Tranh cãi quanh việc Ukraine bắt loạt chỉ huy quân sự cấp cao

Thứ Bảy, ngày 22/02/2025 20:00 PM (GMT+7)
>> Sự kiện: Xung đột Nga - Ukraine
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Việc Ukraine bắt bốn chỉ huy quân sự cấp cao trong bối cảnh chiến sự và hòa đàm Nga-Ukraine đang diễn tiến khó lường đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.

Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

Tháng trước, 4 chỉ huy quân sự cấp cao của Ukraine đã bị bắt với cáo buộc quản lý yếu kém trong các chiến dịch trên chiến trường. Đây là những cuộc điều tra hình sự đầu tiên nhắm vào giới lãnh đạo quân đội cấp cao kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022, theo tờ Kyiv Independent.

Trong đó, 3 sĩ quan cấp cao của Ukraine bị cáo buộc không bảo vệ được tỉnh Kharkiv trước đợt tấn công của Nga vào tháng 5-2024.

Trong một vụ án riêng biệt, Đại tá Dmytro Riumshyn bị cáo buộc không báo cáo và ngăn chặn tình trạng đào ngũ trong Lữ đoàn 155 do ông chỉ huy. Hậu quả là 56 binh sĩ đã đào ngũ khi đang huấn luyện tại Pháp, và hàng trăm người khác bỏ trốn ngay tại Ukraine.

Dù một số người Ukraine hoan nghênh thông tin này, một số chuyên gia và chỉ huy quân đội lại coi đây là động thái cứng rắn nhằm kiềm chế sự phản đối tiềm tàng của quân đội đối với các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời làm suy giảm uy tín của giới lãnh đạo quân sự trước thềm một cuộc bầu cử có thể diễn ra nếu chiến sự kết thúc trong năm nay.

“Những cuộc điều tra này cho thấy chính phủ lo ngại quân đội có thể trở thành một lực lượng chính trị” - nhà khoa học chính trị Ukraine Yevhen Mahda nói với tờ Kyiv Independent.

Lữ đoàn cơ giới độc lập số 155 của Ukraine tham chiến tại tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) vào ngày 6-1. Ảnh: AFP

Lữ đoàn cơ giới độc lập số 155 của Ukraine tham chiến tại tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) vào ngày 6-1. Ảnh: AFP

Cuộc điều tra về phòng thủ tỉnh Kharkiv

Ngày 10-5-2024, lực lượng Nga vượt biên giới, tiến vào tỉnh Kharkiv (đông bắc Ukraine) và nhanh chóng kiểm soát một số ngôi làng biên giới. Cuộc tấn công diễn ra 40 ngày sau khi Chuẩn tướng Yurii Halushkin được bổ nhiệm làm chỉ huy Nhóm tác chiến - chiến thuật Kharkiv - đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực này.

Sang ngày thứ hai của cuộc tấn công, ông Halushkin bị thay thế bằng Thiếu tướng Mykhailo Drapatyi. Với viện binh được điều đến, quân Ukraine đã chặn đứng đà tiến của Nga. Tuy nhiên, một số khu vực biên giới vẫn bị mất cho đến nay, và giao tranh vẫn tiếp diễn trong phạm vi 8 km bên trong lãnh thổ Ukraine.

Thành công ban đầu của đợt tấn công của Nga khiến dư luận phẫn nộ đối với lãnh đạo khu vực và quân đội Ukraine vì công tác phòng thủ yếu kém, dẫn đến tổn thất quân sự và hàng nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa. Những vùng lãnh thổ vừa bị Nga chiếm giữ này từng được Ukraine giành được trong cuộc phản công năm 2022.

Cục Điều tra Nhà nước Ukraine (SBI) đã mở cuộc điều tra về vụ phòng tuyến biên giới bị chọc thủng hồi tháng 5 năm ngoái. Ngày 20-1, SBI bắt ông Halushkin cùng 2 sĩ quan khác từng chỉ huy quân đội tại tỉnh Kharkiv trong giai đoạn bị tấn công.

