'Đội trưởng Canada' và sự quyết liệt trước ông Trump
Thủ hiến tỉnh Ontario (Canada) – ông Doug Ford được mệnh danh là "Đội trưởng Canada", vì ông rất kiên quyết bảo vệ quyền lợi của nước này trước những chính sách thuế quan và đề xuất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ.
Vào tháng 1-2022, khi xe cày tuyết chạy ầm ầm và xe chở muối phun những viên bi phá băng xuống đường phố Toronto (tỉnh Ontario, Canada), mọi thứ dường như phủ tuyết trắng xóa. Khi ấy, một người đàn ông khỏe khoắn cầm một chiếc xẻng đỏ nhỏ ra đường, tìm cách giúp một chiếc ô tô bị kẹt ở ngã tư.
Người đàn ông đó là ông Doug Ford – thủ hiến của Ontario, tỉnh đông dân nhất và là nền kinh tế lớn nhất của Canada. Chẳng những giải cứu một số xe bị mắc kẹt, ông thậm chí còn chở một số người trong số họ về nhà.
Một số người cho rằng hành động của ông Ford là nhằm đánh bóng tên tuổi nhưng một số người khác lại cho rằng khoảnh khắc "chiếc xẻng đỏ nhỏ" đã cho thấy được bản chất của ông Ford: Người đàn ông bình thường nhưng luôn làm tốt công việc ông theo đuổi.
Gần đây, người ta không thấy ông Ford đối phó với lớp tuyết dày nữa nhưng lại thấy ông dẫn đầu nỗ lực chống lại một “cơn bão” khác đã tràn vào Canada: Những lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nền kinh tế của Canada và đề xuất biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ.
Ông Doug Ford. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Trong quá trình này, ông Ford đã tích cực lên tiếng bảo vệ chủ quyền, nền kinh tế và danh dự của Canada, đưa đến việc ông được một số người Canada đặt cho biệt danh “Captain Canada” (tạm dịch: Đội trưởng Canada). Đối với nhiều người, điều này đặc biệt ý nghĩa vào thời điểm quan hệ Mỹ-Canada có nhiều biến động dưới thời ông Trump.
Hành động quyết liệt
Mô tả về nỗi thất vọng khi hay tin ông Trump dọa áp thuế vào Canada, ông Ford nói: "Giống như một thành viên trong gia đình đâm thẳng vào tim bạn vậy”.
Ông thậm chí còn đội mũ bóng chày có dòng chữ “Canada Is Not For Sale” (Canada không phải để bán) và áo khúc côn cầu "Never 51" (Không phải [tiểu bang] 51). Cả hai thông điệp này đều ám chỉ đến những quan điểm của ông Trump về việc biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ.
Không dừng lại ở đó, ông Ford đã ban hành chính sách loại bỏ rượu của Mỹ khỏi các kệ hàng rượu ở Ontario trong khi Ontario là một trong những tỉnh của Canada mua nhiều rượu mạnh nhất của Mỹ. Ông cũng hủy hợp đồng của tỉnh với Starlink – một công ty internet thuộc sở hữu của tỉ phú Elon Musk, trong bối cảnh ông Musk là cộng sự đắc lực của ông Trump.
“Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ không bao giờ bắt đầu một cuộc chiến thương mại và thuế quan với Mỹ, nhưng bạn nên tin rằng chúng tôi đã sẵn sàng để giành chiến thắng” – ông Ford nói.
Trong tháng 3, ông Ford cùng nhiều quan chức chính phủ Canada cũng đã đến thủ đô Washington (Mỹ) để thảo luận về vấn đề thương mại với chính quyền Tổng thống Trump.
Cuộc chiến thuế quan có thể đẩy nền kinh tế Canada vào suy thoái. Một số công ty sản xuất và kim loại của Canada đã thông báo hàng chục đợt sa thải để ứng phó tình hình hiện tại.
"Nếu chúng ta rơi vào suy thoái, thì đó là do một người tự gây ra. Nó được gọi là suy thoái của Tổng thống Trump" – ông Ford nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Mỹ.
Nhân viên một cửa hàng tại Ontario mang các sản phẩm rượu do Mỹ sản xuất khỏi kệ. Ảnh: GETTY IMAGES
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Ontario cũng đã chi hàng triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình hướng tới khán giả Mỹ. Các quảng cáo này nêu bật mối quan hệ giữa hai nước và cảnh báo về hậu quả mà thuế quan đối với Canada sẽ gây ra cho túi tiền của người dân Mỹ.
Ảnh hưởng lớn
Canada và Mỹ từ lâu có mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, các đợt áp thuế và quan điểm của ông Trump về Canada đã khiến nhiều người dân nước này không hài lòng.
"Tôi cảm thấy vô cùng yêu nước, vô cùng quyết tâm bảo vệ những gì tôi biết chúng ta có" – bà Arlene Dickinson, một nhà đầu tư người Canada, cho biết. Bà cũng ghi nhận công lao của ông Ford vì đã lớn tiếng thể hiện tinh thần bảo vệ quyền lợi của Canada.
"Ông ấy không hề dao động. Ông ấy không đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của toàn bộ đất nước" – bà Dickinson nói.
Các đòn đánh thuế quan xảy ra vào thời điểm chính trường Canada đang có nhiều biến động: Canada vừa có thủ tướng mới và chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử.
Với vị trí là một trong những lãnh đạo chính trị hàng đầu của Canada, ông Ford được coi là một trong những cá nhân đại diện cho nước này. Vào tháng 2, ông cũng đã triệu tập một cuộc bầu cử cấp tỉnh sớm hơn 1 năm và dễ dàng giành được đa số phiếu.
Ông Dennis Pilon – giáo sư chính trị tại Đại học York ở Toronto (Canada) – cho rằng việc thúc đẩy cuộc bầu cử ở Ontario đã giúp ông Ford duy trì được động lực và sự chú ý của mọi người.
Trước khi trở thành thủ hiến Ontario vào năm 2018, ông Ford đã được bầu vào Hội đồng thành phố Toronto vào năm 2010. Dù có một số tranh cãi xung quanh những quyết định trước đây nhưng đến thời điểm hiện tại, ông vẫn được nhiều sự ủng hộ.
Xe buýt vận động tranh cử của ông Ford dừng lại ở Ontario vào năm 2018. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Trả lời báo chí trong tuần qua, ông Ford một lần nữa khẳng định quyết tâm không để đề xuất biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ thành sự thật, đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào về đất nước của mình.
"Chúng ta sẽ không bao giờ là tiểu bang thứ 51 [của Mỹ]. Canada không phải để bán. Nhưng chẳng phải thật tuyệt khi có người nghĩ rằng chúng ta có đất nước vĩ đại nhất thế giới sao?" – ông nói.
Canada đã thảo luận công khai về việc phát triển vũ khí hạt nhân, đây là điều ít người nghĩ tới trước khi ông Trump trở...