Trung Quốc ‘quyến rũ’ châu Âu giữa những bất an vì Mỹ
Sau khi Mỹ đưa ra những thông điệp làm rung chuyển mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu rằng mối quan hệ "lành mạnh và ổn định" giữa Trung Quốc – Liên minh châu Âu (EU) đang đóng vai trò cần thiết hơn bao giờ hết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn. (Ảnh: Reuters)
Quan hệ giữa Mỹ và EU đang trải qua những xáo trộn lớn, trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine mà không có sự tham gia của châu Âu.
Tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance còn chỉ trích châu Âu về việc kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận và không kiểm soát được vấn đề nhập cư.
Ngược lại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói trong bài phát biểu của ông tại Hội nghị An ninh Munich, rằng tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Nga - Ukraine cần tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào, bao gồm cả EU.
"Trung Quốc cùng với châu Âu... sẽ thổi luồng sinh khí mới vào quan hệ Trung Quốc - EU để mang lại sự chắc chắn và ổn định hơn trong một thế giới đầy biến động", ông Quách Gia Khôn (Guo Jiakun), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu ngày 17/2, để trả lời câu hỏi về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu.
"Trung Quốc sẽ đóng vai trò là một nhân tố ổn định trong hệ thống đa cực và giữ vai trò xây dựng trong thế giới đang thay đổi", ông Quách nói thêm.
Bài phát biểu của ông Vương Nghị tại Hội nghị An ninh Munich thể hiện sự thay đổi trong quan điểm của Trung Quốc đối với EU. Năm 2024, hai bên nhiều lần chỉ trích nhau về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, trợ cấp phi lý và bán phá giá tại thị trường của nhau.
Tuy nhiên, mối quan hệ gần gũi của Trung Quốc với Nga có thể sẽ khiến Bắc Kinh khó cải thiện đáng kể quan hệ với châu Âu.
Trong cuộc gặp ông Vương Nghị tại Munich cuối tuần qua, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Kaja Kallas nói rằng việc Trung Quốc xuất khẩu những mặt hàng lưỡng dụng đã “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc xung đột ở Ukraine. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này.
Các chuyên gia cho rằng tình hình hiện nay đang gây khó cho châu Âu.
"Châu Âu không còn nơi nào khác để chuyển hướng, vì châu Âu không có mặt ở bàn đàm phán", Alicia Garcia Herrero, thành viên cấp cao tại Bruegel, một tổ chức nghiên cứu có ảnh hưởng về các vấn đề EU, cho biết.
"Sắc thái của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula Von der Leyen đã dịu đi. Tôi nghĩ vấn đề này liên quan nhiều hơn đến Ukraine, khi các vụ kiện thương mại vẫn đang diễn ra… nhưng Trung Quốc không trả đũa", bà Herrero nhận định.
Trung Quốc cảnh báo sẽ không bên nào được lợi nếu xảy ra cuộc chiến thuế quan, trong khi Đức và Pháp họp bàn cách đối...