Xung đột quân sự Nga - Ukraine: Đoạn kết đã rất gần
Điều phải đến cuối cùng cũng sẽ đến. Trên cột mốc đánh dấu 3 năm bùng phát cuộc xung đột quân sự dữ dội nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến 2, sau rất nhiều nỗ lực thất bại nhằm vãn hồi hòa bình từ cộng đồng quốc tế, đột nhiên, tiến trình "dập lửa" được khởi động với tốc độ chóng mặt. Không thể phủ nhận, tác nhân quan trọng nhất tạo nên sự thay đổi đó chính là sự thay đổi chủ nhân Phòng Bầu dục tại Washington diễn ra cuối tháng 1/2025.
1. "Chúng tôi sẵn sàng quay lại bàn đàm phán. Nga chưa từng từ bỏ quá trình đàm phán với Ukraine, chưa bao giờ!" - Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu, ngay sau khi nhận được báo cáo về kết quả cuộc hội đàm giữa hai phái đoàn cấp cao Nga - Mỹ tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ngày 18/2. "Tôi đã nói điều này 100 lần: Nếu họ (Ukraine) sẵn sàng, họ được tự do tham gia các cuộc đàm phán", người đứng đầu Liên bang Nga làm rõ.
Bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ là bước tiên quyết để chấm dứt chiến tranh.
Dĩ nhiên, điều này có vẻ hơi mâu thuẫn với hiện thực. Trên lý thuyết, nói như Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov, cuộc gặp ở Riyadh không đặt trọng tâm chương trình nghị sự vào vấn đề Ukraine, mà là thiết lập các cơ sở bình thường hóa quan hệ giữa hai cường quốc. Song, đối với giới quan sát quốc tế nói chung, đây chính là nền tảng cho việc xúc tiến chấm dứt chiến tranh, như những gì tân Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đề cập trong cương lĩnh tranh cử vào năm ngoái. Có điều, ở cuộc gặp này, chẳng những đại diện Ukraine không được mời tham dự mà đến cả Liên minh châu Âu (EU) cũng phải đứng ngoài.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã sớm tuyên bố rằng, ông sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào "sau lưng Kiev", trong khi các nhà lãnh đạo chủ chốt của EU thì mới đây vẫn khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine.
Vấn đề là, theo lập trường của Nga: Trước đây, ông Zelensky đã ra sắc lệnh cấm mọi hoạt động đàm phán với Nga từ phía Ukraine. Điều đó có nghĩa là: Nếu muốn tham gia đàm phán, Ukraine phải hủy bỏ sắc lệnh ấy, bằng một công cụ pháp luật đủ thẩm quyền. Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky, trên lý thuyết, đã chấm dứt vào cuối ngày 20/5/2024, mà theo Hiến pháp Ukraine thì không có cơ chế kéo dài nhiệm kỳ này, kể cả trong tình trạng chiến tranh. Do đó, với Điện Kremlin, ông Zelensky không còn là tổng thống hợp hiến của Ukraine, không thể đại diện Ukraine tham gia đàm phán và nước Nga cũng sẽ không ký bất kỳ văn bản nào với Ukraine, nếu cơ sở pháp lý không được bảo đảm.
Điều quan trọng hơn: Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tán đồng quan điểm ấy. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: Việc giải quyết xung đột Ukraine sẽ là điều không thể thực hiện nếu không có sự bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Washington.
2. Có 4 nguyên tắc chính được Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio công bố, sau khi cuộc gặp gỡ cấp cao Nga - Mỹ tại Riyadh ngày 18/2 khép lại, bao gồm:
Thứ nhất, khôi phục cấp làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Washington và Đại sứ quán Mỹ ở Moscow. Ngoại trưởng Rubio nhấn mạnh, mục tiêu của việc này là tạo ra các kênh ngoại giao có thể hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai về Ukraine, cũng như tiềm năng hợp tác song phương rộng lớn hơn.
Thứ hai, "bổ nhiệm một đội ngũ cấp cao để đàm phán và tìm ra giải pháp bền vững, có thể chấp nhận được với tất cả các bên liên quan (đến xung đột Nga - Ukraine)".
Thứ ba, khởi động thảo luận về hợp tác địa chính trị và kinh tế sau chiến tranh.
Thứ tư, các thành viên tham gia đàm phán tại Saudi Arabia sẽ tiếp tục tham gia quá trình này để đảm bảo sự phát triển hiệu quả của nó.
Trước đó, trong cuộc họp, theo RT dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, các phái đoàn Nga và Mỹ không chỉ lắng nghe nhau, mà phía Mỹ cũng đã bắt đầu hiểu rõ hơn lập trường của Nga, điều mà Nga đã nhiều lần nhấn mạnh trong những năm qua (nhưng bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden phớt lờ). Theo đó, ông nhắc lại: Việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là mối đe dọa trực tiếp đối với Nga, cũng như chuyện triển khai binh sĩ từ các quốc gia thành viên NATO tới Ukraine, dù dưới lá cờ Liên minh châu Âu hay cờ quốc gia, cũng sẽ không thể chấp nhận được đối với Nga. Và, đây là điều rất đáng chú ý, được Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: Phía Nga bày tỏ trân trọng đối với ông Trump - nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thừa nhận rằng tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xung đột.
