Áp dụng quy trình Code Stroke cứu sống người bệnh đột quỵ
Thời gian là yếu tố sống còn trong cấp cứu đột quỵ. Mỗi phút trôi qua, hàng triệu tế bào não có thể mất đi. Tại Việt Nam hiện nay, áp dụng Code Stroke - quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ xây dựng theo khuyến cáo của Hội Đột quỵ Thế giới, trang thiết bị chẩn đoán và điều trị tiên tiến giúp người bệnh và bác sĩ “chạy đua” với thời gian, mang đến cơ hội hồi phục tốt nhất cho người bệnh.
“Giờ vàng” trong điều trị đột quỵ
Chia sẻ tại Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” do Báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn tổ chức ngày 20/4 tại TP. HCM, các chuyên gia nhận định: đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, với hơn 200.000 ca mắc mới mỗi năm. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tỷ lệ người bệnh gặp biến chứng nghiêm trọng có thể giảm đáng kể nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời trong “giờ vàng”.
TS.BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc y khoa, Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ trình bày tham luận “Phòng ngừa, điều trị đột quỵ tại Hoàn Mỹ, hiện tại và tương lai” tại Hội thảo ngày 20/4. Ảnh: Hoàn Mỹ
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ, thần kinh, tim mạch. Tại sự kiện, TS.BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc y khoa, Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ, chia sẻ: “Não người có khoảng 100 tỷ nơron (tế bào thần kinh), nhưng mỗi phút bị tắc mạch, gần 1,9 triệu tế bào thần kinh sẽ bị ảnh hưởng. Nếu được can thiệp trong vòng 4,5 giờ đầu, cơ hội phục hồi gần như nguyên vẹn là hoàn toàn khả thi. Các trường hợp người bệnh được đưa đến bệnh viện kịp thời trong “giờ vàng”, được xử trí nhanh và đúng quy trình có thể hồi phục chức năng thần kinh, giảm thiểu tối đa nguy cơ để lại di chứng.”
Câu chuyện của cụ bà H.T.N (69 tuổi, Trà Vinh) là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của can thiệp sớm. Khi phát hiện cụ có biểu hiện đau đầu dữ dội, chóng mặt, tê yếu và khó vận động nửa người bên phải, người nhà đã đưa cụ đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Nhờ quy trình Code Stroke được kích hoạt kịp thời, cụ bà đã được tiêm thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (thuốc làm tan cục máu đông) ngay tại phòng cấp cứu chỉ sau 30 phút nhập viện. Kết quả, chỉ sau 5 ngày điều trị, cụ N. đã hồi phục gần như hoàn toàn, có thể nói chuyện, đi lại bình thường.
Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” do Báo Tiền Phong phối hợp các đơn vị chuyên môn tổ chức ngày 20/4 tại TP. HCM. Ảnh: Hoàn Mỹ
BS.CKI Đỗ Văn Phẩm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU), Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: “Trên thực tế, nhiều trường hợp đột quỵ được điều trị kịp thời đã có thể trở lại cuộc sống bình thường, tiếp tục công việc và sinh hoạt như trước. Vì vậy, việc nhận diện sớm dấu hiệu cảnh báo đột quỵ như đột ngột nhận thấy một bên mặt bị rũ xuống, cười méo miệng; tê hoặc yếu cánh tay hoặc chân (thường xảy ra một bên của cơ thể); nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được; lú lẫn, mất nhận thức, mất thị lực, đặc biệt ở một bên mắt, … và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có năng lực xử trí đột quỵ là yếu tố then chốt để bảo vệ chất lượng sống lâu dài.”
Nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ nhờ Code Stroke và trang thiết bị hiện đại
Từ năm 2017, Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ xây dựng và áp dụng quy trình Code Stroke theo khuyến cáo của Hội Đột quỵ Thế giới (World Stroke Organization, viết tắt WSO). Code Stroke là hệ thống phản ứng nhanh được thiết kế để rút ngắn thời gian từ khi bệnh nhân nhập viện đến khi được điều trị. Quy trình này bao gồm các bước: nhận diện dấu hiệu, chụp CT sọ não, hội chẩn liên chuyên khoa, tiêm thuốc tiêu sợi huyết (nếu phù hợp) và can thiệp lấy huyết khối (nếu cần thiết). Nếu quy trình Code Stroke được áp dụng kịp thời và hiệu quả, thời gian từ khi bệnh nhân nhập viện đến khi được điều trị thường gói gọn trong khoảng 30-45 phút.
“Quy trình Code Stroke đạt tiêu chuẩn chất lượng vàng của Hội Đột quỵ Thế giới kết hợp với công nghệ và trang thiết bị hiện đại sẽ giúp tối ưu thời gian điều trị cho bệnh nhân đột quỵ”, TS.BS Nguyễn Tuấn cho biết.
Hiện nay, tại 13 bệnh viện thuộc Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ có trang bị đồng thời máy MRI và CT scanner, hỗ trợ chẩn đoán chính xác và nhanh chóng, từ đó tối ưu hóa “giờ vàng” cho bệnh nhân. Các trang thiết bị tiêu biểu gồm máy MSCT đa lát cắt, hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla, hệ thống can thiệp mạch DSA 2 bình diện.
Hệ thống DSA (Digital Subtraction Angiography Biplanes) tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Ảnh: Hoàn Mỹ
Tại Hội thảo ngày 20/04, TS.BS Nguyễn Tuấn cũng cho biết, Hoàn Mỹ định hướng phát triển bền vững và toàn diện theo chuẩn Trung tâm Đột quỵ quốc tế, bao gồm đầu tư trang thiết bị chuyên sâu, xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử Code Stroke tích hợp phần mềm báo động, mở rộng hợp tác nghiên cứu đa trung tâm và chuẩn hóa lộ trình đào tạo. Thời gian tới, bên cạnh Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Hoàn Mỹ Cửu Long, Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ dự kiến triển khai thêm Code Stroke tại 5 bệnh viện nữa trực thuộc hệ thống Hoàn Mỹ, góp phần chẩn đoán và điều trị kịp thời cho người bệnh đột quỵ cấp trên cả nước, giảm thiểu gánh nặng đột quỵ cho từng người bệnh, gia đình và xã hội.