“Do thái độ tắc trách trong công tác chỉ huy, các sĩ quan này đã để quân Nga kiểm soát một phần lãnh thổ tỉnh Kharkiv. Hành động của họ cũng dẫn đến tổn thất nhân lực, vũ khí và phá vỡ hệ thống phòng thủ tại khu vực biên giới trong phạm vi trách nhiệm của họ” - theo SBI.

Ông Halushkin bị cáo buộc đã giao nhiệm vụ phòng thủ không phù hợp cho Lữ đoàn Phòng vệ lãnh thổ 125 do Trung tướng Artur Horbenko chỉ huy, đồng thời không cung cấp đủ lực lượng pháo binh và không quân hỗ trợ.

Theo SBI, sự chỉ huy yếu kém này khiến một số đơn vị thuộc Lữ đoàn 125 phải rút lui khỏi vị trí chiến đấu, tạo điều kiện để quân Nga tiến lên.

Ông Horbenko cũng bị cáo buộc không chuẩn bị kỹ lưỡng các vị trí phòng thủ, không trang bị đầy đủ cho binh sĩ, tổ chức hỏa lực hỗ trợ và đảm bảo thông tin liên lạc trong giao tranh. “Ông Horbenko không nắm được tình hình thực tế trên chiến trường” - SBI lưu ý.

Đại tá Illia Lapin - chỉ huy Tiểu đoàn súng trường 415 thuộc Lữ đoàn 23 được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực - bị cáo buộc quản lý chiến đấu kém, chuẩn bị phòng thủ không đầy đủ và để 12 binh sĩ đào ngũ.

SBI cho biết đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng và Bộ Chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine trong việc bắt các nghi phạm.

Tuy nhiên, luật sư của ông Halushkin nói với Kyiv Independent rằng đơn vị điều tra của quân đội không phát hiện bất kỳ vi phạm nào về điều lệ quân đội trong hành động của ông Halushkin sau một cuộc điều tra nội bộ trước đó.

Ông Halushkin từng đề nghị Bộ Tổng tham mưu gửi quân tiếp viện trước khi Nga mở cuộc tấn công mới, nhưng theo vị luật sư, ông Halushkin chỉ nhận được câu trả lời rằng: “Anh chỉ có thể dựa vào những gì mình đang có”.

“Ông ấy tin rằng mình đã sử dụng tối đa lực lượng và phương tiện trong khả năng để đẩy lùi cuộc tấn công” - luật sư lập luận.

Trong tuyên bố do luật sư công bố, ông Halushkin khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ quyết định của ông.

“Nếu Bộ Tổng tham mưu Ukraine không có đủ lữ đoàn và vũ khí để tuân theo các tiêu chuẩn của điều lệ quân đội, thì đó không phải là lỗi của các chỉ huy” - theo ông Halushkin.

Hậu quả của cuộc tấn công vào tỉnh Kharkiv ngày 11-5-2024. Ảnh: TELEGRAM

Hậu quả của cuộc tấn công vào tỉnh Kharkiv ngày 11-5-2024. Ảnh: TELEGRAM

Chính phủ thể hiện quyền lực?

Mặc dù Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky từng tuyên bố vào tháng 7-2024 rằng việc truy cứu trách nhiệm trong thất bại phòng thủ tại tỉnh Kharkiv nên được bàn đến sau chiến sự, ông Zelensky vẫn ca ngợi vụ bắt các chỉ huy cấp cao. Tổng thống Ukraine khẳng định rằng “không có địa vị hay thành tích nào có thể đứng trên pháp luật”.

Tòa án đã đặt mức tiền bảo lãnh hàng triệu hryvnia Ukraine cho các sĩ quan bị bắt. Một nhà tài trợ ẩn danh đã nộp 5 triệu hryvnia (khoảng 118.000 USD) bảo lãnh cho ông Halushkin vào sáng 22-1.

Chỉ vài giờ sau đó, ông Halushkin lại bị bắt ngay khi rời khỏi trung tâm giam giữ, lần này không được bảo lãnh, khiến dư luận chia rẽ giữa bên ủng hộ giới quân sự và bên đồng tình với chính phủ.

