Số phận kì lạ của chú lợn bị nhốt trong tàu chiến Nhật, cách vụ nổ bom hạt nhân Mỹ chỉ 400m
Trong khi hầu hết các loài động vật chết trong hoặc sau vụ nổ hạt nhân, một sinh vật được cho là đã sống khỏe tới tận 4 năm sau và thu hút được nhiều sự chú ý.
Video: Động vật được đưa lên thuyền để tới địa điểm thử bom nguyên tử của Mỹ. Nguồn: Reuters
Bom hạt nhân không chỉ làm thay đổi lịch sử, mà còn tác động đến những sinh vật không thể lên tiếng. Từ đảo Bikini đến nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, rồi tới sa mạc New Mexico, số phận của những động vật trong vùng ảnh hưởng của phóng xạ đã tạo nên những câu chuyện đầy bất ngờ nhưng cũng có phần thê thảm. Loạt bài kỳ này giúp độc giả hiểu thêm phần nào về những tác động của phóng xạ lên động vật. |
Vào giữa năm 1946, Mỹ đã thực hiện 2 vụ thử vũ khí hạt nhân tại một hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương. Đáng chú ý, có nhiều động vật được đưa vào khu vực của 2 vụ nổ hạt nhân.
Trong khi nhiều động vật chết ngay lập tức bởi sức phá hủy của các vụ nổ, một số vẫn sống, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Trong đó, câu chuyện bí ẩn về một chú lợn đặc biệt đã gây tò mò.
Theo Newsweek, chú lợn này (còn được gọi với bí số 311) được cho là đã sống sót sau vụ thử nghiệm đầu tiên trong 2 vụ thử bom nguyên tử và được đưa trở lại Mỹ, nơi nó sống thêm 4 năm nữa.
Bức ảnh được cho là chụp chú lợn 311 và các thủy thủ Mỹ. Ảnh: PAST DAILY GALLIMAUFRY
Các vụ thử nghiệm hạt nhân này được thực hiện trong khuôn khổ một chương trình quân sự có tên "Operation Crossroads", diễn ra chưa đầy một năm sau khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào ngày 6/8 và 9/8/1945.
Hai vụ thử nghiệm – được gọi là "Able" và "Baker" – diễn ra lần lượt vào ngày 1/7 và 25/7/1946 tại đảo Bikini, thuộc quần đảo Marshall, ở trung tâm Thái Bình Dương.
Mục tiêu của các vụ thử nghiệm là nghiên cứu tác động của các vụ nổ hạt nhân đối với tàu hải quân, với hơn 90 tàu được sử dụng làm mục tiêu, bao gồm các thiết giáp hạm và tàu ngầm của Mỹ đã hết thời gian sử dụng, cũng như các tàu chiến của Đức và Nhật bị bắt giữ.
Trên 22 tàu mục tiêu, quân đội Mỹ cũng bố trí hàng nghìn động vật - chủ yếu là chuột (chuột lang và chuột nhắt), lợn và dê - để nghiên cứu cách các vụ nổ bom ảnh hưởng đến chúng.
"Một số động vật được sử dụng không chỉ để nghiên cứu tác động của phóng xạ đối với cá thể, mà còn cả hậu quả sức khỏe lâu dài đối với các thế hệ sau", Jennifer Knox, nhà phân tích chính sách và nghiên cứu cho Chương trình An ninh Toàn cầu, tại UCS (một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Mỹ), nói với phóng viên của tờ Newsweek.
"Vì lý do này, các động vật được đặt ở các khoảng cách khác nhau so với trung tâm vụ nổ hạt nhân hoặc được che chắn bằng các vật liệu khác nhau, làm thay đổi liều lượng phóng xạ mà chúng nhận được và mức độ tiếp xúc trực tiếp với vụ nổ".
