Bộ Nội vụ có nhiều đề xuất mới về quản lý cán bộ, công chức
Bộ Nội vụ cho biết việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ, đồng thời xóa bỏ việc quản lý theo ngạch, bậc lâu nay.
Bộ Tư pháp đang thẩm định tờ trình về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình.
Theo tờ trình, để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Đảng ủy Quốc hội đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định về chính quyền địa phương, dự kiến bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã).
“Sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thì kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức (CBCC) hiện hành để bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) về chính quyền địa phương” – Bộ Nội vụ nêu trong tờ trình.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH
Quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm
Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đã đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý CBCC theo vị trí việc làm. Việc này nhằm giúp tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC trong và sau quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, vị trí việc làm là chức vụ, chức danh, công việc của một CBCC gắn với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị. So với Luật hiện hành, dự thảo đã bỏ nội dung vị trí việc làm phải gắn với cơ cấu và ngạch công chức, và để xác định biên chế. Từ đó, khắc phục sự trùng lặp giữa quản lý theo vị trí việc làm và quản lý theo ngạch công chức; không làm cơ sở để các đơn vị tăng thêm biên chế.
Dự luật cũng bổ sung quy định về phân loại, nội dung vị trí việc làm của CBCC. Cụ thể, vị trí việc làm của công chức gồm lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ, phục vụ, còn với cán bộ là gồm tên gọi vị trí việc làm; tiêu chuẩn chức vụ, chức danh; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.
Căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức bao gồm chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức.
Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức ở địa phương tùy theo vị trí địa lý; tính chất, quy mô, cơ cấu dân số; tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tình hình an ninh - trật tự của địa phương để cụ thể thêm cho phù hợp.“Chính phủ quy định chi tiết về vị trí việc làm” – dự thảo Luật nêu.
Bỏ quy định về ngạch công chức
Dự thảo luật đã bổ sung quy định về hệ thống vị trí việc làm. Theo đó, hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong hệ thống của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã.
Trên cơ sở đó, bỏ quy định về ngạch công chức tại Luật CBCC hiện hành, gồm ngạch công chức và bổ nhiệm vào ngạch công chức; Chuyển ngạch công chức; Nâng ngạch công chức; Tổ chức thi nâng ngạch công chức; Các nội dung liên quan đến ngạch công chức trong Luật CBCC hiện hành.
“Việc đổi mới quản lý CBCC theo vị trí việc làm sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ CBCC chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tư duy quản lý CBCC theo vị trí việc làm, thay cho ngạch, bậc” – Bộ Nội vụ đánh giá.
Cũng theo Bộ Nội vụ, hiện nay, thực hiện Luật CBCC hiện hành, 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm, tuy nhiên còn gắn với cơ cấu ngạch công chức và bảng lương hiện hành.
Vì vậy, trong thời gian chưa thiết kế bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc thực hiện từng bước chuyển đổi sang cơ chế quản lý CBCC theo vị trí việc làm vẫn áp dụng các ngạch lương hiện hành nên không tạo ra sự xáo trộn lớn.
Căn cứ Luật CBCC (sửa đổi), các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thiện lại Đề án vị trí việc làm cho phù hợp để chuyển dần sang cơ chế quản lý mới theo lộ trình.
Không phân biệt công chức cấp xã và trung ương, tỉnh Một nội dung đáng chú ý, dự thảo Luật đã thống nhất quản lý đội ngũ CBCC từ trung ương đến cấp xã, không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ. Cùng đó là bỏ quy định thẩm quyền của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện để phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31-12-2024, số lượng CBCC cấp xã là 212.606 người, trong đó có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên và 7,6% tốt nghiệp cao đẳng trở xuống. “Số lượng CBCC cấp xã không đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm tỉ lệ ít, sẽ được giải quyết theo chính sách bảo đảm lợi ích chính đáng theo quy định của Chính phủ” – theo Bộ Nội vụ. Để giải quyết vấn đề này, dự thảo đã bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm CBCC cấp xã (hiện hành) được giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương. Những cán bộ này cũng được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ; bảo đảm tính liên tục, không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. |
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã và tổ chức chính...