Thế giới 24h: Phản ứng của các nước sau khi ông Trump công bố áp thuế đối ứng "cả thế giới"
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan mới, các đối tác thương mại của Mỹ bày tỏ sự thận trọng, hầu hết muốn theo dõi thêm tình hình và không có phản ứng ngay lập tức.
Ông Trump công bố áp thuế đối ứng với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ảnh: Reuters.
Thuế đối ứng của Mỹ "không có lợi cho bất kỳ ai"?
Tổng thống Thụy Sỹ Karin Keller-Sutter cho biết Hội đồng Liên bang đã nắm được thông tin về kế hoạch thuế quan mới của Mỹ. “Chúng tôi sẽ nhanh chóng xác định các bước tiếp theo. Lợi ích kinh tế lâu dài của đất nước là tối quan trọng. Lòng trung thành với luật pháp quốc tế và thương mại tự do vẫn là những giá trị cốt lõi”, bà nói.
Thủ tướng Anh Keir Starmer nói "chiến tranh thương mại không có lợi cho bất kỳ ai". Ông cam kết sẽ có cách tiếp cận "bình tĩnh" đối với thuế đối ứng mới của Mỹ. Ông Starmer nhấn mạnh "các cuộc đàm phán mang tính xây dựng đang diễn ra giữa Anh và Mỹ về một thỏa thuận kinh tế tiềm năng".
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cảnh báo rằng thuế quan sắp tới của Mỹ sẽ có tác động lớn đến xuất khẩu của nước này và nền kinh tế vốn đã khó khăn.
Phát biểu tại một sự kiện ở Rome, bà Meloni nói: "Rõ ràng là việc áp dụng mức thuế quan mới sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho các nhà sản xuất của Italia”. Bà Meloni nói quốc gia không loại trừ "các phản ứng thích hợp" để bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ ba của Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói việc Mỹ áp thuế 10% lên nước này “không có cơ sở logic”. Tuy nhiên, ông nói Úc sẽ không vội vàng trả đũa, nhấn mạnh rằng nước này sẽ không “tham gia vào một cuộc chạy đua không hồi kết dẫn đến giá cả cao hơn và tăng trưởng chậm lại”.
Quyền Tổng thống Han Duck-soo đã lên tiếng sau khi Mỹ áp thuế đối ứng 25% đối với hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Mỹ.
Ông Han đưa ra chỉ thị trong một "cuộc họp khẩn cấp" của lực lượng đặc nhiệm chiến lược kinh tế và an ninh, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok, Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk-geun và các quan chức cấp cao khác của chính phủ, theo Yonhap.
"Vì tình hình rất nghiêm trọng, chính phủ phải huy động mọi khả năng có thể để vượt qua cuộc khủng hoảng này", ông Han nói.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc đã chỉ thị Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk-geun phân tích cẩn thận các chi tiết và tác động của mức thuế quan mới và tích cực tham gia đàm phán với Mỹ để giảm thiểu thiệt hại.
Phần lớn các nước trên thế giới hiện chưa có phản ứng, có thể do thận trọng và muốn theo dõi thêm tình hình.
Ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia
Tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, ông Trump đã công bố danh sách hàng loạt các quốc gia bị Mỹ áp thuế đối ứng. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng thâm hụt thương mại hàng năm vô cùng lớn và dai dẳng đã làm suy yếu nền sản xuất của Mỹ, dẫn đến việc thiếu động lực cải thiện năng lực sản xuất trong nước, làm suy yếu chuỗi cung ứng quan trọng và khiến cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ phụ thuộc vào nước ngoài.
Nhà Trắng nhấn mạnh ông Trump không chấp nhận việc Mỹ bị các quốc gia "lợi dụng" về mặt kinh tế và áp thuế đối ứng là cần thiết để đảm bảo thương mại công bằng, bảo vệ người lao động Mỹ và giảm thâm hụt thương mại. Đây được xem là trường hợp khẩn cấp quốc gia Mỹ.
Do đó, ông Trump kích hoạt Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia do thâm hụt thương mại.
Mỹ sẽ áp thuế đối ứng ít nhất 10% với hầu hết các quốc gia trên thế giới từ ngày 5/4. Ông Trump nhấn mạnh thuế đối ứng cao hơn đáng kể với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ nhưng vẫn chỉ bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó đang áp với Mỹ. Quyết định đối với các nước chịu thuế đối ứng từ 10% trở lên sẽ có hiệu lực vào ngày 9/4.