Từ xuất phát điểm cơ sở này, cho dù Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov lưu ý rằng còn quá sớm để nói liệu lập trường của hai nước có xích lại gần nhau hay không, thì ông vẫn đúc kết: Nga và Mỹ đã thống nhất tôn trọng lợi ích của nhau, trong khi vẫn thúc đẩy quan hệ song phương (mà nói một cách dễ hiểu là bình thường hóa quan hệ - mối quan hệ ngoại giao vốn đã xuống đến mức "thấp nhất trong lịch sử" giữa hai cường quốc, trước khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ 47).
Tuy vậy, nếu người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov "tế nhị" lên tiếng: "Tất nhiên, quyết định về khả năng tổ chức bầu cử không thể được đưa ra ở Moscow hoặc Washington. Chúng tôi đã trao đổi quan điểm về vấn đề này, nhưng không thể tiến xa hơn nữa", thì bên kia Đại Tây Dương, như truyền thông chính thống phương Tây rầm rộ đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngại ngần công kích ông Zelensky.
Ukraine bị tàn phá nặng nề sau 3 năm xung đột.
"Nếu Ukraine muốn có một ghế tại bàn đàm phán, liệu người dân Ukraine có thấy: Đã lâu rồi họ không có cuộc bầu cử nào không?", Sky News, CNN và nhiều hãng thông tấn khác dẫn nguyên văn lời ông Trump. "Tôi ghét phải nói điều này, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông ấy (Zelensky) đã giảm xuống còn 4%", ông Donald Trump bồi thêm. Và, những ý tứ này, nếu đặt cạnh các câu chuyện về lợi ích, nhất là lợi ích của chính nước Mỹ, thì có lẽ cũng đã đủ để trở thành động lực mở toang những cánh cửa.
3. Đêm 17/2, nghĩa là ngay trước khi hai phái đoàn Nga - Mỹ gặp nhau tại Saudi Arabia, theo RT, phía Nga cáo buộc: Ít nhất 7 máy bay không người lái chứa chất nổ và mảnh đạn đã tấn công trạm Kropotkinskaya trên đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC) tại khu vực Krasnodar của Nga, gây ra "thiệt hại nghiêm trọng". Rất đáng chú ý, RT tiết lộ: Các ông lớn ngành dầu khí Mỹ, như Chevron và Exxon Mobil, kiểm soát khoảng 40% nguồn cung dầu được vận chuyển qua dự án đường ống này.
"Theo các chuyên gia của CPC, hậu quả của cuộc tấn công dự kiến sẽ được khắc phục trong vòng 1,5 - 2 tháng, điều này có thể dẫn đến giảm khoảng 30% lượng dầu bơm từ Kazakhstan", nhà điều hành Transneft cho biết.
Ở chiều ngược lại, Bộ Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố: "Lực lượng phòng thủ Ukraine có quyền tấn công các cơ sở chiến lược hỗ trợ cuộc chiến của Nga. Các hoạt động nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng tiếp tay cho cuộc chiến sẽ tiếp tục".
Và, tại một diễn biến song song, như Reuters và chính tờ The Kiev Independent đưa tin: Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi hỏi 50% quyền sở hữu các mỏ khoáng sản quan trọng mà Ukraine còn kiểm soát được, nhằm thanh toán các khoản mà Kiev phải trả cho những gì Washington đã viện trợ suốt 3 năm qua, từ tiền thuế của công dân Mỹ. Song, Tổng thống Zelensky đã từ chối.
Đến đây, có lẽ chúng ta cũng nên nhìn lại những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hồi đầu tháng 2, trong một cuộc trả lời phỏng vấn: "Cách thế giới vẫn luôn vận hành là người Trung Quốc sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Trung Quốc, người Nga sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Nga, người Chile sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Chile và người Mỹ cần phải làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Mỹ. Nơi nào lợi ích của chúng ta phù hợp, đó là nơi ta có quan hệ đối tác và liên minh; nơi nào sự khác biệt của chúng ta không phù hợp, việc ngoại giao cần phải làm là ngăn chặn xung đột, trong khi vẫn thúc đẩy lợi ích quốc gia của chúng ta, đồng thời hiểu rằng nước khác sẽ thúc đẩy lợi ích của họ. Và, điều đó đã bị lãng quên...".
Rõ ràng, thực tế và lạnh lùng đến tàn nhẫn, những lời này hoàn toàn phù hợp với quan điểm thực dụng cố hữu của ông Donald Trump, để trở thành một tín hiệu sắc nhọn về kết cục của cuộc xung đột. Suốt chiến dịch tranh cử năm ngoái đến tận bây giờ, ông Trump luôn khẳng định rằng, việc để bùng nổ cuộc xung đột này là một sai lầm, cũng như chuyện tiêu tốn ngân sách để viện trợ cho Ukraine là phí phạm. Cho nên, ông nhấn mạnh: "Số tiền đó, tôi muốn lấy lại!".
Nếu nước Mỹ đóng sập két sắt lại, liệu EU có đủ năng lực thách thức quân đội Nga, để tiếp tục giúp Ukraine tiếp tục cuộc chiến? Câu hỏi này, thực tại cũng đang dần được trả lời.
Phía Nga nhấn mạnh rằng thoả thuận ngừng bắn trong xung đột Ukraine mà không có giải pháp lâu dài sẽ chỉ dẫn đến “một...