Hệ lụy từ việc ông Trump sắp áp thuế “cả thế giới”
Việc chính quyền ông Trump sắp áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariffs) đối với tất cả các quốc gia đối tác, đang định hình lại thương mại toàn cầu. Theo các chuyên gia, phản ứng phối hợp là cách đối phó tốt nhất.
Ông Trump đã khẳng định sẽ áp thuế nhập khẩu đối ứng đối với hàng loạt quốc gia kể từ ngày 2/4. Ảnh: Reuters.
Kịch bản ác mộng trở thành thực tế
Ngày 2/4 tới, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp thuế nhập khẩu đối ứng theo cách ông chủ Nhà Trắng gọi là “Ngày giải phóng” - áp với tất cả các quốc gia.
Trước đây, viễn cảnh hệ thống thương mại quốc tế bị tổn hại bởi một cuộc chiến thuế quan toàn cầu chỉ được xem là kịch bản giả định. Nhưng giờ đây, nó đang trở thành điều có khả năng xảy ra nhất.
Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, đang chuẩn bị đối phó với tác động này và lo ngại về những gì xảy ra sắp tới.
Malaysia, Thái Lan và một số nước Đông Nam Á khác được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, các nước này nằm trong danh sách “Dirty 15” – 15 đối tác thương mại có thặng dư quá lớn với Mỹ.
Trong nhiều tuần qua, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cố gắng vận động để Mỹ miễn trừ thuế quan, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy nỗ lực của họ sẽ thành công.
Từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã thực hiện các thay đổi đáng kể trong nước, cũng như trong thương mại quốc tế. Dù nhiều CEO, nhà kinh tế và chuyên gia thương mại cảnh báo chính sách thuế này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, đẩy giá tiêu dùng lên cao, làm thị trường chứng khoán lao dốc và gây áp lực lên ngân sách hộ gia đình, nhưng ông Trump vẫn kiên quyết thực hiện.
Mỹ muốn giành lại "sự giàu có và tôn trọng"
Bắt đầu từ ngày 2/4, Mỹ sẽ đánh giá từng quốc gia trên cơ sở hợp tác song phương và áp dụng mức thuế đối ứng. Nhưng chính sách này không chỉ dừng ở nguyên tắc có đi có lại.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ đánh giá thực tiễn thương mại của từng nước, bao gồm thuế suất ưu đãi tối huệ quốc (MFN), mức chênh lệch thuế giá trị gia tăng, hàng rào phi thuế quan, thao túng tiền tệ và chuyển tải hàng hóa để xác định mức thuế và hình phạt.
Các nước càng có sự mất cân bằng thương mại lớn với Mỹ, hay bị xem là có lợi thế không công bằng thì mức thuế đối ứng càng cao.
Trong quan điểm của ông Trump, hầu như tất cả các nước trên thế giới đều đang lợi dụng Mỹ. Thuế quan mới sẽ giúp Washington lấy lại tiền bạc cũng như vị thế xứng đáng có.
Tuy nhiên, theo bà Deborah Elms, Giám đốc chính sách thương mại tại Tổ chức Hinrich ở Singapore, ông Trump đang đặt cược lớn với chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết”.
Theo giới quan sát, ông Trump sử dụng thuế như công cụ để giải quyết mọi vấn đề cùng một lúc.
“Ông Trump sử dụng thuế như một công cụ thô để giải quyết mọi vấn đề cùng một lúc – từ sự suy giảm sản xuất, mất cân bằng thương mại cho đến những thay đổi quyền lực”, bà nhận định. “Điều này không khả thi vì mỗi mục tiêu đòi hỏi một chiến lược thương mại khác nhau, và cách làm này không phải giải pháp".
Ông Taimur Baig, Giám đốc điều hành kiêm Kinh tế trưởng tại Ngân hàng DBS, nói chính quyền Mỹ có thể chấp nhận một mức độ tổn thất thị trường nhất định để theo đuổi mục tiêu chính sách. Nhưng mức độ chịu đựng này có giới hạn.
