Thảm kịch động đất Myanmar: Một người mất 170 người thân quen
Khi lời cầu nguyện cuối cùng của tháng Ramadan vang lên, không ai ngờ đó cũng là những giây phút cuối cùng của hàng trăm tín đồ Hồi giáo ở Myanmar.
Ông Soe Nay Oo, cựu giáo sĩ Myanmar, đang sống ở Thái Lan. Ảnh: BBC
3 nhà thờ đổ sụp, 500 người thiệt mạng
Theo BBC, khi lời kêu gọi đi cầu nguyện vang vọng tại thành phố Sagaing (Myanmar) vào ngày 28/3, hàng trăm tín đồ Hồi giáo khẩn trương đến 5 nhà thờ ở thành phố thuộc miền trung Myanmar.
Họ háo hức thực hiện buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng Ramadan, khi chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Eid - thời khắc đánh dấu sự kết thúc của tháng linh thiêng này.
Nhưng rồi, vào lúc 12:51 trưa theo giờ địa phương, một trận động đất chết chóc ập đến. Ba nhà thờ Hồi giáo sụp đổ, trong đó có nhà thờ lớn nhất (tên là Myoma), khiến gần như tất cả những người bên trong thiệt mạng.
Cách đó hàng trăm km, cựu giáo sĩ của nhà thờ Myoma, ông Soe Nay Oo, cảm nhận rung chấn khi đang ở Mae Sot, một thị trấn gần biên giới Thái Lan.
Những ngày sau đó, ông nhận tin khoảng 170 người thân, bạn bè và các tín đồ mà ông quen biết đã thiệt mạng – phần lớn trong các nhà thờ bị đổ sập.
“Tôi nghĩ về tất cả những người đã mất, về những đứa trẻ mất cha mẹ - có những em còn rất nhỏ”, ông Soe nói với BBC. “Mỗi lần nhắc đến, tôi không thể kìm được nước mắt”.
Theo chính quyền quân sự Myanmar, tính tới ngày 1/4, số người thiệt mạng vì trận động đất diễn ra gần 2 thành phố Sagaing - Mandalay đã lên tới 2.719 và dự kiến vượt con số 3.000 người vào ngày 2/4. Con số này được dự báo sẽ còn tăng trong vài ngày tới khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân dưới đống đổ nát.
Một nhà sư đi qua khu đổ nát sau động đất ở thành phố Mandalay. Ảnh: Sai Aung MAIN
Khu vực hứng chịu động đất nổi tiếng với những ngôi chùa Phật giáo cổ kính, nhưng cũng là nơi sinh sống của một cộng đồng Hồi giáo đáng kể. Theo thống kê do lãnh đạo quân đội Myanmar, ông Min Aung Hlaing, công bố hôm 31/3, có khoảng 500 người Hồi giáo đã thiệt mạng vì động đất xảy ra khi họ đang cầu nguyện trong các nhà thờ.
Những nhân chứng ở Sagaing nói với BBC rằng con đường nơi các nhà thờ tọa lạc – đường Myoma – là khu vực bị tàn phá nặng nề nhất. Nhiều ngôi nhà khác trong khu vực này cũng đã sụp đổ.
Theo BBC, hàng trăm người đang phải sống tạm bên lề đường, hoặc vì đã mất nhà cửa, hoặc vì quá sợ hãi dư chấn nên không dám quay về. Lương thực cũng ngày càng khan hiếm.
Chỉ riêng tại nhà thờ Myoma, hơn 60 người đã thiệt mạng trong vụ sập đổ. Hàng chục người khác tử vong tại các nhà thờ Myodaw và Moekya. Các thi thể vẫn tiếp tục được tìm thấy dưới đống đổ nát vào ngày 1/4.
Có dấu hiệu cho thấy những người bên trong đã cố gắng thoát ra ngoài, theo lời ông Soe Nay Oo, người đã nhận được nhiều tin báo từ những người sống sót trong cộng đồng.
“Cả thế giới sụp đổ”
Đống đổ nát ở nhà thờ Myoma (Myanmar). Ảnh: BBC
Ông Soe hiện sống ở thành phố Mae Sot, Thái Lan, cùng vợ và con gái, sau khi rời Myanmar không lâu sau cuộc chính biến năm 2021.
