Đạo luật thuế gây chấn động, gieo mầm mống dẫn đến nội chiến Mỹ
Tháng 4/2025, chính sách thuế "đối ứng" của Tổng thống Trump khiến thế giới chao đảo. Hai thế kỷ trước, một đạo luật tương tự đã đặt những viên gạch khởi đầu cho “thuyết ly khai”, đẩy nước Mỹ đến cuộc nội chiến (1861-1865).
Cựu Tổng thống Mỹ John Quincy Adams. Ảnh: The Objective Standard
Âm mưu hạ bệ Tổng thống Mỹ
Năm 1828, Tổng thống Mỹ John Quincy Adams ký một đạo luật thuế quan với mục đích "bảo hộ công nghiệp Bắc Mỹ". Ít ai ngờ, đây lại là kết quả của một âm mưu chính trị nhằm hạ bệ chính ông.
Theo trang Today In History, những người ủng hộ ông Andrew Jackson – đối thủ của Tổng thống John Quincy Adams – đã cố tình soạn một dự luật áp thuế nhập khẩu cực cao, để đẩy ông Adams vào thế khó.
Họ cho rằng nếu Tổng thống Adams ký duyệt, ông sẽ mất lòng người dân miền Nam vì mức thuế quá nặng; còn nếu bác bỏ, ông Adams sẽ bị coi là không ủng hộ quyền lợi công nghiệp ở miền Bắc – một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" nhằm hạ thấp uy tín của ông trong cuộc bầu cử sắp tới.
Thế nhưng dự luật vẫn được thông qua thành luật với 41% phiếu ủng hộ ngay tại New England – nơi được cho là không ưa chính sách thuế này. Người dân và các đại biểu từ khu vực New England không ưa đạo luật thuế mới vì nó được cho là gây ra các ảnh hưởng tiêu cực như tăng giá hàng hóa và áp lực gia tăng đối với các ngành sản xuất truyền thống.
Tuy nhiên, trong quá trình tranh luận và thông qua đạo luật, họ bị thuyết phục bởi quan điểm rằng “những gì có lợi cho một vùng sẽ có lợi cho cả đất nước".
Dù biết dự luật mới là "liều thuốc độc" chính trị, Tổng thống Adams vẫn ký thành luật. Hậu quả, ông Adams thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử năm 1828, nhường ghế tổng thống cho đối thủ Jackson.
Việc đạo luật thuế 1828 được thông qua không chỉ là một thất bại chính trị đối với chính quyền Mỹ khi đó mà còn làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực. Miền Nam, đặc biệt là Nam Carolina, coi đạo luật này như một sự tấn công kinh tế, làm tăng giá hàng hóa thiết yếu và cản trở xuất khẩu bông sang Anh, đối tác thương mại chính của họ.
Theo trang American History Central, miền Nam nước Mỹ gọi đạo luật thuế năm 1828 là đạo luật Tariff of Abominations (Tạm dịch: Đạo luật thuế Bất công).
Vì sao lại gọi như vậy? Theo American History Central, đạo luật thuế bất công đánh vào hàng nhập khẩu lên tới 50%, khiến giá hàng hóa thiết yếu tăng vọt.
Trong khi công nghiệp miền Bắc nước Mỹ được bảo hộ, nền kinh tế nông nghiệp miền Nam – phụ thuộc vào xuất khẩu bông và nhập khẩu hàng châu Âu – lại bị bóp nghẹt. "Người dân Nam Carolina cảm thấy bất công, như thể họ là nô lệ của chính quyền", ông John C. Calhoun, Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Adams, viết năm 1828.
Từ bất tuân đến dọa ly khai
Chân dung ông John C. Calhoun, người giữ chức Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Adams. Ảnh: Wikimedia Commons
Năm 1832, Quốc hội thông qua đạo luật Thuế Quan 1832 (Tariff of 1832) giảm nhẹ thuế, nhưng không làm hài lòng miền Nam. Kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện (132-65) và Thượng viện (32-16) cho thấy sự chia rẽ: Gần 50% phiếu chống đến từ các bang phía Nam, theo trang American History Central.
