Thế giới 24h: Phát hiện người còn sống dưới đống đổ nát của tòa nhà 30 tầng sập ở Bangkok
Lực lượng cứu hộ Thái Lan ngày 29/3 phát hiện dấu hiệu sự sống của 15 người mắc kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà 30 tầng, thắp lên hi vọng về hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, theo Bangkok Post.
Các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực giải cứu những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát tòa nhà cao tầng ở Bangkok. Ảnh: Bangkok Post
Chạy đua tìm người mắc kẹt dưới đống đổ nát tòa nhà cao tầng ở Bangkok
Suriyan Rawiwan, Giám đốc Sở Cứu hỏa và Cứu nạn Bangkok, nói số người thiệt mạng riêng trong vụ sập tòa nhà hiện là tám, trong khi 47 người vẫn mất tích và chưa xác định được danh tính.
Ông Suriyan cho biết lực lượng cứu hộ phát hiện dấu hiệu sự sống của 15 người mắc kẹt bên trong đống đổ nát của tòa nhà cao tầng này. Máy móc hạng nặng đã được huy động, mở đường cho lực lượng cứu hộ tiếp cận các nạn nhân.
"Thời gian cứu hộ được đặt ra trong vòng 72 giờ, vì nạn nhân có thể nhịn ăn và mất nước trong khoảng thời gian này. Nếu hoạt động cứu hộ kéo dài hơn, họ có nguy cơ bị sốc và tử vong”, ông nói. Mục tiêu của cơ quan này là hoàn thành chiến dịch giải cứu trong vòng 48 giờ. Các dấu hiệu sự sống được phát hiện từ những nhóm nạn nhân gồm từ 3 đến 7 người.
Tuy nhiên, đội cứu hộ chưa thể đưa nước và thực phẩm tới khu vực có dấu hiệu sự sống, do vị trí của các nạn nhân nằm sâu khoảng 3 mét, ông Suriyan nói.
Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt đã đến hiện trường sáng ngày 29/3, cho biết các loại máy móc hạng nặng đang được sử dụng để dọn đường cho đội cứu hộ. Xe cẩu sẽ được huy động để di dời các mảng bê tông và mảnh vỡ.
Tòa nhà 30 tầng này tọa lạc trên khu đất rộng 11 rai (khoảng 1,76 ha) trên đường Kamphaeng Phet, quận Chatuchak. Công trình đổ sập sau trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ở Myanmar vào chiều thứ Sáu. Dự án có vốn đầu tư 2,1 tỷ baht này được khởi công từ năm 2020 và đã xây dựng đến tầng cao nhất.
Chính quyền Bangkok đang cử 130 kỹ sư tình nguyện kiểm tra các tòa nhà cao tầng trên toàn thành phố. Khoảng 200 tòa nhà, đặc biệt ở các quận Din Daeng và Huai Khwang, cần được đánh giá mức độ an toàn. Hai tòa chung cư ở quận Lat Phrao cũng buộc phải sơ tán do lo ngại về kết cấu, ông Chadchart cho biết.
Động đất ở Myanmar giải phóng năng lượng tương đương “334 quả bom nguyên tử”
Theo MRTV, số người thiệt mạng tăng lên đến ít nhất 1.002, hơn 2.300 người bị thương. Con số này bao gồm tất cả các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất trên toàn quốc. Trước đó, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính số người chết trong thảm họa động đất ở Myanmar có thể hơn 10.000.
Căn nhà đổ sập ở thành phố Mandalay, Myanmar hôm 28/3. Ảnh: AFP
Theo CNN, trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ở Myanmar hôm 28/3 đã giải phóng năng lượng tương đương hơn 300 vụ nổ bom nguyên tử, một nhà địa chất học cho biết, đồng thời cảnh báo rằng dư chấn có thể tiếp tục làm rung chuyển khu vực.
“Sức mạnh mà một trận động đất như thế này giải phóng tương đương khoảng 334 quả bom nguyên tử”, chuyên gia Jess Phoenix nói với CNN. Bà cũng cho biết dư chấn có thể kéo dài trong vài tháng do mảng kiến tạo Ấn Độ tiếp tục va chạm với mảng Á-Âu bên dưới Myanmar.
Chuyên gia Phoenix nhấn mạnh rằng tình hình tại Myanmar sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn do cuộc nội chiến đang diễn ra. “Những gì vốn dĩ đã là một thảm họa nay trở thành điều gần như không thể kiểm soát”, bà nói.
