Thế giới 24h: Giáo hoàng Francis qua đời
Vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ Mỹ Latinh đã trút hơi thở cuối vào ngày 21/4.
Giáo hoàng Francis. Ảnh: AFP
Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi Giáo hoàng Francis qua đời?
Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, Vatican sẽ bước vào thời kỳ trống ngôi giáo hoàng. Theo CNN, giai đoạn này kéo theo 2 nghi thức quan trọng: lễ tang và quy trình bầu chọn giáo hoàng mới – một thủ tục có lịch sử hàng nghìn năm nhưng đã được cập nhật để phù hợp với thời hiện đại.
Tang lễ
9 ngày lễ tang: Bắt đầu ngay sau khi Giáo hoàng qua đời, Vatican tổ chức 9 ngày cầu nguyện và tưởng niệm.
Thi hài Giáo hoàng sẽ được để tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter để người dân viếng thăm. Mỗi ngày diễn ra một thánh lễ cầu nguyện.
Chôn cất: Diễn ra trong khoảng ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 sau khi Giáo hoàng qua đời.
Bầu chọn giáo hoàng mới
Sau tang lễ, các Hồng y dưới 80 tuổi (đủ tư cách bầu cử) tập trung tại Vatican để bỏ phiếu kín.
Thời gian để bầu giáo hoàng mới thường kéo dài 2–3 tuần, nhưng có thể lâu hơn nếu không đạt đủ phiếu đồng thuận.
Khi tân Giáo hoàng được chọn, khói trắng sẽ bốc lên từ Nhà nguyện Sistine – dấu hiệu thông báo cho toàn thế giới.
Quá trình này kết hợp giữa truyền thống linh thiêng và quy định hiện đại, đảm bảo sự chuyển giao quyền lực êm ả cho người đứng đầu Giáo hội Công giáo.
Lãnh đạo thế giới tiếc thương Giáo hoàng Francis
Phó Tổng thống Mỹ Vance gặp Giáo hoàng Francis ngày 20/4. Ảnh: Reuters
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance ngày 21/4 đăng tải lời chia buồn trên mạng xã hội X: “Tôi vừa hay tin về sự ra đi của Giáo hoàng Francis. Trái tim tôi hướng về hàng triệu tín đồ Công giáo trên khắp thế giới, những người yêu mến ngài.Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được gặp ngài ngày hôm qua, dù lúc đó ngài rõ ràng rất yếu.Nhưng tôi sẽ luôn ghi nhớ bài giảng mà ngài chia sẻ vào những ngày đầu của đại dịch COVID – thực sự rất xúc động. Xin Chúa đón nhận linh hồn ngài".
Theo Guardian, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, trong suốt nhiệm kỳ của mình, Giáo hoàng Francis luôn đứng về phía những người yếu thế và mong manh nhất – và ngài đã làm điều đó với sự khiêm nhường sâu sắc.
“Trong thời đại đầy xung đột và tàn bạo này, ngài luôn dành sự thấu cảm cho người khác, cho những ai yếu đuối nhất", ông Macron nói với báo giới.
Thủ tướng Đức sắp nhậm chức, ông Friedrich Merz, chia sẻ trên mạng xã hội X: "Sự ra đi của Giáo hoàng Francis khiến tôi vô cùng đau buồn. Ngài sẽ được nhớ đến vì sự tận tụy không mệt mỏi dành cho những người yếu thế nhất trong xã hội, cho công lý và sự hòa giải".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng gửi lời chia buồn: "Giáo hoàng Francis đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người, vượt xa phạm vi Giáo hội Công giáo, nhờ lòng khiêm nhường và tình yêu thuần khiết của ngài dành cho những người kém may mắn".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên mạng xã hội X: "Tôi vô cùng đau xót trước tin Giáo hoàng Francis qua đời. Trong giờ phút tưởng niệm này, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành tới cộng đồng Công giáo toàn cầu. Giáo hoàng Francis sẽ mãi được nhớ đến như một ngọn hải đăng của lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường và can đảm tinh thần đối với hàng triệu người trên khắp thế giới".
Tổng thống Israel Isaac Herzog ca ngợi Giáo hoàng là “một con người của đức tin sâu sắc, hòa bình và lòng trắc ẩn”, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực xây dựng mối quan hệ với cộng đồng Do Thái.
