Bộ Nội vụ cam kết giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách
Bộ Nội vụ dự kiến hoàn thành xây dựng tiêu chí, quy chế đánh giá và thực hiện rà soát, sàng lọc công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách.
Tiết kiệm chi thường xuyên, tạo nguồn cải cách tiền lương
Bộ Nội vụ vừa ban hành quyết định về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của bộ. Tại quyết định này, Bộ Nội vụ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, ngân sách; tập trung vào sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy.
Bộ Nội vụ lưu ý, hoàn thành sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy theo đúng mục tiêu, yêu cầu gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình hợp nhất Bộ LĐ,TB&XH với Bộ Nội vụ.
Qua sắp xếp đơn vị hành chính đã giảm 9 cấp huyện, 563 cấp xã. Ảnh minh họa
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng sẽ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, năm 2025, Bộ Nội vụ phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm để dành nguồn giảm bội chi ngân sách nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội hoặc bổ sung tăng chi đầu tư công.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng khẳng định sẽ thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ và tổ chức bên trong của bộ, trong đó dự kiến giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong, không bao gồm tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng dự kiến hoàn thành xây dựng tiêu chí, quy chế đánh giá và thực hiện rà soát, sàng lọc công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách; đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đôn đốc 51 địa phương sắp xếp huyện, xã
Bộ Nội vụ cũng cho biết, sẽ hướng dẫn, đôn đốc 51 địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Đồng thời tiếp tục rà soát, đề xuất phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đối với những đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo Nghị quyết số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động phương án sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030.
Qua rà soát, tổng hợp từ các địa phương, cả nước có 25 đơn vị cấp huyện thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025. Trong đó, có 13 đơn vị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù; 5 đơn vị các địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do các yếu tố chủ quan, khách quan chưa thể thực hiện.
Trong giai đoạn 2023 – 2025, sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị cấp huyện trong cả nước từ 705 đơn vị giảm xuống còn 696 đơn vị (giảm 9 đơn vị).
Với cấp xã, có 664 đơn vị thực hiện và sau sắp xếp cả nước giảm từ 10.598 đơn vị xuống còn 10.035 đơn vị (giảm 563 đơn vị).
Mặc dù đã giảm 9 đơn vị cấp huyện, 563 đơn vị cấp xã nhưng vẫn có nhiều đơn vị cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, bạn đọc VietNamNet cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi sáp nhập các...