Thiệt hại nghiêm trọng và nguy cơ số người chết rất cao ở Myanmar
Một căn nhà bị sập ở thành phố Mandalay, Myanmar. Ảnh: AFP
USGS đã ban hành cảnh báo cấp độ đỏ về thương vong do động đất ở Myanmar, cho thấy khả năng "số người chết rất cao và thiệt hại nghiêm trọng".
Chính quyền quân sự Myanmar cho biết ít nhất 144 người đã thiệt mạng, nhưng con số này có thể còn tăng lên khi lực lượng cứu hộ tiếp tục dọn dẹp đống đổ nát và tìm thấy thêm thi thể.
Theo ước tính của USGS, xác suất số người chết vượt 1.000 là 86%, trong khi có 34% khả năng con số thương vong nằm trong khoảng 10.000-100.000 người. Ngoài ra, có 22% khả năng số người chết sẽ vượt quá 100.000.
Cơ quan này cũng cho biết khoảng 796.000 người sinh sống trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất ở Myanmar, trong khi 3,9 triệu người sống ở những khu vực có nhiều công trình chịu lực kém đã bị động đất gây hư hại nghiêm trọng. "Thiệt hại kinh tế ước tính vào khoảng 6-70% GDP của Myanmar," USGS cho biết, đồng thời nhận định rằng tổng thiệt hại có thể vượt 10 tỷ USD, tương đương 70% GDP của nước này.
Theo các chuyên gia, đây có thể coi là trận động đất mạnh nhất mà quốc gia này phải hứng chịu trong khoảng 100 năm qua. Myanmar có thể mất nhiều năm để tái thiết các vùng bị ảnh hưởng.
Trận động đất mạnh xảy ra vào lúc 12h50 trưa thứ Sáu (6h20 GMT), với cường độ được ghi nhận trong khoảng 7,7 đến 7,9 độ richter. Ngay sau đó, một trận động đất mạnh thứ hai, ước tính khoảng 6,4 độ richter, tiếp tục làm rung chuyển khu vực. Rung chấn có thể cảm nhận được ở Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Theo USGS, các khu vực đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Myanmar gồm Sagaing (79.000 dân) và Meiktila (177.000 dân). Trận động đất cũng gây thiệt hại nghiêm trọng tại Mandalay – cố đô của Myanmar và là thành phố lớn thứ hai của nước này với 1,2 triệu dân, cùng các thành phố Kyaukse (50.000 dân) và Shwebo (89.000 dân).
Tại tất cả các khu vực trên, nhiều tòa nhà có khả năng chống động đất kém đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. Ngoài ra, một cây cầu bắc qua sông Irrawaddy ở Myanmar đã bị sập do động đất, trong khi Cung điện Mandalay – công trình lịch sử quan trọng – cũng bị hư hại một phần.
Quốc gia đầu tiên cử đội cứu hộ, huy động máy bay vận tải chở hàng cứu trợ tới Myanmar
Máy bay vận tải quân sự C-130J của không quân Ấn Độ ngày 29/3 đã hạ cánh ở Myanmar. Ảnh: Tribune India.
Ấn Độ đã cử một đội cứu hộ và y tế tới Myanmar cùng viện trợ nhân đạo khẩn cấp, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar hôm 29/3 cho biết trên mạng xã hội X.
Một máy bay của Không quân Ấn Độ chở hàng viện trợ khẩn cấp, bao gồm từ chăn màn đến các gói thực phẩm đã tới Myanmar, ông Jaishankar cho hay, theo CNN.
"Ấn Độ gửi đợt viện trợ nhân đạo khẩn cấp đầu tiên tới người dân Myanmar", ông viết trên mạng xã hội X.
Ngoài ra, các lô hàng còn có bộ dụng cụ vệ sinh, túi ngủ, đèn năng lượng mặt trời và bộ dụng cụ nhà bếp.
"Một đội tìm kiếm và cứu hộ cùng đội y tế cũng có mặt trên chuyến bay này”, ông Jaishankar viết, kèm theo bức ảnh cho thấy hàng chục nhân viên cứu trợ chất hàng lên máy bay. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ có thêm viện trợ trong thời gian tới”.
Theo truyền thông Ấn Độ, New Delhi đã gửi tổng cộng 15 tấn hàng cứu trợ đến Myanmar sau trận động đất kinh hoàng xảy ra ngày 28/3.