Phản ứng dữ dội nhất đến từ Nam Carolina. Dưới sự thúc đẩy của ông Calhoun và Thống đốc James Hamilton Jr., bang này tổ chức hội nghị đặc biệt vào tháng 11/1832. Với tỷ lệ ủng hộ 136-26, hội nghị thông qua sắc lệnh Vô hiệu hóa của Nam Carolina – tuyên bố cả hai đạo luật thuế 1828 và 1832 là "vi hiến" và "vô hiệu" trên lãnh thổ bang này. Đáng chú ý, văn kiện còn đe dọa: "Nếu chính phủ liên bang dùng vũ lực, chúng tôi sẽ ly khai".
Tuy nhiên, Tổng thống Andrew Jackson, người từng bị thương tích đầy mình trong chiến tranh, không nao núng. Dù là người miền nam, nhưng ông Jackson kiên quyết bảo vệ quyền lực liên bang.
Ông ký đạo luật Cưỡng chế (Force Act, 1833), cho phép sử dụng quân đội để ép buộc thu thuế nhập khẩu. Nam Carolina cũng chuẩn bị chiến tranh.
Trước nguy cơ chiến tranh, các nhà lãnh đạo chính trị đã tìm cách xoa dịu căng thẳng. Ông John Calhoun, lúc này đã từ chức Phó Tổng thống và trở lại Nam Carolina, cùng với ông Henry Clay, một thượng nghị sĩ nổi tiếng với khả năng hòa giải, đề xuất đạo luật thuế 1833, còn gọi là đạo luật Thuế quan Thỏa hiệp.
Theo Today In History, đạo luật này quy định rằng thuế quan sẽ được giảm dần, bắt đầu từ mức của năm 1833 và giảm một phần mười cứ mỗi hai năm cho đến khi đạt mức 20% vào năm 1842. Thỏa hiệp này nhằm cân bằng lợi ích của miền Bắc và miền Nam nước Mỹ.
Đạo luật thuế 1833 đã thành công trong việc ngăn chặn xung đột ngay lập tức. Nam Carolina triệu tập lại hội nghị bang vào ngày 15/3/1833, bãi bỏ sắc lệnh vô hiệu hóa, chấm dứt lời đe dọa ly khai.
Tuy nhiên, để khẳng định lập trường về quyền tiểu bang, Nam Carolina cũng tuyên bố vô hiệu hóa đạo luật Cưỡng chế một cách tượng trưng.
Hậu quả của thuế quan 1828
Các cuộc khủng hoảng thuế năm 1828 được cho là "bước khởi đầu cho thuyết ly khai", dẫn dắt nước Mỹ đến cuộc nội chiến 1861-1865. Ảnh: WBEZ Chicago
Theo trang American Heritage, đạo luật thuế bất công (thuế quan 1828) không chỉ là cuộc khủng hoảng thuế đơn thuần. Nó phơi bày rạn nứt sâu sắc giữa hai miền Bắc - Nam: Công nghiệp với nông nghiệp, chủ nghĩa liên bang với quyền tự quyết tiểu bang.
Trang American Heritage nhận định, đây là "bước khởi đầu cho thuyết ly khai", dẫn dắt nước Mỹ đến cuộc nội chiến 1861-1865. Sự kiện cũng đặt nền móng cho tranh luận về "quyền của các bang" – vấn đề tiếp tục ám ảnh nước Mỹ.
Năm 2025, chính sách thuế quan của ông Trump với mức áp lên tới 50% hoặc hơn với một số quốc gia cũng khiến nhiều người liên tưởng đến đạo luật thuế 1828 và tác động của nó.
Dù bối cảnh khác biệt, nhưng cả hai chính sách thuế đều để lại những tác động lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về đoàn kết quốc gia. Theo American Heritage, bài học từ giai đoạn 1828-1833 vẫn nguyên giá trị: Khi lợi ích kinh tế va chạm, nguy cơ xung đột chính trị luôn hiện hữu.
Với chính sách thuế quan của chính quyền ông Trump hiện tại, một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu được dự báo đang...