Chia sẻ

Ukraine sẽ sớm dỡ bỏ thiết quân luật?

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trước lời kêu gọi từ phía Mỹ về việc tổ chức bầu cử, liệu đã đến lúc Ukraine cần dỡ bỏ thiết quân luật để bắt đầu bầu cử?

Trong gần ba năm qua, toàn bộ Ukraine đã sống dưới tình trạng thiết quân luật. Việc áp dụng thiết quân luật đã tạm thời đình chỉ một số quyền và tự do dân sự, đồng thời trao cho chính phủ những quyền hạn khẩn cấp bổ sung để ứng phó cuộc chiến với Nga.

Nếu các cuộc đàm phán hòa bình hiện tại dẫn đến một lệnh ngừng bắn, Ukraine sẽ sớm đối mặt với câu hỏi về cách thức và thời điểm dỡ bỏ các hạn chế thiết quân luật.

Gần đây, Mỹ đề xuất Ukraine tổ chức bầu cử vào cuối năm nay, đặc biệt nếu Kiev đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Nga trong vài tháng tới. Hiến pháp Ukraine cấm tổ chức bầu cử trong thời gian thiết quân luật, nên để bầu cử diễn ra, thiết quân luật phải được dỡ bỏ.

Theo tờ Kyiv Independent, quá trình này đòi hỏi một sự cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu dỡ bỏ ngay lập tức, việc này có thể dẫn đến sự rút lui của tiền bạc và nhân lực và có thể làm suy yếu khả năng của Ukraine trong việc chống lại các cuộc tấn công tiếp theo nếu thỏa thuận hòa bình bị sụp đổ.

Một buổi huấn luyện do Lữ đoàn tấn công độc lập số 3 tổ chức tại thủ đô Kiev (Ukraine). Ảnh: GETTY IMAGES

Một buổi huấn luyện do Lữ đoàn tấn công độc lập số 3 tổ chức tại thủ đô Kiev (Ukraine). Ảnh: GETTY IMAGES

Thiết quân luật là gì và có ý nghĩa gì?

Thiết quân luật là một tình trạng pháp lý đặc biệt, áp dụng quy tắc quân sự, thường được ban hành trong bối cảnh chiến tranh hoặc các tình huống khẩn cấp nghiêm trọng khác. Các quy định cụ thể tùy thuộc vào từng quốc gia.

Tại Ukraine, quyền lợi và hạn chế của người dân dưới thiết quân luật được xác định trong Hiến pháp Ukraine và một loạt luật do quốc hội ban hành.

Ba khía cạnh quan trọng của thiết quân luật bao gồm: đình chỉ hoàn toàn tất cả các cuộc bầu cử, hạn chế nam giới trong độ tuổi quân dịch xuất cảnh với một số ngoại lệ nhất định, và áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.

Luật Thiết quân luật quy định rõ ràng việc cấm tổ chức bầu cử tổng thống, bầu cử quốc hội và bầu cử địa phương.

Nếu không có chiến tranh, Ukraine lẽ ra đã tổ chức bầu cử quốc hội vào năm 2023 và nhiệm kỳ của Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ kết thúc vào tháng 5-2024. Tuy nhiên, các nhiệm kỳ này vẫn tiếp tục duy trì.

Việc tổ chức bầu cử trong thời chiến đòi hỏi phải đảm bảo an toàn cho các điểm bỏ phiếu và đảm bảo sự tham gia của binh sĩ ở tiền tuyến, người tị nạn ở nước ngoài, dân thường phải di dời trong nước, cũng như công dân Ukraine sống trong hoặc gần khu vực chiến sự. Do những thách thức này, Ukraine và các đồng minh phương Tây đồng thuận rằng tổ chức một cuộc bầu cử trong chiến tranh là không khả thi. Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova gần đây cũng đã nhắc lại quan điểm này khi phản hồi những bình luận từ giới chức Mỹ kêu gọi Ukraine tổ chức bầu cử trước cuối năm.

Ukraine cũng cấm hầu hết nam giới từ 18 đến 60 tuổi xuất cảnh, trừ khi có giấy phép đặc biệt trong một số trường hợp như cấp cứu y tế, công tác kinh doanh, sự kiện thể thao quốc tế hoặc vận chuyển hàng hóa nhân đạo qua biên giới.

Lệnh giới nghiêm ban đêm được áp dụng, yêu cầu tất cả mọi người phải ở trong nhà và không ra đường trừ khi có giấy phép đặc biệt. Tại thủ đô Kiev và nhiều TP lớn, lệnh giới nghiêm kéo dài từ nửa đêm đến 5 giờ sáng. Lệnh giới nghiêm có sự khác biệt giữa các khu vực và thường kéo dài hơn ở gần vùng chiến sự.

Ngoại trừ các chuyến tàu đêm, phương tiện giao thông công cộng bị đình chỉ trong thời gian giới nghiêm. Vì công nhân và khách hàng cần về nhà trước khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực, các cơ sở kinh doanh thường đóng cửa sớm hơn nhiều trước giờ giới nghiêm.