Tác động của bom nguyên tử lên động vật
Một đám mây hình nấm nhìn từ đảo Eneu, nằm ở rìa phía đông nam của đảo Bikini, là kết quả của vụ thử bom nguyên tử "Able" tháng 7/1946. Ảnh: Corbis
Theo một báo cáo chính thức từ năm 1947, các động vật tham gia chương trình thử nghiệm bom nguyên tử được chuyển đến một tàu hỗ trợ có tên là U.S.S. Burleson để kiểm tra và chăm sóc y tế ngay sau vụ nổ Able – vụ thử nghiệm mà hầu hết các động vật đã được đưa vào. Khoảng 10% số động vật chết ngay trong vụ nổ. Nhiều con khác chết trong những ngày và tuần sau đó do ảnh hưởng của nhiễm độc phóng xạ. Số ít con còn sống được đưa trở lại Mỹ để tiếp tục nghiên cứu.
Chú lợn số 311 cũng nằm trong số động vật thí nghiệm ở cuộc thử bom nguyên tử đầu tiên. Theo các thông tin trên truyền thông từ thập niên 40, chú lợn này đã bị nhốt trong phòng vệ sinh trên tàu tuần dương Nhật Bản Sakawa trong vụ thử nghiệm Able.
Vụ nổ đã khiến tàu Sakawa, nằm cách điểm kích nổ khoảng gần 400m, bốc cháy dữ dội trong 24 giờ trước khi chìm vào ngày 2/7/1946.
Bằng cách nào đó, chú lợn số 311 đã sống sót sau vụ nổ và vụ chìm tàu. Nó được phát hiện đang bơi trong đầm phá thuộc đảo san hô Bikini một ngày sau đó, theo các bài báo thời điểm đó. Tạp chí Life (Mỹ) năm 1947 cho biết, chú lợn 311 là động vật duy nhất sống sót trên tàu Sakawa.
Khi được tìm thấy, chú lợn 6 tháng tuổi nặng 22kg đã có dấu hiệu bị nhiễm độc phóng xạ. Một bài viết trên tạp chí Time (Mỹ) năm 1949 cho biết chú lợn 311 "dễ bị kích động và có số lượng hồng cầu thấp", nhưng trong vòng một tháng, nó dường như đã hồi phục.
Sau đó, 311 được đưa trở lại viện Nghiên cứu Y học Hải quân tại Bethesda, bang Maryland (Mỹ), để nghiên cứu. Một năm sau vụ thử nghiệm, nó đã phát triển từ một chú lợn con thành một chú lợn trưởng thành nặng hơn 1 tạ.
Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu định kỳ của 311 để đánh giá những tổn thương mà nó phải chịu từ phóng xạ, nhưng chú lợn dường như ở trong tình trạng tương đối tốt, ngoại trừ việc nó bị vô sinh. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm lai tạo nhiều lần nhưng không thành công, mặc dù không rõ liệu điều này có phải do tác động của vụ nổ hạt nhân hay không.
Vào tháng 4/1949, chú lợn 311 - lúc đó nặng hơn 2 tạ - được tặng cho Vườn thú Quốc gia Smithsonian ở Washington, D.C., nơi nó trở thành tâm điểm chú ý của khách tham quan. Nhà báo đoạt giải Pulitzer Walter Pincus đã viết về chú lợn số 311 trong cuốn sách xuất bản năm 2021 của ông - Blown to Hell: America's Deadly Betrayal of the Marshall Islanders (tạm dịch: Từ vụ nổ đến địa ngục: Mỹ và Sự Phản Bội đẫm máu với người dân quần Đảo Marshall).
Sau 3 năm kể từ chương trình quân sự Operation Crossroads, phần lớn trong số hàng nghìn động vật được sử dụng trong các vụ thử nghiệm hạt nhân đã chết, nhà báo Pincus cho hay.
Chú lợn số 311 cũng không phải là ngoại lệ. Nó chết vào ngày 8/7/1950 – chỉ hơn 4 năm sau khi nó tiếp xúc với bom nguyên tử. Nguyên nhân cái chết của chú lợn không được tiết lộ.
