“Đứng ngồi không yên” vì bạo loạn ở Kazakhstan, vì sao Trung Quốc không can thiệp?
Một tuần qua, Kazakhstan trải qua bất ổn chưa từng thấy, với các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn lật đổ. Trung Quốc bày tỏ mong muốn giúp đỡ và hy vọng tình hình ở Kazakhstan sớm trở lại ổn định, nhưng Bắc Kinh không có bất cứ hành động cụ thể nào.
Cựu lãnh đạo Kazakhstan Nazarbaev (trái) tham dự một sự kiện có sự góp mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quóc Tập Cận Bình.
Khi các cuộc biểu tình quy mô lớn xuất hiện trên khắp Kazakhstan, biến thành bạo loạn, Trung Quốc vẫn im lặng dù chia sẻ đường biên giới dài 1.782km. Trung Quốc coi đây là vấn đề nội bộ và hi vọng tình hình ở Kazakhstan sẽ sớm ổn định, theo đài RFE/RL có trụ sở ở châu Âu.
Đến ngày 7.1, khi Tổng thống Kazakhstan Qasym-Zhomart Toqaev tuyên bố cuộc bạo loạn do những kẻ khủng bố kích động, nhằm âm mưu lật đổ chính quyền, Trung Quốc mới lên tiếng ngỏ ý giúp đỡ.
Nhưng đến lúc đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa hơn 3.000 quân tinh nhuệ và các khí tài quân sự tới Kazakhstan bằng 75 máy bay vận tải.
Các nhà phân tích nhận định, cách Bắc Kinh phản ứng với cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng là chiến lược chung đối với toàn bộ Trung Á, nơi mà Trung Quốc theo đuổi các lợi ích kinh tế, nhưng vẫn phải dè chừng đến một gã khổng lồ. Đó là Nga.