Trong tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, ông Herzog viết: “Một con người của đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn vô bờ bến, ngài đã cống hiến cả cuộc đời để nâng đỡ người nghèo và kêu gọi hòa bình trong một thế giới đầy biến động. Tôi thực sự hy vọng những lời cầu nguyện của ngài cho hòa bình ở Trung Đông và cho sự trở về an toàn của các con tin (tại Gaza) sẽ sớm trở thành hiện thực".
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof gọi Giáo hoàng là “một con người của nhân dân”.
Trong tuyên bố trên mạng xã hội X, ông viết: “Cộng đồng Công giáo toàn cầu đang tiễn biệt một người lãnh đạo đã nhận thức rõ những vấn đề nóng bỏng của thời đại và không ngừng nhấn mạnh chúng.Với lối sống giản dị, những hành động phục vụ và lòng trắc ẩn, Giáo hoàng Francis là tấm gương sáng cho rất nhiều người – cả tín hữu và người ngoài Công giáo. Chúng tôi luôn ghi nhớ ngài với sự kính trọng sâu sắc".
Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cũng bày tỏ sự tiếc thương: “Tôi rất buồn khi hay tin Giáo hoàng Francis qua đời. Là một con người khiêm nhường, di sản của ngài là cam kết không lay chuyển với những người yếu thế, với công bằng xã hội và sự giao lưu giữa các tôn giáo. Tôi xin gửi lời chia buồn đến các tín hữu Công giáo cùng tất cả những người ở New Zealand và khắp nơi trên thế giới đang thương tiếc sự ra đi của ngài".
Vatican thông báo về sự "ra đi" của Giáo hoàng Francis
Sáng 21/4, Hồng y Kevin Farrell – người tạm thời tiếp quản Vatican trong thời kỳ trống ngôi giáo hoàng) – đã thay mặt Vatican công bố tin buồn về sự ra đi của Giáo hoàng Francis.
“Anh chị em đạo hữu thân mến, với nỗi đau buồn sâu sắc, tôi phải thông báo rằng Đức Thánh Cha Francis đã qua đời", Hồng y Farrell tuyên bố.
“Vào lúc 7h35 sáng nay, Giáo hoàng Francis đã trở về nhà Chúa Cha. Cả cuộc đời ngài đã được dâng hiến cho việc phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội", Hồng y Farrell nói. “Ngài đã dạy chúng ta sống theo các giá trị của Phúc Âm - những nguyên tắc sống rút ra từ lời dạy của Chúa như sự trung thành, lòng can đảm và tình yêu thương rộng mở, đặc biệt dành cho những người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề xã hội".
Tuyên bố kết thúc bằng lời tiễn biệt: “Với lòng biết ơn vô hạn trước tấm gương của một người môn đệ chân chính của Chúa Jesus, chúng ta phó thác linh hồn của Giáo hoàng Francis cho tình yêu thương vô biên và lòng thương xót của Thiên Chúa".
"Triều đại" của Giáo hoàng Francis là điều chưa từng có trong thời hiện đại
Giáo hoàng Francis rửa chân cho một phụ nữ. Ảnh: Reuters
Theo CNN, "triều đại" của Giáo hoàng Francis tại Vatican mang dấu ấn rất khác biệt so với các vị giáo hoàng trước đó trong nhiều thế kỷ.
Ông là giáo hoàng đầu tiên kể từ thế kỷ 15 sống song song với người tiền nhiệm — Giáo hoàng Benedict XVI, người đã từ chức vì lý do sức khỏe. Dù rút lui, ông Benedict đôi khi vẫn thể hiện sự không đồng tình với cách Giáo hoàng Francis điều hành Giáo hội.
Giáo hoàng Francis cũng mang đến một phong cách rất riêng. Thay vì sống trong sự xa hoa vốn dành cho các giáo hoàng, ông chọn cách sống giản dị như khi còn ở Argentina — nơi ông từng làm lao công và bảo vệ quán bar để kiếm sống.
Ông từ chối chuyển vào căn hộ giáo hoàng sang trọng, chọn ở tại một nhà khách nhỏ. Ngay trong sinh nhật đầu tiên trên cương vị giáo hoàng, ông đã mời 3 người vô gia cư đang sống trên đường phố Rome đến dùng bữa cùng.
