Mỹ điều động khí tài chiến tranh đến Trung Đông giữa căng thẳng gia tăng với Iran
Lầu Năm Góc cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã chỉ đạo tăng cường năng lực quân sự của Mỹ tại Trung Đông bằng việc bổ sung các máy bay chiến đấu, trong bối cảnh Mỹ tiến hành chiến dịch ném bom vào Yemen suốt 2 tuần qua và căng thẳng gia tăng với Iran.
Một máy bay ném bom B-2 của Mỹ. (Nguồn: US Air Force)
Thông cáo của Lầu Năm Góc không nêu rõ những máy bay nào được điều đến. Reuters dẫn thông tin từ các quan chức giấu tên cho biết, 6 máy bay ném bom B-2 đã được điều động trong tuần qua đến căn cứ quân sự của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương.
Theo các chuyên gia, việc di chuyển này đưa B-2, dòng máy bay được trang bị công nghệ tàng hình và có thể mang những quả bom và vũ khí hạt nhân nặng nhất của Mỹ, vào vị trí lý tưởng để hoạt động ở Trung Đông.
"Nếu Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của họ đe dọa đến nhân sự và lợi ích của Mỹ trong khu vực, Mỹ sẽ có hành động quyết đoán để bảo vệ người của chúng tôi", người phát ngôn của Lầu Năm Góc Sean Parnell tuyên bố.
Bộ Tư lệnh Chiến lược của quân đội Mỹ từ chối tiết lộ có bao nhiêu máy bay B-2 đã đến Diego Garcia. Mỹ dự kiến sẽ có 2 tàu sân bay hiện diện ở khu vực.
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ ném bom và áp thuế gián tiếp nếu Tehran không tiến tới thỏa thuận với Washington về chương trình hạt nhân.
Ngày 31/3, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố Mỹ sẽ hứng đòn mạnh nếu ông Trump thực hiện những đe dọa mà ông đưa ra.
Chỉ huy Lực lượng Không gian vũ trụ thuộc Vệ binh Cách mạng Amirali Hajizadeh đe dọa các lực lượng Mỹ ở Trung Đông: "Họ đang ở trong một ngôi nhà kính và không nên ném đá".
Các máy bay ném bom B-2 đã được sử dụng để tấn công lực lượng Houthi ở Yemen, nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc sử dụng máy bay ném bom tàng hình ở đó là quá mức cần thiết.
B-2 được trang bị để mang loại bom mạnh nhất của Mỹ - GBU-57 Massive Ordnance Penetrator, nặng 13.600 kg. Các chuyên gia cho rằng vũ khí này có thể được sử dụng để tấn công cơ sở hạt nhân của Iran. Không quân Mỹ chỉ có 20 máy bay ném bom B-2 nên chúng thường được sử dụng một cách hạn chế.
Một quan chức Mỹ cho biết, quân đội nước này cũng đang di chuyển một số hệ thống phòng không từ châu Á đến Trung Đông.
Trong nhiệm kỳ 2017-2021, ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới, trong đó đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt đối với chương trình làm giàu nhiên liệu hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt.
Ông Trump cũng tái áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện đối với Iran. Kể từ đó, Iran đã vượt xa giới hạn nêu ra trong thỏa thuận về làm giàu uranium.
Các cường quốc phương Tây cho rằng Iran đang bí mật phát triển vũ khí hạt nhân bằng cách làm giàu uranium lên gần cấp độ vũ khí. Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn phục vụ mục đích dân sự.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị về tình hình bán đảo Triều Tiên cũng như chương trình hạt nhân của Iran, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong thông cáo đưa ra cuối ngày 1/4.
Ông Vương Nghị đang có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Mátxcơva, nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác chiến lược trong bối cảnh tình hình địa - chính trị có nhiều thay đổi.
Tháng trước, Trung Quốc và Nga cho biết, các cuộc đàm phán hạt nhân với Tehran như Mỹ yêu cầu chỉ nên được nối lại dựa trên "sự tôn trọng lẫn nhau" và mọi lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ.
"(Các Bộ trưởng) đã đề cập đến những vấn đề khu vực liên quan đến bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân của Iran, tình hình ở Trung Á", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong thông cáo, nhưng không nêu cụ thể.
Lãnh đạo tối cao Iran – ông Ayatollah Ali Khamenei – cảnh báo, Mỹ sẽ phải chịu một đòn “mạnh tay” nếu dám ném bom Iran...