Những điều trên chỉ là một phần của thiết quân luật, các quy định còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác trong đời sống người dân Ukraine.

Chẳng hạn, ngày nghỉ lễ công được chuyển thành ngày làm việc, việc chuyển tiền ra nước ngoài bị hạn chế, và tài sản có thể bị trưng dụng cho nhu cầu nhà nước với điều kiện được bồi thường.

Ủy ban châu Âu đánh giá rằng nhìn chung, thiết quân luật của Ukraine là phù hợp với tình hình an ninh hiện tại.

Quang cảnh tỉnh Kharkiv (Ukraine) vào ban đêm trong giờ giới nghiêm. Ảnh: GETTY IMAGES

Quang cảnh tỉnh Kharkiv (Ukraine) vào ban đêm trong giờ giới nghiêm. Ảnh: GETTY IMAGES

Ukraine ban bố thiết quân luật khi nào?

Thiết quân luật của Ukraine đã được áp dụng liên tục kể từ ngày 24-2-2022, ngày đầu tiên Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tối cùng ngày, Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh do quốc hội phê chuẩn để ban bố thiết quân luật trong 30 ngày nhằm “đảm bảo quốc phòng, an toàn công cộng và lợi ích quốc gia của Ukraine.”

Kể từ đó, hơn một chục sắc lệnh gia hạn thiết quân luật đã được ký ban hành, ban đầu với thời hạn 30 ngày, nhưng hiện nay mỗi lần gia hạn kéo dài 90 ngày.

Đây là giai đoạn thiết quân luật dài nhất và trên phạm vi rộng nhất trong lịch sử hiện đại của Ukraine.

Các dự luật gia hạn thiết quân luật nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhiều đảng phái chính trị và dễ dàng được thông qua. Lần gia hạn gần nhất được ký vào đầu tháng này và có hiệu lực đến ngày 9-5.

Dù đây là giai đoạn thiết quân luật dài nhất và trên phạm vi rộng nhất trong lịch sử hiện đại của Ukraine, nhưng không phải là lần đầu tiên quốc gia này áp dụng thiết quân luật.

Năm 2018, Tổng thống Ukraine khi đó là ông Petro Poroshenko từng ban bố thiết quân luật tạm thời sau sự kiện tàu Nga nổ súng vào ba tàu hải quân Ukraine đang đi qua eo biển Kerch (nối liền biển Đen với biển Azov) với lý do phía Ukraine tìm cách vượt qua eo biển.

Trong trường hợp đó, thiết quân luật chỉ được áp dụng ở một số khu vực giới hạn ở miền đông Ukraine và không được gia hạn sau khi hết thời hạn 30 ngày.

Khi nào và bằng cách nào thiết quân luật tại Ukraine sẽ kết thúc?

Một thoả thuận ngừng bắn đơn thuần khó có thể thuyết phục giới chức Ukraine chấm dứt thiết quân luật và cũng không tự động kích hoạt việc dỡ bỏ quy định này.

Quốc hội Ukraine sẽ cần quyết định liệu tình hình đã đủ an toàn để dỡ bỏ thiết quân luật hay không, sau đó chọn không gia hạn khi hết hiệu lực hoặc bỏ phiếu để chính thức bãi bỏ.

Thời điểm và cách thức kết thúc thiết quân luật sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra, bao gồm cả mức độ tin tưởng của Ukraine vào việc liệu Nga có khả năng tấn công trở lại hay không.

Khi các hạn chế được dỡ bỏ, có khả năng sẽ xảy ra một làn sóng di cư và dòng tiền lớn ra nước ngoài sau thời gian dài bị hạn chế. Theo một cuộc khảo sát do Quỹ Sáng kiến Dân chủ Ilko Kucheriv và Trung tâm Razumkov công bố tháng trước, khoảng 1/5 người Ukraine nói rằng họ muốn rời khỏi đất nước nếu các hạn chế đi lại được dỡ bỏ.

Tỉ lệ này cao hơn ở nam giới và giới trẻ, với 1/4 nam giới và 1/3 người Ukraine trong độ tuổi từ 18 đến 29 cho biết họ muốn ra nước ngoài.

Sự di cư quy mô lớn như vậy có thể làm suy yếu đáng kể khả năng sẵn sàng chiến đấu của Ukraine nếu thỏa thuận ngừng bắn bị vi phạm và xung đột tái bùng phát.

Ngoài ra, việc dỡ bỏ hoàn toàn một cách đột ngột cũng có thể gây bất ổn cho đất nước theo những cách khác, chẳng hạn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay.

Một phương án khả thi là Ukraine sẽ dần nới lỏng các hạn chế theo thời gian sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn và có đảm bảo an ninh.

Mức độ tin tưởng của người dân Ukraine đối với Tổng thống Ukraine Zelensky tăng mạnh, nhưng nhiều người cũng mong muốn...

Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Xung đột Nga - Ukraine

Xem Thêm