Sáng ngày 29/3, máy bay vận tải C-130J của Không quân Ấn Độ, chở theo nhu yếu phẩm, đã cất cánh từ căn cứ không quân Hindon, cách thủ đô New Delhi khoảng 20km về phía đông. Vài giờ sau, máy bay đã hạ cánh xuống thành phố Yangon của Myanmar.
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bày tỏ quan ngại về các khu vực bị ảnh hưởng tại Myanmar và Thái Lan ngay sau trận động đất.
"Chúng tôi cầu nguyện cho sự an toàn và sức khỏe của tất cả mọi người. Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ hết mức có thể. Tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong nước sẵn sàng ứng phó và yêu cầu Bộ Ngoại giao duy trì liên lạc với chính phủ Myanmar và Thái Lan”, ông Modi viết trên mạng xã hội X.
Ông Min Aung Hlaing kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Myanmar
Tối ngày 28/3 (giờ địa phương), ông Min Aung Hlaing kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Myanmar sau vụ động đất mạnh 7,7 độ richter gây thiệt hại lớn. Ông cảnh báo rằng số thương vong có thể sẽ tiếp tục tăng.
“Tôi đã đích thân tới một số khu vực để đánh giá tình hình. Tôi muốn mọi người hãy chung tay giúp đỡ nhau và hỗ trợ các nhiệm vụ cứu hộ đang diễn ra”, ông Min Aung Hlaing nói.
“Tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu hỗ trợ từ quốc tế”, ông Min Aung Hlaing nói, lưu ý rằng Ấn Độ sẽ gửi hỗ trợ cho Myanmar.
“Tôi xin gửi lời mời công khai tới bất kỳ quốc gia và tổ chức nào sẵn sàng đến Myanmar để giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn”, ông Min Aung Hlaing nói.
Trong bài phát biểu, ông Min Aung Hlaing cho biết, ít nhất 144 người đã thiệt mạng và 732 người khác bị thương trong vụ động đất xảy ra vào chiều ngày 28/3.
“Số thương vong dự kiến sẽ tăng lên”, ông Min Aung Hlaing nói.
Theo CNN, lời kêu gọi hỗ trợ hôm 28/3 của ông Min Aung Hlaing là động thái hiếm hoi và cho thấy trận động đất đã gây ra hậu quả nặng nề ở Myanmar. Chính quyền quân sự của ông Min Aung Hlaing hiếm khi hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Hiện trường vụ tòa nhà cao tầng sập ở Bangkok (ảnh: Reuters)
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, Liên hợp quốc đang huy động các nguồn lực ở Đông Nam Á để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng ở Myanmar và Thái Lan sau trận động đất.
“Chính quyền ở Myanmar yêu cầu sự hỗ trợ từ quốc tế và nhóm của chúng tôi đã huy động toàn bộ nguồn lực tại khu vực để giúp đỡ người dân Myanmar”, ông Guterres nói.
“Có những quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng. Tâm chấn vụ động đất là ở Myanmar và đó là quốc gia cần hỗ trợ nhiều nhất”, ông Guterres nói thêm.
Ở Bangkok (Thái Lan), lực lượng cứu hộ vẫn đang làm hết sức mình để giải cứu 81 công nhân còn mắc kẹt trong vụ tòa nhà cao 137 mét đổ sập do động đất.
Thống đốc thủ đô Bangkok – ông Chadchart Sittipunt – cho biết, 8 người được xác nhận là đã thiệt mạng ở Bangkok sau trận động đất. Trong đó, có 7 người thiệt mạng tại công trường thi công tòa nhà cao 137 mét.
Thống tướng Min Aung Hlaing chỉ đạo cứu hộ người bị thương trong vụ động đất (ảnh: AFP)
Sau đó, vào đêm ngày 28/3, Phó Thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, ít nhất 8 người thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà cao tầng ở Bangkok. Ngoài ra, theo Reuters, có một người thiệt mạng ở địa điểm khác.
Số người ước tính bị mắc kẹt trong đống đổ nát cũng tăng lên – 110 người.
Ông Charnvirakul cho biết, ít nhất 12 người mắc kẹt đã được giải cứu. Các đội cứu hộ sẽ làm việc xuyên đêm.
Iran dọa làm “nổ tung” các căn cứ Mỹ ở Trung Đông
Hôm 28/3, Chủ tịch Quốc hội Iran cảnh báo, nước này sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp Trung Đông nếu Washington hành động cứng rắn.
