Động đất ở Myanmar: Hơn 2.000 người thiệt mạng, "thời gian vàng" đã qua
Số người thiệt mạng sau trận động đất kinh hoàng ở Myanmar tăng lên, khi cơ hội sống sót của những người mắc kẹt ngày càng trở nên mong manh.
Một đội cứu hộ làm việc ở Myanmar (ảnh: Reuters)
Thông tin mới về thương vong
Tối ngày 31/3, chính quyền quân sự Myanmar cho biết số người thiệt mạng do động đất ở nước này đã tăng lên 2.056. Hơn 270 người khác vẫn mất tích và khoảng 3.900 người bị thương.
Ở Thái Lan, 19 người được xác nhận là đã thiệt mạng và hơn 70 người khác vẫn mất tích.
Nỗ lực cứu hộ những người còn mắc kẹt trong các đống đổ nát ở Myanmar và Thái Lan vẫn chưa dừng lại.
Hôm 31/3, Tân Hoa Xã đưa tin, lực lượng cứu hộ đã giải cứu được 4 người, trong đó có một phụ nữ đang mang thai và một bé gái ở Mandalay, gần tâm chấn của vụ động đất mạnh 7,7 độ Richter 3 ngày trước đó.
“Không quan trọng phải làm việc bao lâu. Điều quan trọng nhất là chúng tôi có thể mang lại hy vọng cho người dân địa phương”, Yue Xin – chỉ huy đội tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc ở Myanmar – nói.
Ở Thái Lan, hôm 31/3, lực lượng cứu hộ đưa thêm một thi thể ra khỏi hiện trường vụ tòa nhà cao 137 mét đổ sập tại Bangkok. Ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà này và 75 người khác còn mắc kẹt.
72 giờ sau trận động đất, lực lượng cứu hộ vẫn làm việc không ngừng nghỉ để đào bới và hy vọng tìm được người sống sót. Phó Thống đốc Bangkok – bà Tavida Kamolvej – cho biết, lực lượng cứu hộ đã phát hiện các dấu hiệu sinh tồn và đang khẩn trương tìm cách tiếp cận.
“Chúng ta phải tăng tốc. Chúng ta sẽ không dừng lại kể cả sau 72 giờ”, bà Kamolvej nói.
Theo Reuters, 72 giờ đầu tiên sau thảm họa được coi là “thời gian vàng” để tiếp cận và giải cứu nạn nhân mắc kẹt. Sau thời gian này, cơ hội sống sót là thấp khi nạn nhân bị kiệt sức do không có nước uống.
Nỗ lực giải cứu những người còn mắc kẹt ở Myanmar (ảnh: Reuters)
Tình hình khó khăn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 31/3 đã kêu gọi gây quỹ khẩn cấp và kích hoạt “tình trạng khẩn cấp cấp độ 3” – mức cao nhất trong thang ứng phó – đối với trận động đất ở Myanmar.
WHO cho biết, họ đang kêu gọi khoảng 8 triệu USD để đáp ứng các nhu cầu y tế cấp bách ở Myanmar trong 30 ngày tới.
“Nếu không có nguồn tài trợ ngay lập tức, nhiều người có thể không qua khỏi”, WHO cho biết, lưu ý rằng trận động đất hôm 28/3 đã làm “quả tải các cơ sở chăm sóc y tế” ở Myanmar.
Ít nhất 3 bệnh viện ở Myanmar bị hư hại nặng và 22 bệnh viện khác bị hư hại một phần sau trận động đất, theo WHO.
Hôm 31/3, Liên hợp quốc nhận định, mức độ thương vong ở Myanmar “chưa được đánh giá đầy đủ” và con số thương vong “sẽ tăng lên”.
Liên hợp quốc cũng đang khẩn trương gửi các lô hàng cứu trợ cho khoảng 23.000 người sống sót sau trận động đất ở miền Trung Myanmar.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), cho biết, 3 thị trấn Nyaungshwe, Kalaw và Pinlaung là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do động đất ở Myanmar.
“Hàng nghìn người ở các khu vực này vẫn phải ngủ qua đêm trên đường phố do nhà cửa bị hư hại và lo ngại các đợt rung chấn tiếp theo”, OCHA cho biết.
Số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ở Myanmar tiếp tục tăng. Các bệnh viện quá tải. Nhiều người còn mắc...