Ukraine công bố UAV tầm bay 3.000 km: Mối đe dọa mới với phòng không Nga?
Ukraine vừa công bố UAV tầm bay 3.000 km sử dụng cho các cuộc tấn công tầm xa, liệu đây có phải là thách thức mới đối với hệ thống phòng không Nga?
Tuần trước, Ukraine công bố bước tiến mới nhất trong cuộc đua máy bay không người lái (UAV) với Nga, tuyên bố rằng biến thể mới có tầm bay xa nhất trong kho vũ khí của Kiev và đã hoàn tất thử nghiệm.
“UAV của chúng tôi với tầm bay 3.000 km đã vượt qua thử nghiệm” - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu đêm 17-3.
“Tôi cảm ơn các nhà phát triển và sản xuất. Chúng tôi đang phát triển một dòng vũ khí tầm xa để đảm bảo an ninh cho đất nước” - ông Zelensky nói thêm.
Và đó là tất cả thông tin được công bố. Không có thêm chi tiết nào về loại UAV này, tên gọi, kích thước đầu đạn hay thời điểm đưa vào sản xuất hàng loạt.
UAV mới
Nhà nghiên cứu Federico Borsari thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) nói với tờ Kyiv Independent rằng nhiều khả năng UAV mới có thiết kế cánh cố định và sử dụng động cơ phản lực.
“Tương tự như một tên lửa hành trình giá rẻ” - chuyên gia Borsari nhận định về UAV tầm bay 3.000 km mới của Ukraine.
Nếu ông Borsari đúng, đây sẽ là phiên bản có tầm xa hơn của UAV Palianytsia mà Ukraine công bố năm ngoái, được cho là có tầm bay từ 500 đến 700 km. Với tầm bay 3.000 km, UAV này có thể vươn tới nhiều mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
“Điều đó sẽ gây ra không ít vấn đề cho Nga” - ông Borsari nói thêm.
UAV tên lửa Palianytsia của Ukraine. Ảnh: X
Các mục tiêu tiềm năng
Ông Fabian Hoffmann - chuyên gia quốc phòng và nghiên cứu sinh TS tại ĐH Oslo (Na Uy) - nói với Kyiv Independent rằng tầm bay xa hơn sẽ giúp Ukraine mở rộng đáng kể các chiến dịch UAV hiện tại, và ông dự đoán loại mục tiêu của UAV sẽ không thay đổi nhiều.
“Các cơ sở hạ tầng quan trọng hơn, nhà máy lọc dầu, cơ sở chế biến dầu” - ông Hoffmann nói. Hiện Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau.
“Một mục tiêu khác ngay lập tức xuất hiện trong suy nghĩ tôi là các cơ sở sản xuất nhiều loại thiết bị ở Nga, vốn có thể nằm ngoài tầm tấn công của các hệ thống UAV trước đây” - vị chuyên gia bổ sung.
Cho đến nay, căn cứ không quân Olenya ở tỉnh Murmansk của Nga là địa điểm xa nhất từng bị UAV Ukraine tấn công. Căn cứ này nằm cách biên giới Ukraine khoảng 1.800 km về phía bắc.
Hiện chưa rõ loại UAV nào được sử dụng trong vụ tấn công này, nhưng mức độ thiệt hại không đáng kể. Việc Ukraine đến nay chưa từng lặp lại đợt tấn công nào như vậy cho thấy UAV trong vụ tấn công này có thể là một UAV chỉ mang theo đầu đạn nhỏ và đã hoạt động gần như ở giới hạn tối đa của nó.
Tuy nhiên, căn cứ không quân Olenya hoàn toàn nằm trong tầm bay của UAV mới của Ukraine, cũng như căn cứ không quân hải quân Severomorsk-1 ở phía bắc – nơi đóng quân của Phi đội UAV Độc lập số 216 và Trung đoàn Trực thăng chống ngầm tàu chiến độc lập số 830 của Nga.
Ukraine cũng có thể nhắm vào các nhà máy sản xuất vũ khí của Nga. Theo Kyiv Independent, Nhà máy Cơ khí JSC Serov ở tỉnh Sverdlovsk (Nga) - chuyên sản xuất vỏ đạn pháo cỡ 152 mm và thiết bị khoan, khai thác dầu cho nhiều công ty dầu mỏ lớn của Nga - sẽ nằm trong tầm bắn của loại UAV mới.
Bản đồ các mục tiêu tiềm năng UAV tầm bay 3.000 km của Ukraine. Nguồn: THE KYIV INDEPENDENT
Mức độ sát thương
“Câu hỏi quan trọng nhất là kích thước đầu đạn của toàn bộ hệ thống UAV này là bao nhiêu? Vì cuối cùng, điều đó sẽ quyết định mức độ thiệt hại mà nó có thể gây ra” - theo ông Hoffman.
Đầu đạn càng lớn, thì UAV càng nặng và tầm bay càng bị hạn chế, do đó Ukraine có thể đã phải đánh đổi để đạt được tầm bay 3.000 km.
Tuy nhiên, chuyên gia Hoffman cho rằng ngay cả với đầu đạn nhỏ khoảng 20 kg, UAV này vẫn có thể hiệu quả khi tấn công các mục tiêu không được bảo vệ, chẳng hạn nhà máy lọc dầu – nơi nhiều máy móc quan trọng và vật liệu dễ cháy được đặt lộ thiên thay vì dưới lòng đất hoặc trong các công trình kiên cố.
“Cơ sở hạ tầng dầu khí rất dễ tổn thương ngay cả với đầu đạn nhỏ. Nhưng nếu muốn có thêm tính linh hoạt trong việc lựa chọn mục tiêu, tôi nghĩ ít nhất đầu đạn nên nặng khoảng 100 kg. Tuy nhiên, tôi không quá lạc quan về điều đó” - ông Hoffman nói.
UAV Ukraine trước hệ thống phòng không Nga
“Nga sở hữu một trong những mạng lưới phòng không toàn diện nhất thế giới, nhưng ngay cả hệ thống này cũng đang gặp nhiều thách thức trong việc đối phó với UAV Ukraine” - theo ông Mattias Eken, chuyên gia quốc phòng và an ninh tại tổ chức nghiên cứu RAND Europe.
“Lãnh thổ Nga quá rộng lớn, trong khi các cơ sở quân sự và năng lượng lại phân tán, khiến họ khó có thể bảo vệ toàn diện chỉ bằng các hệ thống phòng không hiện có” - chuyên gia này lưu ý.
Việc Ukraine nhiều lần tấn công các mục tiêu quan trọng đối với ngành dầu mỏ và hệ thống phòng không của Nga cho thấy sự dàn trải quá mức này.
“Với lãnh thổ rộng lớn, Nga sẽ phải ưu tiên khu vực và mục tiêu nào cần bảo vệ, điều này có thể tạo ra những điểm yếu trong hệ thống cơ sở hạ tầng” - ông Eken nhận định.
Cơ sở dầu mỏ của Nga cách không xa bán đảo Crimea cháy lớn sau khi giới chức phát cảnh báo về một cuộc không kích UAV do...