Hồi đầu tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đã gửi một lá thư cho Lãnh đạo Iran – ông Ali Khamenei. Trong thư, ông Trump cảnh báo rằng có 2 cách để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran: “Bằng quân sự hoặc ký kết thỏa thuận”.
Ông Khamenei gọi thông điệp của ông Trump là “lừa dối”, trong khi Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho rằng, Iran không thể ngồi vào bàn đàm phán nếu Mỹ không thay đổi chính sách “gây áp lực tối đa”.
Ảnh vệ tinh tiết lộ ít nhất 3 chiếc B-2 Spirit của Mỹ xuất hiện trên đảo Diego Garcia (ảnh: Kyiv Post)
Phát biểu hôm 28/3, Chủ tịch Quốc hội Iran – ông Mohammad Qalibaf – cảnh báo, Iran có thể tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Trung Đông, nếu Mỹ hành động trước.
“Nếu Mỹ dám tấn công sự thiêng liêng của Iran, toàn bộ khu vực sẽ nổ tung như một vụ cháy kho đạn”, ông Qalibaf nói.
“Các căn cứ và đồng minh của họ sẽ không còn an toàn”, ông Qalibaf nói thêm.
Trước đó, hôm 25/3, hình ảnh vệ tinh nguồn mở do Planet Labs đăng tải cho thấy, một số máy bay ném bom B-2 Spirit của Mỹ xuất hiện trên đảo Diego Garcia (căn cứ quân sự Mỹ ở Ấn Độ Dương). Gần đó còn có máy bay tiếp liệu trên không KC-135 Stratotanker và 3 máy bay vận tải C-17.
Kyiv Post đưa tin, một số chuyên gia cho rằng Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc không kích lớn vào lực lượng Houthi ở Yemen. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công tầm xa hơn và Iran là mục tiêu.
Ảnh vệ tinh tiết lộ ít nhất 3 chiếc máy bay ném bom B-2 xuất hiện ở căn cứ Mỹ trên đảo Diego Garcia (ảnh: Kyiv Post)
Nga: Ukraine tấn công cơ sở năng lượng bằng tên lửa HIMARS
Bộ Quốc phòng Nga hôm 28/3 thông báo, lực lượng Ukraine sử dụng hệ thống pháo đa nòng HIMARS do Mỹ viện trợ để tấn công trạm khí đốt Sudzha ở vùng Kursk (Nga).
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong vòng 24 giờ qua, Ukraine đã tấn công hạ tầng năng lượng Nga ở 3 khu vực Belgorod, Kursk và Saratov.
Ở Kursk, lực lượng Ukraine sử dụng pháo HIMARS tấn công vào trạm đo khí đốt Sudzha. Địa điểm này trước đó đã bị tấn công một lần vào ngày 21/3 và hư hại nghiêm trọng.
“Vào khoảng 10h20 ngày 28/3, đối phương tiến hành vụ tấn công nhằm vào trạm đo khí đốt Sudzha, gây ra hỏa hoạn lớn và cơ sở này đã bị phá hủy hoàn toàn. Theo thông tin ban đầu, đối phương sử dụng tên lửa HIMARS”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Trong cuộc họp báo hôm 28/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Ukraine “tiếp tục” vi phạm lệnh ngừng bắn vào hạ tầng năng lượng và Nga có thể đáp trả.
“Phía Nga có quyền không tuân thủ lệnh ngừng bắn nếu chính quyền Kiev không thực hiện”, ông Peskov nói.
Một quan chức Ukraine (giấu tên) cho hay, lực lượng Ukraine “tuân thủ nghiêm ngặt” lệnh ngừng bắn và không tấn công trạm đo khí đốt Sudzha.
Trạm đo khí đốt Sudzha bốc cháy hôm 28/3 (ảnh: Reuters)
Hôm 28/3, giới chức Ukraine tuyên bố quân đội Nga phóng 163 máy bay không người lái (UAV) vào nhiều khu vực ở nước này, gây thiệt hại ở các vùng Kherson, Donetsk, Kharkiv, Dnipropetrovsk, Odessa và Zaporizhzhia.
Không quân Ukraine tuyên bố 89 UAV bị bắn hạ, 51 chiếc khác “biến mất” khỏi màn hình radar.
Naftogaz – công ty dầu khí lớn nhất Ukraine – cho hay, một số cơ sở sản xuất khí đốt của họ bị hư hại do UAV tập kích, nhưng không tiết lộ ở địa điểm nào.
Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter có tâm chấn ở Myanmar đã khiến quốc gia này cùng nước láng giềng Thái Lan chịu nhiều...