Vỏ cây "dát vàng" ở Việt Nam, bóc đem bán là hốt bạc
Biết “bóc” đúng loại vỏ cây, cơ hội đút tiền đầy túi chẳng còn nằm ngoài tầm với.
Vỏ cây không chỉ dùng để ủ làm phân bón hay dùng làm chất đốt. Đặc biệt, có những loại vỏ cây hễ bóc là “hái ra tiền”, có loại giúp bạn đổi đời chỉ trong thời gian ngắn.
Đầu tiên là vỏ cây quế - 1 nguyên liệu vô cùng quen thuộc trong Đông y. Công việc bóc vỏ quế chính là một nghề có thu thập ổn định và khá phổ biến tại Yên Bái.
Quế là giống cây thân gỗ, lá có hình trứng hơi nhọn với hai đầu hẹp lại, thân và cành có thể được khai thác để làm thuốc đông y, gia vị hoặc sản phẩm dưỡng da.
Được biết, thời điểm vàng để thu hoạch vỏ cây quế là khoảng giữa tháng 5. Trong khoảng thời gian này cây sẽ có nhiều nhựa, dễ bóc vỏ và không bị bỏ sót lòng.
Đối với người dân Yên Bái, việc khai thác quế chính là nguồn thu nhập chính giúp họ có thể kiếm được 1 khoản đáng kể, thậm chí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Chị Trần Thảo Dược (xã Đào Thịnh, Yên Bái) chia sẻ, sau khi nhận ra lợi ích kinh tế từ loài cây này, chị đã nhanh chóng tìm mua cây giống về trồng.
Tính đến nay, tổng diện tích vườn quế gia đình chị Dược trồng đã lên tới 10ha, mỗi năm thu lại lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha cho những cây quế từ 3 - 5 tuổi. Đối với cây quế từ 8 tuổi trở lên, lợi nhuận thu về có thể lên tới 100 triệu đồng.
Trong đó, vỏ quế tươi được bán trên thị trường với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Còn vỏ quế khô chưa nạo có giá đắt hơn, rơi vào khoảng 60.000 đồng/kg.
Bên cạnh quế, vỏ cây keo cũng là một mặt hàng mang lại giá trị kinh tế ổn định cho 1 số hộ gia đình tại Nghệ An.
Theo chia sẻ của những người trong nghề, mỗi sáng họ phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đồ nghề cần thiết như ủng, giày có độ bám cao hay những chiếc mũ chụp đầu kín mít để thu hoạch vỏ keo.
Đây là những vật dụng thiết yếu giúp họ vượt qua những khe suối, bãi đá gồ ghề để đến nơi thu hoạch cây keo.
Công việc này cũng không hề dễ dàng khi người thu hoạch phải "dãi nắng dầm mưa", đôi khi không may đụng phải tổ ong có thể bị đốt, nổi mẩn đỏ khắp người.
Để có thể thu hoạch nhanh hơn, người làm cần chú ý ngay khi cây vừa cắt xuống là phải bóc vỏ ngay, nếu để lâu sẽ càng khó bóc do cây chảy hết nước.
Công việc này không có giờ giấc cụ thể, có khi kéo dài đến 10 giờ tối. Khi nào xe chở cây keo đầy thì đồng nghĩa kết thúc một ngày làm việc.
Được biết, tiền công mỗi ngày mà người làm nghề thu hoạch vỏ cây keo được trả rơi vào khoảng 200 - 250.000 đồng. Đây là mức thu nhập không quá cao nhưng đủ giúp người dân địa phương trang trải cuộc sống.