Chiêm ngưỡng bộ sưu tập mâm đồng “hiếm có khó tìm” của bà giáo làng
Trong không gian trưng bày tại Bảo tàng của bà Ngô Thị Khiếu (Nam Định) có hàng nghìn hiện vật, nhưng bộ sưu tập nồi, chậu, mâm đồng của rất nhiều thời kỳ được đánh giá hiếm có.
Bảo tàng Đồng quê của bà Ngô Thị Khiếu, hơn 70 tuổi, giáo viên nghỉ hưu ở thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy (Nam Định), nơi lưu giữ hơn 10.000 hiện vật quý, độc đáo. Bảo tàng được xây dựng từ năm 2011. Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận bà Ngô Thị Khiếu là người sáng lập Bảo tàng Đồng quê đầu tiên ở Việt Nam.
Đặc biệt nhất trong không gian trưng bày là những chiếc mâm, nồi, chậu bằng đồng từ rất nhiều thời kỳ, được bà dày công sưu tầm từ khắp vùng quê Việt Nam. Bà Khiếu cho biết, bộ sưu tập của bà có khoảng 200 mâm đồng, 200 nồi đồng, 100 chậu đồng và rất nhiều những hiện vật bằng đồng khác. Tất cả là hiện vật gốc.
Theo bà Khiếu, những hiện vật bằng đồng này được bà sưu tầm trong nhiều năm, thời còn làm cô giáo làng. Bà sinh ra ở huyện Xuân Trường (Nam Định) và công tác tại huyện Giao Thủy. Sau 16 năm công tác, khi chuẩn bị nghỉ hưu, bà Khiếu và chồng đã quyết định thành lập Bảo tàng Đồng quê, với mong muốn lưu giữ nét văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ, truyền lại cho thế hệ trẻ sau này.
Kể về bộ sưu tập của mình, bà Khiếu chia sẻ, một lần thấy các bà, các chị ở quê mang những mâm, ấm, nồi, thau đi bán đồng nát. Khi hỏi bà được biết họ bán cho các đại lý, sau đó các đại lý sẽ đập bẹp rồi nấu thành những vật dụng mới.
“Nghĩ những vật dụng một thời của cha ông bị mang đi nung chảy, tôi rất tiếc nên hỏi mua lại. Lúc đó chỉ thấy tiếc, giá lại quá rẻ nên mua chứ không nghĩ giờ nó rất có giá trị đối với thế hệ sau này. Ngày đó, vì bận đi dạy, tôi nhờ cả họ hàng bên nội, bên ngoại cùng thu mua giúp”, bà giáo tâm sự.
Chủ nhân bộ sưu tập cho hay: "Thời đó, đồng lương thấp, nhưng cứ hễ nghe ở đâu có đồng nát là tôi lại tìm đến mua. Chồng và các con mới đầu không bằng lòng, nhưng về sau mọi người hiểu và tạo điều kiện để tôi thu mua".
“Số tiền bỏ ra không nhiều, nhưng tôi phải mất tới vài chục năm, đi khắp đất nước mới sưu tầm được số hiện vật này cho bảo tàng. Nhiều người thấy tôi trân trọng quá khứ họ tặng chứ không bán”, bà Khiếu chia sẻ.
Trong bộ sưu tập mâm đồng, nổi bật nhất là hơn 30 chiếc có hoa văn.
Theo bà Khiếu, những chiếc mâm đồng hoa văn này rất quý, không chỉ có tuổi đời cả trăm năm, mà còn mang trong mình những câu chuyện riêng.
Trên mâm thường có chữ Phúc, Lộc, Thọ hay Khang,... thể hiện mong muốn cuộc sống hạnh phúc, bình an.
Những chiếc chậu đồng có họa tiết đơn giản.
Bộ sưu tập cồng chiêng Tây Nguyên cũng được bà Khiếu sưu tầm khắp nơi để đưa về bảo tàng.
Bộ sưu tập ống nhổ, bộ đồ ăn trầu bằng đồng cũng rất độc đáo.
Đây đều là những hiện vật quý giá trong bảo tàng của bà Khiếu.
Bộ sưu tập bát đồng với đủ loại kích cỡ.
Bộ sưu tập công cụ sản xuất và vũ khí bằng đồng, văn hóa Đông Sơn có tuổi đời hàng nghìn năm.
Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn.