự án. Nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ từ lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, đến thi công xây dựng. Ngoài ra, hợp đồng còn bao gồm điều khoản mua bảo hiểm cho vật tư, thiết bị và cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho lần nạp đầu tiên.

Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng việc chỉ định gói thầu hợp đồng "chìa khóa trao tay" là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch.

Để giảm rủi ro, Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung quy trình giám sát, công khai danh sách, tiêu chí lựa chọn nhà thầu; chế tài nghiêm nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong quá trình chỉ định và thực hiện hợp đồng.

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường Diên Hồng ngày 13/2. Ảnh: Media Quốc hội

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường Diên Hồng ngày 13/2. Ảnh: Media Quốc hội

Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự kiến vận hành năm 2030 phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; còn nhà máy Ninh Thuận 2 ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Khi góp ý xây dựng dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội chiều 12/3, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhắc lại điện hạt nhân Ninh Thuận là một trong những dự án trọng điểm mà Quốc hội từng không đồng tình. "Đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ đã trình ra Quốc hội nhưng bị bác. Điều đó thể hiện được vai trò, trách nhiệm cũng như là quyền lực của Quốc hội", ông nói.

Dự án điện hạt nhân bị dừng lại dẫn đến các yêu cầu bồi thường hợp đồng từ các đối tác quốc tế. Đội ngũ cán bộ được đào tạo cho dự án không được sử dụng, chưa kể vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng và chi phí cơ hội bị bỏ lỡ. Ông Hạ đặt câu hỏi liệu chủ trương của Đảng chưa phù hợp hay do Chính phủ chuẩn bị chưa kỹ cho dự án này?

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết dự án điện hạt nhân là vấn đề được Trung ương và Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định triển khai. Tuy nhiên, sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản và việc Đức tuyên bố dừng các dự án điện hạt nhân, cùng với chi phí thực hiện dự án lúc đó quá cao, Chính phủ đã cân nhắc lại.

"Sau khi tổng kết kỹ lưỡng và trình lên Trung ương, Trung ương đã thống nhất cao và đưa ra Quốc hội quyết định dừng dự án, chứ không phải là bác bỏ. Dừng và bác là hai khái niệm khác nhau," ông Định giải thích.

Ông cũng dẫn chứng Nghị quyết của Quốc hội khi đó đã nêu rõ việc dừng dự án. Chính phủ và Trung ương sau đó đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho những người được đào tạo, các doanh nghiệp và người dân Ninh Thuận, bao gồm các chính sách về điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng không thể bù đắp hết những hy sinh, mất mát của người dân đã nhường đất cho dự án.

Ông Định thừa nhận việc đầu tư rồi không sử dụng là gây thất thoát, nhưng đó là do bối cảnh và tình hình thực tế lúc bấy giờ. Hiện nay, khi thế giới đã khẳng định về an toàn điện hạt nhân và trước yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng, Trung ương đã bàn bạc rất kỹ và Quốc hội đồng thuận cao với việc tái khởi động dự án.

Đề xuất chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận được Chính phủ trình Quốc hội vào cuối 2009, với dự kiến xây dựng hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tại huyện Thuận Nam và Ninh Hải, tổng công suất 4.000 MW. Tổng đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỷ đồng.

Sau 7 năm chuẩn bị, tháng 11/2016, Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Giải thích việc dừng khi đó, Chính phủ cho biết không phải do vấn đề công nghệ, an toàn mà điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô có nhiều thay đổi. Việt Nam cũng cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ lo ngại nợ công sẽ vượt trần nếu phải vay thêm để làm dự án này.

Ở lần khởi động lại dự án, nhà chức trách cho biết sẽ tận dụng tối đa kết quả đã thực hiện với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, lập cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước với điện hạt nhân. Theo chuyên gia, điện hạt nhân phát thải rất ít, khoảng 6 gram CO2 trên mỗi kWh, so với mức phát thải trên 1.000 gram của điện than. Điện hạt nhân có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải mà vẫn đủ năng lượng phát triển kinh tế.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Cùng với đó, chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM cũng là nội dung thảo luận buổi chiều.

“Việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân...

Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thời sự

Xem Thêm