Tuy vậy, triều đại của ông vẫn chưa thể hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong lòng Giáo hội Công giáo. Danh tiếng của Giáo hội vẫn bị tổn hại bởi những vụ bê bối lạm dụng tình dục kéo dài, trong khi những giáo lý nghiêm ngặt về các vấn đề xã hội cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về vai trò và sự phù hợp của Giáo hội trong thế giới hiện đại.
Giáo hoàng Francis trút hơi thở cuối
Theo Channel News Asia, Giáo hoàng Francis qua đời ngày 21/4 tại nhà khách Santa Marta, Vatican, hưởng thọ 88 tuổi.
Thông báo từ Vatican cho biết, vị giáo hoàng người Argentina đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian điều trị và hồi phục vì viêm phổi nặng đe dọa tính mạng. Trước đó, ông phải nhập viện suốt 5 tuần và từng 2 lần rơi vào tình trạng nguy kịch.
Bệnh viêm phổi kép đã gây tổn thương phổi và làm yếu cơ hô hấp của Giáo hoàng. Sau khi xuất viện hôm 23/3, Giáo hoàng trở lại Vatican để nghỉ dưỡng trong ít nhất 2 tháng.
Đầu tháng 4, Vatican cho biết kết quả chụp X-quang cho thấy phổi của Giáo hoàng Francis đã “có cải thiện nhẹ”, đồng thời khả năng vận động, giọng nói và nhịp thở của ông cũng có dấu hiệu tiến triển. Dù vẫn phải dùng ống thở oxy, ông từng có thể tháo thiết bị này trong thời gian ngắn.
Hôm rời bệnh viện Gemelli, Giáo hoàng Francis xuất hiện trên ban công trong xe lăn, vẫy tay chào hàng trăm tín hữu đang chờ đón bên dưới. Dù giọng yếu, ông vẫn cố nói qua micro: “Cảm ơn tất cả mọi người".
Trong một tuyên bố ngày 16/3, Giáo hoàng thừa nhận tình trạng sức khỏe mong manh của mình:
“Tôi chia sẻ những suy nghĩ này khi đang đối mặt với một giai đoạn thử thách, và tôi xin được cùng hiệp thông với những anh chị em đang ốm đau: Mỏng manh, như tôi lúc này. Thân xác có thể yếu đuối, nhưng không gì có thể ngăn cản chúng ta yêu thương, cầu nguyện, hiến thân và sống vì nhau", Giáo hoàng Francis nói.
Giáo hoàng Francis, tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio, sinh năm 1936 tại Argentina trong một gia đình nhập cư gốc Ý. Ông là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh và đã lãnh đạo Giáo hội Công giáo kể từ tháng 3/2013, trở thành đại diện tinh thần cho 1,3 tỷ tín đồ trên toàn thế giới.
Dù gặp nhiều vấn đề sức khỏe trong những năm cuối đời, ông vẫn duy trì lịch làm việc dày đặc và thường xuyên công du nước ngoài. Tháng 9/2024, ông hoàn thành chuyến thăm 4 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương – cũng là hành trình dài nhất trong nhiệm kỳ giáo hoàng của ông.
Nga – Ukraine cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn mới
Nga cáo buộc Ukraine tập kích hàng trăm lần bằng UAV, sau khi lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực (ảnh: RT)
Hôm 20/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, chưa đầy 24 giờ kể từ khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh ngừng bắn 30 giờ (nhân dịp Lễ Phục sinh), quân đội Nga đã bị lực lượng Ukraine tấn công hơn 1.300 lần.
Trước đó, hôm 19/4, ông Putin ra lệnh cho quân đội Nga ngừng mọi giao tranh trong vòng 30 giờ với Ukraine. Lệnh ngừng bắn mới bắt đầu từ 18 giờ ngày 19/4 đến nửa đêm ngày 20/4 (giờ Nga), với điều kiện Ukraine hành động tương tự.
Quân đội Ukraine đã nhận được lệnh ngừng bắn nếu Nga không tấn công, theo Reuters.
Trong thông báo hôm 20/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết:
“Bất chấp lệnh ngừng bắn Lễ Phục sinh, các lực lượng Ukraine đã cố gắng tấn công nhiều vị trí của quân đội Nga ở khu định cư Sukhaya Balka và Bogatyr thuộc Donetsk. Các vụ tấn công đã bị đẩy lùi”.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, sau khi quân đội Nga thực hiện lệnh ngừng bắn, các đơn vị Ukraine đã “bắn 444 phát bằng pháo, súng cối” và “thực hiện 900 vụ tập kích bằng UAV bốn cánh quạt”.