Bí ẩn về sự sống sót thần kỳ của 311
Đảo Bikini là địa điểm Mỹ sử dụng để thử nghiệm bom nguyên tử vào thập niên 40. Ảnh: Corbis
Theo Newsweek, có một số nghi vấn về hoàn cảnh sống sót kỳ diệu của chú lợn 311 trước vụ nổ hạt nhân. Không rõ chính xác bằng cách nào nó thoát ra khỏi con tàu. Một bài báo địa phương từ năm 1946 cho rằng 311 không có mặt trên tàu Sakawa vào thời điểm thử nghiệm. Theo bài báo này, một cuộc điều tra cho thấy chú lợn 311 đã bị lạc mất trước khi được đưa lên tàu Sakawa rồi xuất hiện trở lại vào ngày hôm sau.
Mặc dù câu chuyện về chú lợn số 311 chưa được làm rõ, nhưng Kathryn Higley, giáo sư tại Trường Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân thuộc Đại học Bang Oregon (Mỹ), cho rằng một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự sống sót của động vật trong chương trình Operation Crossroads.
"Vụ nổ của một vũ khí hạt nhân tạo ra mức độ phóng xạ, nhiệt độ cao và sóng xung kích mạnh. Tùy thuộc vào vị trí của các loài động vật, mức độ hủy diệt của vụ nổ sẽ là một phần hoặc hoàn toàn", bà Higley nói.
"Khi ảnh hưởng đến cơ thể, phóng xạ có thể gây tổn thương tế bào. Nếu số lượng tế bào bị tổn thương đủ lớn, chức năng của cơ quan chứa tế bào đó có thể bị suy giảm hoặc thậm chí cơ quan dó có thể ngừng hoạt động", nữ giáo sư nói thêm.
Tác động đáng sợ của các vụ thử nghiệm hạt nhân của Mỹ
Một vụ thử bom nguyên tử của Mỹ ở quần đảo Marshall năm 1954. Ảnh: NOAA
Tác động của các vụ thử nghiệm không chỉ ảnh hưởng đến động vật. Theo Newsweek, tổng cộng, Mỹ đã thực hiện 67 vụ thử nghiệm hạt nhân tại quần đảo Marshall trong thập niên 40 và 50 của thế kỷ 20, để lại sự ô nhiễm phóng xạ vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
"Đáng buồn thay, tác động của các vụ thử nghiệm này không chỉ giới hạn ở động vật", Jennifer Knox, nhà phân tích chính sách và nghiên cứu cho Chương trình An ninh Toàn cầu, tại UCS (một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Mỹ), nói. "Các cộng đồng người bản địa trên quần đảo Marshall cũng bị phơi nhiễm phóng xạ và phải chịu di chứng ô nhiễm môi trường lâu dài".
Các nạn nhân vẫn phải đối mặt với hậu quả nhân đạo từ các vụ thử nghiệm, với tỷ lệ mắc ung thư, thai chết lưu, sảy thai, dị tật bẩm sinh, và các vấn đề sinh sản cao hơn đáng kể, cùng với những tác động lâu dài đến sức khỏe và môi trường.
---------------------
Khi nhắc đến Chernobyl, nhiều người nghĩ ngay đến một vùng đất chết, nơi không một sinh vật nào có thể tồn tại trước sức hủy diệt của phóng xạ. Nhưng liệu điều đó có hoàn toàn đúng? Gần 40 năm sau thảm họa, ít nhất có 3 loài vượt qua giới hạn của tự nhiên chứng minh điều ngược lại đang xảy ra ở vùng cấm hạt nhân này. Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo đăng lúc 12h trưa 1/5 để tìm hiểu về 3 loài này.
Với mục đích do thám các thông tin mật từ Liên Xô, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chi hàng chục triệu USD để...