Anh, Pháp không ưng nghị quyết của Mỹ, vì sao không phủ quyết ở Hội đồng Bảo an?
Anh và Pháp là 2 trong số 5 quốc gia có ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với quyền bác bỏ bất kì nghị quyết nào. Tuy nhiên, nghị quyết của Mỹ về xung đột Nga –Ukraine hôm 24/2 được thông qua trong khi Anh và Pháp bỏ phiếu trắng.
Đại sứ Nga bày tỏ sự ủng hộ với nghị quyết của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 24/2. Ảnh: Reuters.
Theo tờ Financial Times, một nghị quyết của Mỹ kêu gọi "chấm dứt nhanh chóng" xung đột ở Ukraine hôm 24/2 đã được Hội đồng Bảo an Liên (HĐBA) Hợp Quốc thông qua. 10/15 quốc gia trong HĐBA bỏ phiếu thuận, bao gồm 3 quốc gia thường trực là Mỹ, Trung Quốc và Nga. 5 quốc gia châu Âu gồm Pháp, Anh, Đan Mạch, Hy Lạp và Slovenia đều bỏ phiếu trắng.
Đáng chú ý, Anh và Pháp là hai quốc gia thường trực của HĐBA và có đặc quyền phủ quyết bất cứ nghị quyết nào. Đây được coi là cú sốc mới nhất giáng vào sự thống nhất của phương Tây, chỉ một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Không thể thay đổi lập trường của Mỹ
Theo FT, Anh và Pháp đã bỏ phiếu trắng sau khi thất bại trong nỗ lực cuối cùng nhằm trì hoãn cuộc bỏ phiếu quyết định, cũng như không thể làm thay đổi lập trường của Mỹ.
“Nghị quyết này đưa chúng ta đến con đường hòa bình. Đây là bước đầu tiên, nhưng là bước quan trọng – một trong những bước mà tất cả chúng ta nên tự hào”, Dorothy Shea, đại sứ lâm thời của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nói về nghị quyết do Mỹ soạn thảo. “Bây giờ chúng ta phải sử dụng nó để xây dựng một tương lai hòa bình cho Ukraine, Nga và cộng đồng quốc tế”, bà nói thêm.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có tính ràng buộc theo quy định của luật pháp quốc tế. Nghị quyết của Mỹ không cáo buộc Nga có lỗi trong xung đột, cũng không đề cập vấn đề chủ quyền tại các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga sáp nhập, chỉ hướng tới mục tiêu chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình lâu dài.
Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc, Nicolas de Riviere bày tỏ sự phản đối dù Paris bỏ phiếu trắng: “Sẽ không có hòa bình và an ninh ở bất cứ đâu trên thế giới nếu hành vi chiếm giữ lãnh thổ được đền đáp và nếu luật rừng chiến thắng”.
Đại sứ Anh không lên tiếng bình luận nhưng London đang nổi lên là quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất với việc Thủ tướng Keir Starmer tuyên bố áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Cú sốc với Anh và Pháp
Nghị quyết được Mỹ đưa ra bỏ phiếu tại HĐBA trong khi ông Trump gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Nhà Trắng. Ảnh: AFP.
Trên thực tế, Anh và Pháp đã không sử dụng đặc quyền tại HĐBA kể từ năm 1989, sau khi hai nước này bác bỏ một nghị quyết lên án Mỹ phát động chiến dịch tấn công Panama.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do giải thích quyết định trên. Thứ nhất, Anh và Pháp là hai đồng minh thân cận của Mỹ và phần lớn các nghị quyết quan trọng tại HĐBA kể từ năm 1989 đã phản ánh lợi ích chung của phương Tây. Mỹ thường là quốc gia sử dụng quyền phủ quyết khi cần thiết, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến Israel hoặc các chính sách đối ngoại mà Anh và Pháp cũng ủng hộ.
Thứ hai, sau Chiến tranh Lạnh, Anh và Pháp ngày càng ưu tiên cách tiếp cận ngoại giao mềm dẻo hơn, tìm kiếm sự đồng thuận thay vì đối đầu trực tiếp bằng quyền phủ quyết. Việc phủ quyết có thể khiến hai nước này mất đi sự ủng hộ từ các đồng minh châu Âu cũng như các nước đang phát triển.
Thứ ba, việc phủ quyết một nghị quyết thường khiến quốc gia đó bị chỉ trích và đối mặt nguy cơ bị quốc tế cô lập. Anh và Pháp với tư cách là hai quốc gia châu Âu có vai trò quan trọng trong Liên Hợp Quốc, muốn duy trì hình ảnh là những bên thúc đẩy đối thoại và hợp tác thay vì ngăn chặn các giải pháp đa phương.
Cuối cùng, nhiều vấn đề quan trọng trong Hội đồng Bảo an, chẳng hạn như xung đột Israel - Palestine, Syria hay Ukraine, đã bị phủ quyết bởi Mỹ hoặc Nga trước khi Anh và Pháp cần hành động. Điều này khiến hai nước này không bị rơi vào tình thế phải sử dụng quyền phủ quyết.
Shelby Magid, phó giám đốc Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết việc Pháp, Anh và các nước châu Âu khác bỏ phiếu trắng cho thấy thực tế là châu lục chưa tìm được tiếng nói chung với Mỹ.
Bà Magid nói mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương chưa đổ vỡ hoàn toàn, nhưng các dấu hiệu là rất rõ ràng. “Thật sự bất ngờ khi Mỹ đứng về phía các quốc gia xưa nay vốn được coi là đối thủ, trong khi lại quay lưng với châu Âu”, bà Magid nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ chấp nhận để lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu...