Ông lớn châu Âu phản đối kế hoạch hòa bình của ông Trump ở Ukraine
Trong bối cảnh đàm phán giữa phương Tây và Nga đang bước vào giai đoạn then chốt, một cường quốc ở châu Âu tuyên bố Ukraine phải là bên quyết định mọi điều khoản của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, đồng thời bác bỏ đề xuất công nhận Crimea thuộc Nga (một phần trong kế hoạch của ông Trump).
Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: No 10 Downing Street
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của The Telegraph ngay 24/4 khi đang thăm tàu sân bay HMS Prince of Wales của Hải quân Hoàng gia Anh, Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định:
“Cuối cùng, chính Ukraine mới là bên phải quyết định những điều đó – không ai có quyền quyết định thay họ. Nga phải ngồi vào bàn đàm phán và đồng ý ngừng bắn vô điều kiện".
Ông Starmer từ chối ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào công nhận Crimea – bán đảo sáp nhập Nga năm 2014 – là lãnh thổ Nga, đồng thời nhấn mạnh, Kiev cần được toàn quyền quyết định trong tiến trình đàm phán.
Theo Telegraph, Thủ tướng Anh cũng bác bỏ quan điểm của ông Trump, người trước đó cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang “kéo dài thương vong” và cản trở thỏa thuận hòa bình.
“Không. Ông Zelensky đã chọn ở lại chiến đấu thay vì rời đất nước trong tuần đầu tiên của cuộc xung đột. Điều đó thể hiện sự dũng cảm và kiên cường", ông Starmer khẳng định.
Bất đồng sâu sắc với Mỹ về Crimea
Các bất đồng công khai giữa Anh và Mỹ cũng phản ánh không khí căng thẳng phía sau hậu trường, nơi giới chức Anh đang nỗ lực vận động để điều chỉnh bản dự thảo thỏa thuận do Nhà Trắng đề xuất, theo hướng có lợi hơn cho Ukraine.
Crimea tiếp tục là điểm vướng lớn nhất. Một kế hoạch gồm 5 điểm do phía Ukraine soạn thảo, hiện đã được trình lên bàn làm việc của ông Trump, làm rõ các lập trường không khoan nhượng. Ông Zelensky khẳng định tại một cuộc họp báo ở Nam Phi: “Sau đề xuất từ phía Mỹ, các tài liệu khác đã xuất hiện, và tôi tin rằng tài liệu này hiện đang trên bàn của Tổng thống Trump. Bất cứ điều gì đi ngược lại giá trị hoặc hiến pháp của chúng tôi sẽ không thể là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào”.
Crimea được cho là điểm vướng lớn nhất để tiến tới kế hoạch hòa bình ở Ukraine. Ảnh: Reuters
Tài liệu mà The Telegraph có được cho thấy Ukraine muốn loại bỏ hoàn toàn bất kỳ hình thức nào công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea hay các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng khác.
Hai điểm đầu tiên của kế hoạch do Ukraine đề xuất nhấn mạnh rằng thỏa thuận hòa bình phải “dựa trên luật pháp quốc tế, không phải đầu hàng”, đồng thời cảnh báo rằng nếu phương Tây nhượng bộ Nga tại Ukraine, điều đó có thể tạo tiền lệ không tốt.
Điểm thứ ba là tìm cách giành lại thế chủ động đàm phán từ tay ông Trump, đưa Ukraine trở lại làm trung tâm của tiến trình hòa bình.
Điểm thứ tư cảnh báo rằng để Nga tiếp tục kiểm soát Crimea sẽ đe dọa không chỉ Ukraine mà cả các nước đồng minh NATO ở Biển Đen như Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria.
Điểm cuối cùng khẳng định Nga không được sử dụng thỏa thuận hòa bình để hạn chế quy mô quân đội hoặc năng lực công nghiệp quốc phòng của Ukraine.
Liên minh ủng hộ Ukraine bị thu hẹp, ưu tiên tái vũ trang Ukraine
Dù có những khác biệt với Mỹ, Thủ tướng Starmer vẫn khẳng định châu Âu không thể từ bỏ quan hệ an ninh với Washington: “Có nhiều người đang kêu gọi một hướng đi chỉ dựa vào châu Âu, thay vì kết hợp giữa châu Âu và Mỹ. Nhưng tôi cho rằng điều đó là sai lầm – không chỉ với Ukraine, mà còn trong bối cảnh rộng hơn. Chính sự hợp tác trong NATO đã đảm bảo hòa bình cho chúng ta”.
“Nhiệm vụ của chúng ta giờ đây không phải là nhìn lại 80 năm của liên minh thành công nhất lịch sử, mà là đảm bảo nó tiếp tục tồn tại trong những thập kỷ tới”, Thủ tướng Anh nói thêm.
Tuy nhiên, theo tờ The Times, kế hoạch triển khai hàng nghìn binh sĩ phương Tây tới Ukraine trong khuôn khổ liên minh “các nước tự nguyện” (do Anh, Pháp thành lập) hiện đã bị thu hẹp đáng kể, do rủi ro bị kéo vào xung đột trực tiếp với Nga quá cao.
Thay vào đó, trọng tâm sẽ chuyển sang việc tái thiết và tái vũ trang quân đội Ukraine, cung cấp các năng lực phòng thủ từ trên không và trên biển. Quân huấn luyện người Anh và Pháp sẽ được gửi đến miền tây Ukraine.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 24/4 nói Ukraine sẽ phải chấp nhận một số nhượng bộ nếu muốn đạt được thỏa thuận hòa...