ASEAN đang ứng phó mẫu mực thuế đối ứng của Mỹ
Chuyên gia nhận xét rằng ASEAN đã và đang ứng phó mẫu mực thuế đối ứng của Mỹ - vốn được đánh giá là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh kinh tế và chính trị của khối kể từ khi ASEAN thành lập.
“Phản ứng của Đông Nam Á trước thuế quan Mỹ cho đến nay là một bài học mẫu mực” - đó là nhận xét của bà Mari Pangestu - cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia và là GS Kinh tế Quốc tế tại ĐH Indonesia, và GS Shiro Armstrong (ĐH Quốc gia Úc) về phản ứng của các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng lên các nền kinh tế trên toàn cầu.
ASEAN cần làm gì để ứng phó thuế đối ứng của Mỹ? Ảnh: NIKKIE ASIA
Phản ứng mẫu mực
Viết trên kênh Channel NewsAsia (CNA), hai chuyên gia cho rằng thành công của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng trong việc hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu vô hình trung khiến khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề từ các mức thuế đối ứng. Tuy nhiên, khu vực đã có phản ứng vừa phải trong vấn đề này.
Tổng thống Indonesia - ông Prabowo Subianto, Thủ tướng Malaysia - ông Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore - ông Lawrence Wong nhanh chóng tuyên bố sẽ không đáp trả bằng các mức thuế tương tự vì cho rằng làm như vậy chỉ khiến người dân thêm gánh nặng chi phí.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã nhất trí từ tháng 2 về việc hợp tác ứng phó khả năng Mỹ áp thuế quan, kiểm soát làn sóng hàng hóa nước ngoài tràn vào khu vực bằng cách sử dụng các biện pháp thương mại phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ngày 10-4, các bộ trưởng kinh tế của khối tổ chức một cuộc họp đặc biệt và thành lập một lực lượng công tác nhằm theo dõi diễn biến tình hình và phối hợp các phản ứng chung. Một Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN dự kiến cũng sẽ được triệu tập, có khả năng diễn ra vào đầu tháng 5.
Phản ứng ban đầu này phản ánh cấu trúc lợi ích của Đông Nam Á – nơi khát vọng phát triển, thịnh vượng và an ninh đều phụ thuộc vào các nền kinh tế mở, gắn kết vào nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả các đối tác kinh tế khổng lồ ở Đông Bắc Á, Mỹ và châu Âu. “Các nguyên tắc về mở cửa, bình đẳng, hợp tác và chủ nghĩa đa phương đã ăn sâu trong ADN của ASEAN, dù đôi khi chưa được thực hiện một cách hoàn hảo” - hai chuyên gia viết.
Toàn cầu hóa dựa trên luật lệ
Khoảng dừng 90 ngày mà ông Trump đưa ra đối với các mức thuế đối ứng chỉ mang tính tạm thời, mối đe dọa vẫn còn đó và tình hình nhiều khả năng sẽ đáng quan ngại.
Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, với mức thuế 145% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ và 125% đối với toàn bộ hàng hóa Mỹ vào Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, áp lực sẽ đè nặng lên các quốc gia Đông Nam Á, vốn có quan hệ kinh tế chặt chẽ với cả Bắc Kinh và Washington.
Nếu các mức thuế đối ứng trở lại, điều đó sẽ dẫn đến sự chuyển hướng trong dòng thương mại, đầu tư và các dòng vốn ngày càng biến động, đi kèm với sự bất định trong chính sách của Mỹ gây chao đảo các thị trường cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu.
Chưa dừng lại ở đó, nguy cơ căng thẳng thương mại và căng thẳng tiền tệ đang gia tăng, cũng như mối lo về một cuộc chạy đua phá giá đồng tiền để tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
Dù vậy, GS Pangestu và GS Armstrong cho rằng trật tự kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ dù đang bị đe dọa, nhưng không có nghĩa là trật tự này sẽ biến mất.
“Một quốc gia đơn lẻ có thể bất lực trong việc đảo ngược xu hướng này. Nhưng các hành động từ phần còn lại của thế giới có thể giúp ngăn Mỹ kéo theo cả hệ thống sụp đổ. Cần hiểu rằng hiện tại, Mỹ chỉ chiếm 11% trong tổng kim ngạch thương mại toàn cầu” - hai chuyên gia nêu quan điểm.
