Thế giới 24h: Ông Medvedev lên tiếng việc ông Trump áp thuế EU
Ông Medvedev tuyên bố thuế quan mới của Mỹ sẽ biến EU thành “xác chết”.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS
EU như “xác chết”, Nga chỉ cần ngồi chờ
Theo đài RT, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng việc Mỹ áp đặt thuế quan "có đi có lại" với hàng xuất khẩu của EU đã gây tổn hại đến nền kinh tế của khối này.
Ông Medvedev nhận định, động thái này của chính quyền ông Trump "phá vỡ nghiêm trọng thương mại toàn cầu" nhưng Nga hầu như không bị ảnh hưởng do giao thương với Mỹ gần như bằng không.
"Không cần phản ứng vội vàng. Chúng ta nên ngồi trên bờ và chờ xác đối phương trôi qua. Trong trường hợp này, chính là xác chết đang phân hủy của nền kinh tế EU”, ông Medvedev viết trên mạng xã hội.
Theo đài RT, tuyên bố của ông Medvedev ngụ ý rằng Nga không hành động vội vàng, mà nên kiên nhẫn chờ đợi đối thủ (EU) tự suy yếu vì thuế quan của Mỹ.
Bộ trưởng Kinh tế Đức sắp mãn nhiệm Robert Habeck so sánh tác động tiềm tàng của thuế quan với leo thang xung đột Ukraine năm 2022. Khi đó, "một điều mới đã xảy ra, và châu Âu không chuẩn bị để đối mặt”, ông Habeck nói trong họp báo ngày 3/4.
Nhiều chính khách và truyền thông châu Âu mô tả hậu quả kinh tế từ thuế quan là "thảm họa" với các nước thành viên EU.
Biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ phản đối ông Trump và tỷ phú Musk
Hoạt động biểu tình diễn ra ở mọi bang trên khắp nước Mỹ, thậm chí, còn lan sang cả một số nước lớn ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức. Ảnh: Reuters
Khoảng 1.200 cuộc biểu tình đồng loạt diễn ra trên khắp nước Mỹ vào ngày 4/4 trong khuôn khổ chiến dịch “Hands Off!” (tạm dịch: Đừng động vào), được kỳ vọng trở thành ngày biểu tình lớn nhất nhằm vào Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Các cuộc biểu tình nhằm phản đối việc ông Trump thông qua hàng loạt sắc lệnh hành pháp nhằm thay đổi sâu rộng chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.
“Đây là một cuộc biểu tình quy mô lớn gửi thông điệp rõ ràng tới ông Musk, ông Trump, đảng Cộng hòa và tất cả các đồng minh của họ rằng: Chúng tôi không muốn họ kiểm soát nền dân chủ, cộng đồng, trường học hay những người thân yêu của chúng tôi”, ông Ezra Levin, đồng sáng lập tổ chức Indivisible, cho biết.
Ông Trump và ông Musk chưa bình luận về các cuộc biểu tình này.
Biểu tình được lên kế hoạch tại mọi bang trên nước Mỹ, cũng như tại các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Canada, Mexico và Bồ Đào Nha. Một trong những cuộc tập hợp lớn nhất diễn ra tại National Mall ở thủ đô Washington D.C.
Moscow: Ukraine ồ ạt tấn công hạ tầng năng lượng Nga
Trạm đo khí đốt Sudzha ở vùng Kursk của Nga bị tấn công ngày 28/3/2025. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/4 tuyên bố Ukraine đã gia tăng đáng kể các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, với tổng cộng 14 vụ chỉ trong 24 giờ qua, bất chấp thỏa thuận đình chiến do Mỹ làm trung gian.
Trong thông báo của Bộ Quốc phòng Nga đăng tải trên Telegram, các cuộc tấn công gây thiệt hại tại các vùng Bryansk, Belgorod, Smolensk, Lipetsk và Voronezh của Nga, cũng như Luhansk và Kherson – những khu vực thuộc lãnh thổ Ukraine nhưng hiện do Nga kiểm soát một phần.
Hãng tin Reuters chưa thể kiểm chứng độc lập các tuyên bố trên.
Phía Ukraine chưa đưa ra phản hồi chính thức, tuy nhiên quân đội nước này trước đó khẳng định đã ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở năng lượng của Nga từ ngày 18/3.
Nga và Ukraine đã đồng ý với đề xuất của Mỹ về thỏa thuận tạm ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng kéo dài 30 ngày vào tháng trước. Tuy nhiên, cả hai bên đều nhiều lần tố cáo bên kia vi phạm cam kết này.
Thỏa thuận nói trên nằm trong khuôn khổ nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi ông trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1 nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Nền kinh tế thế giới rơi vào “hỗn loạn” sắc lệnh áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người phát ngôn Điện...