Nhìn lại 5 năm sử dụng sách giáo khoa mới
Năm học 2024-2025, sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã phủ kín 12 khối lớp. Chương trình mới cũng cho thấy bên cạnh những ưu việt cũng phát sinh một số hạn chế.
Nhiều lợi ích của sách giáo khoa mới
Luật Giáo dục 2019 ra đời đánh dấu mốc quan trọng cho giáo dục Việt Nam khi quy định 1 chương trình, nhưng mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Theo lộ trình thay sách giáo khoa, năm học 2024-2025, học sinh các lớp 5, 9, 12 sẽ sử dụng sách giáo khoa mới, đây cũng là lứa học sinh cuối cùng hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc xã hội hóa sách giáo khoa lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục của Việt Nam có nhiều tích cực.
Đồng hành cùng con mỗi ngày nên nắm rõ nội dung trong từng quyển sách giáo khoa, chị Nguyễn Nhật Hà, có con đang học lớp 3 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Tôi thấy khá ưng ý với sách giáo khoa mới. So với thời tôi học ngày xưa, sách bây giờ đẹp hơn, nội dung đầy đủ hơn, hình ảnh minh họa sinh động, có chú thích chi tiết, rõ ràng. Chất lượng giấy màu cũng tốt giúp các con yêu thích hơn với bài học. Vì thế việc dạy con học trở nên vui vẻ, mẹ con tương tác với nhau nhiều hơn".
Chung quan điểm, chị Lê Thu Huyền, có 2 con đang học lớp 9 và 5 ở quận Hà Đông, Hà Nội cũng chia sẻ: "Tôi ủng hộ việc có nhiều bộ sách để lựa chọn bộ nào phù hợp với học sinh từng trường. Tôi cũng đồng tình việc sách chỉ là tài liệu tham khảo. Học sinh cần phải đọc nhiều hơn, học nhiều kiến thức bên ngoài hơn, thay vì chỉ đọc duy nhất trong sách giáo khoa".
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng mong muốn việc triển khai cách thi, tổ hợp thi, môn thi tốt nghiệp,.... được bài bản, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên trong quá trình dạy học và ôn tập được hiệu quả, dù là sử dụng bộ sách nào cũng đều mang đến những giá trị tích cực cho cả người dạy và người học.
Là một trong những trường có sử dụng sách giáo khoa Cánh diều để giảng dạy, thầy Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ KHTN Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội nhận xét: "Nhìn chung bộ sách lớp 12 năm nay rõ ràng, bố cục khá mạch lạc, logic và có sự tương đồng giữa các bộ sách. Bộ mới giúp giáo viên thiết kế bài giảng theo hướng phát triển năng lực học sinh học sinh thuận lợi hơn".
Ths Hà Văn Vụ, giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM, cho biết: Khi có nhiều bộ sách sẽ hạn chế độc quyền in ấn tránh tình trạng tay trong tay ngoài trong xuất bản sách giáo khoa. Giáo viên và học sinh có quyền chọn lựa sách giáo khoa phù hợp để dạy và học. Do có tính cạnh tranh nên chất lượng ngữ liệu, chất lượng sách nói chung phải thật sự tốt không là bị đào thải ngay”.
Khó khăn trong quá trình triển khai
Theo Bộ GDĐT, đây là lần đầu tiên sách giáo khoa được biên soạn theo hình thức xã hội hóa; việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bài bản. Công tác biên soạn thu hút tổng số 2.656 tác giả, gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông. Thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đông đảo với khoảng 1.404 thành viên.
Việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ quy định tại các thông tư, tôn trọng và phát huy trí tuệ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy tại địa phương. Quá trình lựa chọn sách giáo khoa giúp các địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục năng động hơn, trách nhiệm hơn đối với hoạt động dạy và học tại địa phương, cơ sở giáo dục của mình.
Sử dụng nhiều sách giáo khoa tạo nên sự cạnh tranh, thúc đẩy các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, qua đó làm cho chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt hơn, giúp hạ giá thành sách giáo khoa. Các nhà xuất bản cũng có các chương trình tặng sách giáo khoa, tặng tủ sách dùng chung giúp giảm bớt khó khăn đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn Chương trình GDPT 2018, Chủ biên và Tổng chủ biên sách Ngữ văn THCS và THPT, bộ Cánh Diều, cho hay: "Tôi là người đã tham gia trực tiếp xây dựng Chương trình và viết sách giáo khoa của 3 lần đổi mới giáo dục. Tôi hiểu rất rõ công việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa vất vả và tốn kém như thế nào".
Mặc dù vậy, một chương trình nhiều bộ sách và nội dung trong sách giáo khoa mới cũng đặt ra một số vấn đề. Như mới đây, gửi kiến nghị đến trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hưng Yên đề nghị không nên thường xuyên thay đổi sách giáo khoa, bởi điều này gây lãng phí, do sách không thể tái sử dụng. Cử tri cũng phản ánh tình trạng, khi xảy ra bão lụt, các cơ quan, đơn vị, nhân dân ủng hộ sách nhưng lại không đúng bộ sách các học sinh đang học nên không sử dụng được, gây lãng phí, bất cập.
Một cử tri ở TP.HCM cũng kiến nghị: "Hiện hai bộ sách được các trường sử dụng để dạy là Cánh diều và Chân trời sáng tạo, dù vậy khi tổ chức thi thì chỉ có một đề thi, có thể gây khó khăn trong tiếp thu cho học sinh. Trong gia đình có hai chị em, người chị lên lớp cũng không thể cho người em sử dụng lại sách cũ nếu như học khác trường”.
Trong tổng kết 5 năm xã hội hóa giáo dục, Bộ GDĐT cũng thừa nhận sau 5 năm triển khai xã hội hóa sách giáo khoa vẫn còn những tồn tại, hạn chế như một số ngữ liệu ở một số môn học còn xuất hiện những quan điểm khác nhau, gây băn khoăn trong dư luận khi đưa vào sử dụng. Việc lựa chọn sách ở một số nơi, ở một số thời điểm còn có khó khăn trong tổ chức thực hiện. Việc tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa đối với một số môn học được thực hiện bằng hình thức trực tuyến nên việc trao đổi, tương tác hai chiều giữa giáo viên và học viên có hạn chế…