“Nếu thị trường điều chỉnh mạnh hoặc xuất hiện lạm phát đình trệ, rất có thể ông Trump sẽ phải điều chỉnh chính sách”, ông Baig nói.
Cuộc chạy đua tìm kiếm miễn trừ thuế quan
Với nguy cơ thuế quan cận kề, nhiều chính phủ các nước đã gấp rút đàm phán với Mỹ.
Các phái đoàn thương mại đổ về Washington, đưa ra những thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD để đầu tư vào Mỹ hoặc mua hàng hóa của nước này, nhằm tránh bị đánh thuế.
Ấn Độ đã tích cực đàm phán, sẵn sàng cắt giảm thuế đối với hơn một nửa số hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 23 tỷ USD.
Bộ trưởng thương mại Nhật Bản cũng vận động hành lang tại Washington nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của nước này, trong khi Hàn Quốc phải đối mặt với mức thuế 25% đối với thép và nhôm. Quốc gia này đã kích hoạt chiến lược khẩn cấp, cử bộ trưởng công nghiệp sang Mỹ để tìm cách giảm nhẹ tác động.
Tuy nhiên, dù Nhật Bản nỗ lực chỉ ra thiệt hại kinh tế từ thuế nhập khẩu ô tô, ông Trump vẫn quyết định áp dụng biện pháp này vào ngày 26/3.
Liệu có thể phản kháng?
Dù thời điểm Mỹ áp thuế đối ứng đã cận kề, hầu hết các nước trong khu vực vẫn chưa thực hiện chiến lược quan trọng nhất: phản kháng tập thể.
Một quốc gia riêng lẻ khó có thể đấu lại Mỹ trong đàm phán song phương. Nhưng nếu cùng nhau hợp tác, các nước có thể tạo ra sức mạnh đáng kể, theo tờ Channel News Asia.
Ông Trump đã từng lùi bước trước sức ép từ thị trường hoặc do khó khăn trong việc triển khai chính sách. Ông từng hoãn thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị thấp từ Trung Quốc sau khi các nhà bán lẻ Mỹ cảnh báo về cú sốc giá tiêu dùng và tình trạng hàng triệu kiện hàng ùn ứ tại cảng.
Bà Barbara Weisel, cựu trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ phụ trách Đông Nam Á, nhận xét rằng chính quyền ông Trump trước mắt sẽ tập trung vào nhóm “Dirty 15” – những quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ – thay vì đánh thuế toàn diện lên hơn 100 quốc gia.
“Những nước này chiếm phần lớn vấn đề trong mắt chính quyền Mỹ. Và trên thực tế, đàm phán với hơn 100 nước cùng lúc là điều không khả thi”, bà Weisel nói.
Ông Trump có thể sẽ không dừng lại ở ngày 2/4. Ông đã tuyên bố kế hoạch áp thuế mới lên chất bán dẫn và dược phẩm, tiếp tục gây xáo trộn thương mại toàn cầu.
Dù chính quyền Mỹ hiện vẫn kiên định với hướng đi này, nếu lạm phát tăng cao, chứng khoán lao dốc hoặc chuỗi cung ứng đứt gãy, áp lực sẽ gia tăng. Làn sóng phản đối có thể đến từ thị trường, công chúng hoặc sự đáp trả có phối hợp từ các nước.
Tuy nhiên, hiện tại, thế giới rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Mặc dù hợp tác có thể mang lại lợi ích chung, mỗi quốc gia đều có động cơ riêng để bảo vệ lợi ích của mình – điều mà ông Trump đã dự đoán trước.
Nhưng nếu muốn đối phó với chính sách “Nước Mỹ trên hết” này, có lẽ chỉ có một cách. Đó là cùng đứng về phía nhau, theo Channel News Asia.
Tổng thống Trump sẽ mở ra mặt trận mới trong cuộc chiến thuế quan bằng cách sắp áp thuế quan có đi có lại với mọi quốc...