Riêng ở 3 tỉnh biên giới Nga là Bryansk, Kursk và Belgorod, lực lượng Ukraine thực hiện 12 cuộc tấn công bằng pháo, 33 đợt tập kích UAV và thả 7 quả bom. Các vụ tấn công này “gây thương vong cho dân thường và thiệt hại đối với hạ tầng dân sự”.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, theo lệnh của Tổng thống Nga Putin, tất cả các đơn vị Nga đều tuân thủ “nghiêm ngặt” lệnh ngừng bắn và giữ nguyên vị trí trên tiền tuyến Ukraine.
Trước đó, cùng ngày 20/4, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng cáo buộc quân đội Nga vi phạm lệnh ngừng bắn Lễ Phục sinh.
Theo ông Zelensky, quân đội Nga tiến hành 26 cuộc tấn công từ nửa đêm ngày 19/4 đến giữa trưa ngày hôm sau. Ông Zelensky cáo buộc Nga “không có ý định thực sự nhằm chấm dứt xung đột” và lệnh ngừng bắn mới chỉ nhằm mục đích tuyên truyền.
Sinh viên Ấn Độ, Trung Quốc kiện chính quyền ông Trump
3 sinh viên Ấn Độ và 2 sinh viên Trung Quốc đã tham gia vụ kiện nhằm phản đối chính quyền Tổng thống Mỹ Trump vì quyết định chấm dứt thị thực F-1 của nhiều sinh viên quốc tế, DW hôm 20/4 đưa tin.
Thị thực F-1 là loại visa dành cho sinh viên nước ngoài muốn theo học toàn thời gian tại các trường đại học, cao đẳng, trung học của Mỹ. Nếu bị hủy thị thực, nhiều sinh viên có thể bị buộc rời khỏi Mỹ và dừng chương trình học.
Theo DW, nhóm sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ, được Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) hỗ trợ pháp lý, đã nộp đơn kiện lên Tòa án Quận New Hampshire. Họ cáo buộc chính quyền ông Trump đơn phương chấm dứt thị thực F-1 của “hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn du học sinh mà không thông báo trước”.
Đơn kiện cho rằng các sinh viên không chỉ phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất, hủy thị thực mà còn “bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tài chính và học tập”.
Trong số các sinh viên khởi kiện có Hangrui Zhang và Haoyang An (công dân Trung Quốc) và Linkhith Babu Gorrela, Thanuj Kumar Gummadavelli, Manikanta Pasula (công dân Ấn Độ).
Hangrui đã bị mất công việc trợ lý nghiên cứu do visa F-1 bị hủy đột ngột, còn Haoyang có thể mất trắng số tiền gần 330.000 USD đầu tư cho việc du học nếu phải rời khỏi Mỹ khi chưa nhận được bằng tốt nghiệp.
Phi hành gia lớn tuổi nhất của NASA trở về Trái đất
Don Pettit, phi hành gia cao tuổi nhất của NASA, đã hoàn thành nhiệm vụ kéo dài 220 ngày trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) và trở lại Trái đất đúng dịp sinh nhật lần thứ 70.
Hôm 20/4, Pettit cùng với 2 phi hành gia người Nga là Alexey Ovchinin và Ivan Vagner, đã đáp xuống một thảo nguyên ở Kazakhstan sau khi rời khỏi mô-đun Rassvet của ISS.
Don Pettit, phi hành gia cao tuổi nhất của NASA, trở về Trái đất (ảnh: EPA)
Theo Guardian, 3 phi hành gia đã ở trong không gian 220 ngày và bay vòng quanh Trái đất 3.520 lần trong suốt sứ mệnh của họ. Đây là chuyến bay vào vũ trụ lần thứ 4 của Pettit – người đã sống trên quỹ đạo hơn 18 tháng trong sự nghiệp 29 năm làm phi hành gia.
“Pettit ở trong tình trạng tốt sau khi trở về Trái đất”, NASA thông báo.
Theo Guardian, nghiên cứu không gian là lĩnh vực hiếm hoi mà Nga và Mỹ còn duy trì hợp tác sau khi quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng vì cuộc xung đột ở Ukraine.
AtlasIntel công bố kết quả khảo sát trong khi giới chức Mỹ đang “chạy đua với thời gian” để đàm phán thuế quan với hàng...