ASEAN cần làm gì tiếp theo?
ASEAN cần làm gì để ứng phó thuế đối ứng của Mỹ?. Ảnh: CNA
Theo các chuyên gia, giai đoạn tiếp theo trong phản ứng của ASEAN cần phải tính đến các lợi ích toàn cầu. Khối có thể góp phần lấp đầy khoảng trống lãnh đạo trong chủ nghĩa đa phương. Có hai nguyên tắc mà ASEAN vốn đã thực hành, có thể định hướng cho hành động và hợp tác trong thời gian tới.
Thứ nhất, nếu ASEAN hành động vì lợi ích của mình một cách phù hợp với các nguyên tắc đã cam kết, điều đó sẽ góp phần vào nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.
Điều đó bao gồm việc tránh các biện pháp trả đũa vốn chỉ mang lại thêm tổn thất kinh tế; sử dụng các biện pháp phù hợp với luật lệ và thể chế mà ASEAN đã cam kết; và tiếp tục hành động như một khối thống nhất. “Nếu đi chệch khỏi những nguyên tắc cốt lõi ấy, ASEAN có thể tự làm rạn vỡ chính mình”- hai chuyên gia cảnh báo.
Nguyên tắc thứ hai là bảo vệ và thực hành vai trò trung tâm của ASEAN. ASEAN không chỉ là trung tâm của các quốc gia thành viên, mà còn giữ vị trí trung tâm trong hợp tác rộng lớn hơn của toàn châu Á.
Chuyên gia cho rằng ASEAN sẽ tìm được những đối tác sẵn sàng hợp tác ngay trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc đã gặp nhau vài ngày trước khi ông Trump công bố thuế quan, và đồng ý phối hợp đối phó với thuế Mỹ, đồng thời “tăng cường thực thi RCEP” – tức Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, với 15 quốc gia thành viên.
Lợi ích kinh tế của Úc và New Zealand cũng gắn liền với châu Á – họ đều là thành viên RCEP và cũng tuyên bố không trả đũa lại thuế quan Mỹ. Hai nước này cùng chia sẻ mối quan tâm sâu sắc với ASEAN về một hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ.
RCEP chính là nền tảng hứa hẹn nhất trong số các thể chế lấy ASEAN làm trung tâm, để điều phối hành động tập thể rộng lớn hơn và giải quyết các thách thức khu vực.
Chuẩn bị tâm thế đàm phán với Mỹ
Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng do các mức thuế đối ứng đã bắt tìm cách đàm phán với Mỹ. Nhà Trắng sẽ tiến hành đàm phán song phương với từng nước, nhưng các quốc gia ASEAN sẽ muốn phối hợp để tránh những thỏa thuận gây tổn hại đến ASEAN với tư cách là một khối.
Trước những diễn biến xoay quanh chính sách thuế của ông Trump, việc đàm phán chắc chắn sẽ còn nhiều bất định. Nhật – một trong những nước đầu tiên bắt đầu đàm phán chính thức với Mỹ – đến nay chưa đạt được nhiều tiến triển. Là đồng minh quan trọng của Mỹ, Nhật cũng chính là phép thử đầu tiên cho hiệu quả của chiến lược đàm phán.
Hai vị GS lập luận rằng phản ứng phù hợp cho các nền kinh tế ASEAN là một chiến lược hai hướng.
Thứ nhất là ứng phó với các cú sốc bên ngoài bằng cách củng cố nền kinh tế trong nước thông qua chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu rõ ràng cho những đối tượng bị ảnh hưởng, cùng với một gói cải cách toàn diện về gỡ bỏ rào cản và cơ cấu. Thực hiện điều này song hành với các nước láng giềng sẽ giúp củng cố niềm tin và đem lại lợi ích lớn hơn cho toàn khu vực Đông Nam Á.
Thứ hai, bằng cách tận dụng chủ nghĩa khu vực mở và vai trò trung tâm của mình, ASEAN không chỉ có thể bảo vệ lợi ích chiến lược mà còn có thể huy động một liên minh các đối tác sẵn sàng hành động để cùng nhau bảo vệ lợi ích trong hệ thống đa phương.
Và như vậy, Đông Nam Á sẽ có thể vượt qua mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh kinh tế và chính trị của mình kể từ khi ASEAN được thành lập.
Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ Sean O'Neill khẳng định Mỹ coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực, khi...