Chia sẻ

Thế giới 24h: Quân đội Nga hành động sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quân đội Nga tuyên bố ghi nhận khoảng 4.900 lần lực lượng Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn trong vòng 30 giờ và sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt.

Lính cứu hỏa Ukraine dập lửa sau một vụ UAV tập kích thành phố Dnipro (ảnh: Reuters)

Lính cứu hỏa Ukraine dập lửa sau một vụ UAV tập kích thành phố Dnipro (ảnh: Reuters)

Ông Putin không có thêm chỉ thị, quân đội Nga tiếp tục tấn công

Trong thông báo hôm 21/4, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng các đơn vị của nước này sẽ tiếp tục tấn công sau khi lệnh ngừng bắn Lễ Phục sinh hết hiệu lực.

“Lệnh ngừng bắn đã kết thúc, lực lượng vũ trang Nga tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Trước đó, hôm 19/4, Tổng thống Putin ra lệnh cho quân đội Nga ngừng mọi giao tranh trong vòng 30 giờ với Ukraine. Lệnh ngừng bắn mới bắt đầu từ 18 giờ ngày 19/4 đến nửa đêm ngày 20/4 (giờ Nga).

Lực lượng Ukraine sau đó cũng nhận được chỉ thị ngừng bắn nếu quân đội Nga không tấn công.

Điện Kremlin cho biết, ông Putin không ra chỉ thị mới sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc.

Trong thông báo hôm 21/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cường độ tấn công của Ukraine đã giảm đáng kể vào ngày 20/4. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục tập kích ở một số vị trí của Nga.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga nghiêm túc chấp hành lệnh ngừng bắn 30 giờ, nhưng lực lượng Ukraine vi phạm khoảng 4.900 lần.

Hôm 21/4, giới chức Kiev tuyên bố, quân đội Nga phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào nhiều khu vực ở Ukraine sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc.

Không quân Ukraine cho hay, quân đội Nga phóng 96 UAV và 3 quả tên lửa, gây thiệt hại ở 3 khu vực Kharkiv, Dnipropetrovsk và Cherkasy. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 42 UAV và đánh chặn 47 UAV khác bằng hệ thống tác chiến điện tử.

Không rõ phòng không Ukraine có bắn hạ được 3 quả tên lửa hay không.

“Ukraine sẽ đáp trả tương xứng. Lệnh ngừng bắn sẽ được đáp lại bằng lệnh ngừng bắn. Các vụ tấn công của Nga sẽ bị đáp trả bằng các đòn tấn công của chúng tôi. Hành động luôn có sức thuyết phục hơn lời nói”, Tổng thống Ukraine Zelensky bình luận trên mạng xã hội X.

Hàn Quốc: Tấn công chung cư 21 tầng bằng súng phun lửa

Thảm kịch xảy ra ở quận Bongcheon-dong, phía nam Seoul hôm 21/4, khi một người đàn ông mang theo súng phun lửa tự chế và phóng hỏa tòa chung cư 21 tầng.

Vụ việc khiến 2 người thiệt mạng (bao gồm cả nghi phạm) và 11 người khác bị thương, theo Yonhap.

Chính quyền Seoul cho biết, đám cháy bùng lên ở tầng 4 tòa chung cư. Nghi phạm là một người đàn ông (chưa rõ danh tính), khoảng 60 tuổi, sử dụng súng phun lửa tự chế, bên trong chứa đầy chất lỏng dễ cháy để đốt tòa nhà.

Nghi phạm đốt tòa chung cư bằng súng phun lửa (ảnh: Avia Pro)

Nghi phạm đốt tòa chung cư bằng súng phun lửa (ảnh: Avia Pro)

Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng khiến việc sơ tán gặp nhiều khó khăn. Một cư dân trong tòa nhà đã nhảy từ tầng 4 xuống đất và tử vong. Nhiều người bị ngạt khói độc. Hai nạn nhân ở độ tuổi 11 và 70 phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Cảnh sát Hàn Quốc cho biết, nghi phạm tự chế súng phun lửa từ một bình xịt thuốc trừ sâu. Tại nhà của nghi phạm, cảnh sát đã tìm thấy thư tuyệt mệnh và di chúc. Động cơ gây án vẫn chưa được làm rõ.

Ông Putin ký luật, phê chuẩn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Iran

Tổng thống Nga Putin đã ký thành luật thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Iran, TASS hôm 21/4 đưa tin.

Theo TASS, thỏa thuận này tạo khung pháp lý cho sự phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Moscow và Tehran. Thỏa thuận cũng khẳng định vị thế của Nga và Iran là đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực, từ an ninh – quốc phòng, chống khủng bố, năng lượng, kinh tế, giao thông, công nghiệp…

Một số điều khoản đáng chú ý của thỏa thuận bao gồm:

- Nga và Iran hợp tác chặt chẽ trong việc tiến hành các cuộc tập trận chung;

- Nếu một trong hai nước bị tấn công, Nga hoặc Iran không được cung cấp hỗ trợ cho bên tấn công;

- Hai nước không cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng để hỗ trợ các phong trào ly khai và đe dọa toàn vẹn lãnh thổ;

- Hai nước hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và các thách thức, đe dọa khác;

- Nga và Iran phản đối các biện pháp cưỡng ép đơn phương và coi đó là hành vi vi phạm pháp luật quốc tế.

Vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ Mỹ Latinh đã trút hơi thở cuối vào ngày 21/4.

Theo Vương Nam – TASS, RT, Yonhap ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thế giới 24h

Xem Thêm