Chia sẻ

Dấu hiệu rõ ràng nhất về sự sống ngoài Trái đất

Sự kiện: Khám phá vũ trụ
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Các nhà khoa học vừa phát hiện dấu hiệu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về khả năng tồn tại sự sống trên một hành tinh ngoài hệ Mặt trời.

Ảnh đồ họa về một hành tinh thuộc "thế giới Hycean" mà K2-18 b nằm trong số đó. Ảnh: Reuters.

Ảnh đồ họa về một hành tinh thuộc "thế giới Hycean" mà K2-18 b nằm trong số đó. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, một nhóm các nhà khoa học sử dụng kính viễn vọng James Webb (JWST) đã phát hiện hai loại khí đặc biệt trong bầu khí quyển của hành tinh K2-18 b. Đó là dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide (DMDS). Trên Trái đất, cả hai loại khí này chỉ được tạo ra bởi các sinh vật sống, chủ yếu là sinh vật phù du sống dưới biển.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận tín hiệu sinh học có thể cho thấy một hành tinh ngoài hệ Mặt trời đang có sự sống”, Nikku Madhusudhan, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Cambridge và là tác giả chính của nghiên cứu đăng trên Astrophysical Journal Letters, nói.

Ông Madhusudhan nhấn mạnh rằng phát hiện này mới chỉ là dấu hiệu của sự sống, chứ chưa phải bằng chứng trực tiếp về các sinh vật sống.

Hành tinh K2-18 b có khối lượng gấp 8,6 lần Trái đất và đường kính lớn hơn khoảng 2,6 lần. Nó quay quanh một ngôi sao lùn đỏ trong vùng "có thể ở được" – nơi nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt hành tinh, cách Trái đất khoảng 124 năm ánh sáng.

Hình ảnh phác họa hành tinh K2-18 b cách Trái đất 124 năm ánh sáng. Ảnh: Reuters.

Hình ảnh phác họa hành tinh K2-18 b cách Trái đất 124 năm ánh sáng. Ảnh: Reuters.

Giới khoa học cho rằng K2-18 b thuộc "thế giới Hycean" –  nghĩa là hành tinh bao phủ bởi đại dương và có bầu khí quyển giàu hydro. Đây là môi trường lý tưởng để vi sinh vật tồn tại. Ông Madhusudhan lưu ý: “Chúng tôi đang nói đến sự sống ở cấp độ vi sinh vật, giống như sinh vật phù du trong đại dương trên Trái đất”.

Khí DMS và DMDS được phát hiện với nồng độ vượt quá 10 phần triệu thể tích – cao hơn hàng ngàn lần so với trên Trái đất – và điều này, theo ông Madhusudhan, không thể lý giải nếu không có hoạt động sinh học.

Dù rất hứa hẹn, giới khoa học vẫn kêu gọi sự cẩn trọng. “Đây là là một thông tin mang tính đột phá. Nhưng chúng ta cần kiểm chứng dữ liệu một cách kỹ lưỡng”, chuyên gia Christopher Glein, công tác tại Viện Nghiên cứu Tây Nam (Mỹ), nói.

Ông Madhusudhan nói thêm: “Chúng ta cần quan sát lại từ hai đến ba lần để chắc chắn các dữ liệu thu được là thật. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm để xác định liệu khí DMS và DMDS có thể sinh ra từ quá trình phi sinh học nào khác hay không”.

Tuy vậy, ông cũng bày tỏ sự lạc quan: “Việc tìm thấy sự sống trên hành tinh khác ngoài Trái đất là bước ngoặt đáng kể, và có thể chúng ta đang tiến rất gần điều đó”.

Trước khi "chết", tàu vũ trụ Zhurong (Chúc Dung) của Trung Quốc đã có chuyến dạo chơi trên bờ biển cổ đại ở hành tinh...

Theo Hoàng Anh - Reuters ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Khám phá vũ trụ

Xem Thêm