Thuế quan sẽ được duy trì cho đến khi ông Trump xác định vấn đề thâm hụt thương mại đã được giải quyết. Theo đạo luật IEEPA, ông Trump có thể tiếp tục tăng thuế nếu các đối tác thương mại trả đũa.
Người Mỹ không thích “cuộc chiến thuế quan”?
Kết quả thăm dò được công bố hôm 2/4 của Đại học Marquette (Mỹ) cho thấy, nhiều người Mỹ lo ngại chính sách thuế quan mới của ông Trump gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ và làm tăng tỷ lệ lạm phát.
58% người tham gia khảo sát của Đại học Marquette cho rằng, việc ông Trump tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ gây tổn hại đến kinh tế Mỹ. 28% người được hỏi suy nghĩ ngược lại và 14% cho rằng thuế quan của ông Trump sẽ không gây ra ảnh hưởng lớn.
Cuộc khảo sát không hỏi về các biện pháp cụ thể của ông Trump đối với thuế quan. Chi tiết về kế hoạch áp thuế đối ứng quy mô toàn cầu của ông Trump chưa được công bố.
Kết quả khảo sát của Đại học Marquette cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump sau gần 3 tháng lãnh đạo là 46%, trong khi 54% không hài lòng.
Theo CNN, cuộc thăm dò của Đại học Marquette được thực hiện từ ngày 17 đến ngày 27/3 với 1.021 người Mỹ thành niên. Kết quả khảo sát có biên độ sai số là 3,5 điểm phần trăm.
Ông Trump dự kiến sẽ công bố mức thuế quan đối ứng vào 16h chiều ngày 2/4 (giờ Mỹ), rạng sáng ngày 3/4 (giờ Việt Nam).
Nhiều nước lo ngại về thuế đối ứng của ông Trump (ảnh: Andrew Harnik/Getty Images)
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn do CCTV công bố hôm 1/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh sẽ “phản công” nếu Washington tiếp tục “tống tiền” bằng thuế quan.
Theo ông Vương Nghị, chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Trump không nên thể hiện bằng các hành động “bắt nạt” và làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của những quốc gia khác.
Theo CCTV, 4 nước Canada, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang chuẩn bị trả đũa đòn thuế quan sắp được công bố của ông Trump. EU cũng được cho là có động thái tương tự.
Israel tuyên bố kiểm soát và sáp nhập lãnh thổ Dải Gaza
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz hôm 2/4 tuyên bố, quân đội nước này đang mở rộng hoạt động tại Dải Gaza và có thể “sáp nhập” một số khu vực.
“Quân đội sẽ hành động để dọn sạch các khu vực khỏi khủng bố, đồng thời kiểm soát và sáp nhập một số vùng lãnh thổ rộng lớn vào khu vực an ninh của Israel”, ông Katz tuyên bố.
Times of Israel đưa tin, sáng ngày 2/4, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã triển khai một sư đoàn tới phía nam Dải Gaza và tăng cường tấn công lực lượng Hamas. 2 thành phố lớn ở Dải Gaza là Rafah và Khan Younis cũng đã bị không kích dữ dội trước đó.
Trong thông điệp hôm 2/4, ông Katz cũng kêu gọi người dân Dải Gaza “lập tức lật đổ Hamas” và trả tự do cho các con tin nếu muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột.
“Đây là cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến”, ông Katz bình luận trên mạng xã hội.
Ông Tập và ông Putin trong một cuộc gặp (ảnh: Kremlin)
Ông Putin tiết lộ khách mời chính trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng
Tổng thống Nga Putin cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là khách mời chính của Nga trong lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít (ngày 9/5).
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 1/4, ông Putin cho biết ông Tập sẽ tới thăm Moscow và tham dự lễ duyệt binh ngày 9/5. Đây cũng là chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga.
“Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ là khách mời chính của chúng tôi. Đây là cơ hội để chúng tôi thảo luận về tình hình quan hệ song phương và hợp tác trên các diễn đàn quốc tế”, ông Putin nói.
Ông Vương Nghị cho biết, công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Nga của ông Tập đang “diễn ra thành công”.
Theo RT, lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng được tổ chức hằng năm và là ngày lễ quan trọng của Nga.
Ngoài ông Tập, lãnh đạo nhiều quốc gia khác dự kiến cũng tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, bao gồm Thủ tướng Slovakia Robert Fico, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev…
Nhà Trắng vừa thông báo đợt tăng thuế nhập khẩu lớn nhất trong lịch sử Mỹ, có hiệu lực ngay lập tức vào ngày 2/4. Đây là...