Chia sẻ

Người Bangkok phát hoảng với các tòa nhà cao tầng

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Khi mặt đất bắt đầu rung chuyển bên dưới ngôi nhà ở Bangkok, Kanittha Thepasak nghĩ rằng cô bị chóng mặt. Sau đó, cô nghe thấy một tiếng kẽo kẹt kỳ lạ, chiếc đèn chuyển động và rèm bị kéo sang một bên, phía ngoài là những chiếc ô tô lắc lư như thuyền trên biển.

Công tác cứu hộ tại hiện trường vụ sập tòa nhà 30 tầng đang xây dựng dở ở Bangkok. (Ảnh: Getty)

Công tác cứu hộ tại hiện trường vụ sập tòa nhà 30 tầng đang xây dựng dở ở Bangkok. (Ảnh: Getty)

Đường phố tràn ngập những người vội vã chạy khỏi những tòa nhà chung cư, tòa tháp văn phòng bằng kính và những công trình xây dựng dang dở xung quanh.

Giờ đây, Kanittha sợ hãi khi nghĩ đến việc phải trở lại văn phòng nơi cô làm việc. Nó ở tầng 29.

"Tôi phát hoảng, tôi lo lắng. Người Thái không có hiểu biết cơ bản về động đất vì chúng tôi chưa bao giờ thực sự trải qua", cô cho biết.

Trận động đất ngày 28/3 tàn phá Myanmar, trong khi gây thiệt hại ít hơn ở nước láng giềng Thái Lan. Tuy nhiên, sức mạnh khủng khiếp của trận động đất 7,7 độ khiến người dân Bangkok, một thành phố của những tòa tháp, cực kỳ lo lắng.

Ngày 30/3, Chính phủ Thái Lan chỉ đạo kiểm tra hàng trăm công trình để đảm bảo những nơi đó vẫn có thể ở được.

Cảnh tượng tàn khốc nhất trong thảm họa lần này là tòa cao ốc văn phòng đang xây dựng dở đổ sụp hoàn toàn. Đến nay đã có ít nhất 11 công nhân được xác nhận tử vong và khoảng 75 người vẫn mất tích. Các đội cứu hộ tiếp tục tìm kiếm trong đống đổ nát bằng máy xúc và chó nghiệp vụ để tìm kiếm nạn nhân. Mùi tử thi đã bốc lên nồng nặc.

Video về cảnh sụp đổ tòa nhà 30 tầng gây ám ảnh với nhiều người, làm thay đổi cách nghĩ của họ về thành phố nơi mình đang sống.

Trong khoảng 1 thập kỷ, Bangkok phát triển bùng nổ với hàng loạt tòa nhà cao ốc, tàu điện ngầm và tàu điện trên cao. Nhưng giờ đây, những công trình từng được coi là dấu hiệu kinh tế phát triển đang gây lo ngại về chất lượng.

Somreutal Nilbanjong, 34 tuổi, nhìn chằm chằm vào một tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố khi đi bộ về nhà trong chiều 30/3. Khi được hỏi đang nghĩ gì, cô cho biết: "Tôi sợ khi nhìn nó", cô nói với New York Times.

Cô lướt điện thoại cho đến khi tìm thấy bức ảnh chụp đống đổ nát cách đó vài kilomet, nơi tòa nhà xây dựng dở đổ sụp. Nilbanjong cho biết cô cảm thấy rùng mình và nổi da gà trên cánh tay. "Tôi sợ điều đó sẽ xảy ra lần nữa", cô nói.

Chính phủ Thái Lan đang cố gắng xoa dịu sự lo lắng của người dân. Ngay sau trận động đất, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra ban hành cảnh báo khẩn cấp khuyến cáo mọi người thận trọng với các trận dư chấn trong 24 giờ tiếp theo.

Tối hôm đó, bà thông báo rằng tình hình đã ổn định và người dân có thể trở về nhà. Ngày 29/3, nữ Thủ tướng đi trên tuyến đường sắt trên cao của Bangkok, gọi là Skytrain, để chứng minh rằng hệ thống này vẫn an toàn.

Skytrain bị đóng cửa sau trận động đất và được kiểm tra trước khi mở lại. Nhưng dù các hoạt động của thành phố đã trở lại bình thường, nhiều người vẫn chưa hết sợ khi nghĩ đến thảm họa thường chỉ xảy ra ở Nhật Bản hoặc Đài Loan (Trung Quốc).

Kanittha cho biết trải nghiệm lần này khiến cô nghĩ đến những câu chuyện trong manga Nhật Bản về thảm họa. Nhiều người cho biết họ không quá lo sợ, nhưng vẫn cảm thấy hoài nghi về những tòa nhà bằng kính.

Cầu nối hai tòa nhà chung cư cao tầng ở Bangkok bị hư hỏng sau trận động đất ngày 28/3. (Ảnh: Reuters)

Cầu nối hai tòa nhà chung cư cao tầng ở Bangkok bị hư hỏng sau trận động đất ngày 28/3. (Ảnh: Reuters)

Sự kiện bước ngoặt

Jiraporn Jaichob, 41 tuổi, một chủ quán đồ uống ở Bangkok, cho biết cô định mua một chiếc đài radio vì sóng điện thoại dễ bị ngắt khi thảm họa xảy ra.

Cô ấy cũng chuẩn bị một túi đựng đồ dùng cho gia đình với những tài liệu và vật dụng quan trọng. “Với trận động đất này, chúng tôi đã học được rằng không biết điều gì có thể xảy ra trong tương lai”, cô cho biết.

Thái Lan nâng cấp quy định về xây dựng chống động đất từ năm 2007. Các chuyên gia cho biết, phần lớn các tòa nhà của Bangkok đủ mạnh để chịu đựng sự kiện địa chấn hiếm gặp. Tuy nhiên, một số kỹ sư kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn và nâng cấp tiêu chuẩn.

"Hãy nhìn Nhật Bản, họ vẫn tiếp tục phát triển luật pháp và thiết kế của mình. Chúng ta cũng nên làm như vậy", ông Suchatvee Suwansawat, giáo sư kỹ thuật dân dụng tại Đại học King Mongkut và là cựu chủ tịch Hội đồng Kỹ sư Thái Lan, cho biết.

Sự sụp đổ của tòa nhà 30 tầng trong trận động đất lần này có thể là một bước ngoặt.

Tiến sĩ Suchatvee cho biết, tòa nhà không được cong vênh. Ông cho rằng có điều gì đó không ổn trong thiết kế, thực hiện hoặc giám sát. Tòa nhà được Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc số 10 xây dựng trong 4 năm qua. Chính phủ Thái Lan hứa sẽ điều tra và báo cáo kết quả trong vòng 1 tuần.

Đến nay, không khí đau buồn và bụi bặm vẫn bao trùm hiện trường, nơi đội cứu hộ tiếp tục tìm kiếm.

Cách đó một đoạn, bố của một công nhân Pakistan nói với các phóng viên rằng ông và mọi người đang cầu nguyện trong các ngôi đền trên khắp Thái Lan và hy vọng ít nhất một nửa số công nhân sẽ sống sót.

Aubonrat Setnawet cũng vẫn hy vọng sẽ có tin tốt về chồng mình. "Chưa có gì cập nhật cả", cô nói khẽ, khi đang ngồi cạnh người thân trong tiếng ồn ào từ máy đào và xe đổ rác.

Số người thiệt mạng sau trận động đất kinh hoàng ở Myanmar tăng lên, khi cơ hội sống sót của những người mắc kẹt ngày...

Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Động đất ở Myanmar

Xem Thêm