Đường sắt cao tốc dài nhất thế giới của Trung Quốc: Vì sao càng chạy càng chậm?
Được thiết kế để chạy với vận tốc tối đa 350km/giờ, chỉ sau hơn 6 năm hoạt động, tàu vận hành trên tuyến đường sắt này phải chạy với tốc độ 200km/giờ, thậm chí thấp hơn ở nhiều đoạn. Nhiều người Trung Quốc cho rằng tuyến đường sắt tiêu tốn hơn 22,5 tỷ USD để xây dựng này không xứng với 2 chữ “cao tốc”.
Tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới Urumqi – Lan Châu được Trung Quốc đầu tư “khủng” (ảnh: SCMP)
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học chỉ ra rằng, Urumqi – Lan Châu – tuyến đường sắt dài 1.776 km chạy qua sa mạc Gobi nóng bỏng – đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão cát và vận hành không được như mong đợi.
“Gió mạnh mang theo lượng cát lớn trên sa mạc có thể làm tăng lực cản đối với tàu chạy trên tuyến đường sắt cao tốc Urumqi – Lan Châu. Bão cát ở sa mạc rất mạnh. Chỉ một trận bão cũng có thể làm tróc sơn trên thân tàu”, Jin Afang – giáo sư cơ khí tại Đại học Tân Cương – nói.
Theo giáo sư Jin, việc tàu chạy trên tuyến Urumqi – Lan Châu có thể bị bão cát ảnh hưởng nghiêm trọng như hiện nay là điều các nhà thiết kế chưa lường hết trong quá trình thi công. Xử lý vấn đề tốc độ tàu bị chậm lại cần rất nhiều tiền. Thậm chí có tiền cũng chưa chắc giải quyết được triệt để.
Năm 2014, Trung Quốc vận hành tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới Urumqi – Lan Châu với hy vọng có thể rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách và phát triển kinh tế ở Tân Cương – khu vực được xem là “miền Viễn tây” của Trung Quốc.