“Các điều tra viên đã mở một vụ án hình sự mới chống lại ông ấy chỉ ba giờ trước khi bắt lần nữa” - luật sư của ông Halushki nói.

SBI tuyên bố đã phát hiện “các tình tiết mới” trong cuộc điều tra và mở một vụ án mới theo một điều luật khác. Tuy nhiên, luật sư của ông Halushkin cho rằng các điều tra viên “đơn giản chỉ sao chép bảy tập tài liệu từ vụ án hình sự ban đầu”.

Theo nhà khoa học chính trị Yevhen Mahda, những biện pháp mạnh tay này được cho là có thể ảnh hưởng đến tinh thần của quân đội – lực lượng hiện đang nhận được sự tin tưởng cao từ người dân theo các cuộc khảo sát. Một số ý kiến cho rằng điều này có thể tác động đến mối quan hệ giữa chính phủ và quân đội trong bối cảnh tình hình an ninh và chính trị diễn biến phức tạp.

“Nếu xã hội chấp nhận những vụ truy tố này đối với các chỉ huy quân đội, giới lãnh đạo chính trị có thể nhắm đến những mục tiêu lớn hơn, chẳng hạn như (cựu Tổng tư lệnh) Valerii Zaluzhny” - ông Mahda nói, ám chỉ việc Tướng Zaluzhny vẫn duy trì mức độ tín nhiệm cao trong lòng người dân Ukraine.

Cựu chỉ huy Lữ đoàn cơ giới 155 - ông Dmytro Riumshyn cũng bị bắt vào ngày 20-1. Những thách thức trong quá trình huấn luyện và vận hành của “lữ đoàn được huấn luyện tại Pháp” đã được báo chí Ukraine và quốc tế đề cập. Điều này khiến giới lãnh đạo Ukraine khó chịu, vì lữ đoàn từng được kỳ vọng là một trong những mô hình tiên phong cho các lữ đoàn được huấn luyện và trang bị theo tiêu chuẩn NATO.

Nhà báo Ukraine Yurii Butusov - tác giả của một bài phóng sự chi tiết về những thiếu sót của lữ đoàn 155 - đã chỉ trích Tổng thống Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi và các lãnh đạo quân sự cấp cao khác. Ông Butusov cho rằng những vấn đề này vượt xa trách nhiệm của ông Riumshyn với tư cách là chỉ huy lữ đoàn.

Dù các vụ án thu hút sự quan tâm lớn, quá trình tố tụng hình sự trước xét xử vẫn được giữ kín với người dân. Hồ sơ vụ án của ông Halushkin bị coi là bí mật quân sự và thậm chí đội ngũ bào chữa cho ông cũng không được tiếp cận.

Làm suy yếu quân đội

Các chỉ huy cấp cao và binh sĩ Ukraine cho rằng các vụ bắt này gây tổn hại nghiêm trọng đến nỗ lực chiến đấu, vì làm suy giảm động lực của chỉ huy, sự tin tưởng vào cấp trên và sự sẵn sàng hành động nhanh chóng trên chiến trường.

“Đây là một vụ án chính trị 100%. Điều này không có lợi cho quân đội” - ông Anatolii Kozel, cựu chỉ huy Lữ đoàn 53, nói với Kyiv Independent.

Trung tướng Serhii Naiev - cựu chỉ huy Lực lượng Phòng thủ Liên hợp - đã chỉ trích các vụ bắt trong cuộc phỏng vấn với tờ Ukrainska Pravda vào ngày 10-2.

“Việc xét xử các chỉ huy quân đội trong thời chiến là điều không thể chấp nhận được” - ông nói Naiev, đồng thời nhấn mạnh rằng phía Nga không truy tố các tướng lĩnh vì những thất bại của họ.

Các nhà đàm phán Mỹ đã đề cập đến khả năng cắt quyền tiếp cận của Ukraine đối với hệ thống Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk, ba nguồn...

Theo THẢO VY([Tên nguồn])
Tin bài cùng sự kiện Xung đột Nga - Ukraine
(Lật để xem tiếp Bài cùng sự kiện)
(Lật để xem các tin tiếp theo)
(Lật để xem các tin tiếp theo)
Dành cho phái đẹp
Lên đầu trang