Ông được nghe kể rằng nhiều thi thể nạn nhân động đất được tìm thấy bên ngoài sảnh cầu nguyện chính, trong khu vực dành cho nghi thức tẩy rửa. Một số nạn nhân qua đời khi vẫn đang nắm chặt tay người khác, dường như trong nỗ lực kéo họ ra khỏi tòa nhà đang sụp đổ.
Trong số những người thân yêu của ông thiệt mạng trong vụ động đất, có một người chị họ của vợ.
“Chị ấy là người thể hiện tình yêu thương với chúng tôi nhiều nhất”, ông Soe nghẹn ngào nói. “Ai trong gia đình cũng yêu quý chị ấy. Mất mát này thực sự quá lớn”.
Một người anh họ khác của vợ ông Soe - một doanh nhân đáng kính, từng hành hương đến thánh địa Mecca - cũng chịu chung số phận.
“Ông ấy luôn gọi tôi là ‘Nyi Lay’ (em trai nhỏ trong tiếng Myanmar)… Khi tôi kết hôn, ông ấy nói rằng từ nay chúng ta là gia đình và luôn đối xử với tôi như em trai ruột”, ông Soe kể lại. “Bất cứ khi nào tôi cần, ông ấy luôn có mặt. Tôi đã mất đi những người mà tôi coi là anh em ruột thịt”.
Cựu giáo sĩ Myanmar cũng đau đớn khi nhắc đến người phụ tá cũ của ông - một người làm việc chăm chỉ và có giọng đọc Kinh Quran đầy cảm xúc.
Theo BBC, mỗi lần nghe tin về một người quen vừa qua đời, ông lại trải qua một đợt đau đớn mới. “Tôi cảm thấy như cả thế giới sụp đổ. Trong đầu tôi chỉ hiện lên những kỷ niệm với họ”.
Điều tối kỵ theo nghi thức Hồi giáo
Tòa nhà tại trạm cứu hỏa Sagaing bị sập sau động đất. Ảnh: BBC
Như các khu vực khác ở Myanmar chịu ảnh hưởng của trận động đất, cộng đồng Hồi giáo ở Sagaing cũng đang chật vật đối phó với số lượng thi thể quá lớn.
Tình hình càng trở nên phức tạp bởi cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng kháng chiến. Nghĩa trang Hồi giáo ở Sagaing nằm gần một khu vực do Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) kiểm soát, và đã bị đóng cửa với người dân địa phương suốt nhiều năm.
Do đó, cộng đồng Hồi giáo phải đưa các thi thể đến Mandalay để chôn cất, vượt qua sông Irrawaddy bằng cây cầu duy nhất nối hai thành phố. Thi thể của họ đang được đặt trong nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Mandalay để chờ mai táng. Một số người đã không thể được chôn cất trong vòng 24 giờ sau khi mất - điều tối kỵ theo nghi thức Hồi giáo.
“Với người Hồi giáo, điều đau đớn nhất là không thể tự tay mai táng người thân vào cuối hành trình của họ”, ông Soe nói.
Những người sống sót vẫn đang nỗ lực cứu hộ, dù họ đang phải vật lộn với nỗi đau và mất mát. “Có những người nói với tôi: ‘Hãy cầu nguyện cho chúng tôi’. Nhưng thực sự, khi nói chuyện với họ, tôi cảm nhận được rằng nỗi đau này lớn đến mức không thể diễn tả bằng lời”, ông Soe kể.
Ông Soe đã không thể ngủ suốt nhiều ngày qua. Ông càng lo lắng hơn khi vẫn chưa thể liên lạc với một số người thân, bao gồm cả anh chị em ruột của mình ở Mandalay. Hiện tại, ông đang tập trung vào việc kết nối thông tin cứu hộ ở Sagaing.
Trận động đất 7,7 độ ở Myanmar xảy ra do hai mảng kiến tạo Ấn Độ và Sunda trượt qua nhau ở Đường đứt gãy Sagaing và giải...